Trong những năm gần đây, cảnh sát tại thành phố Lucknow, thủ phủ Uttar Pradesh, Ấn Độ đã phải rất đau đầu với một loại "tội phạm" hoàn toàn mới: Đó là những nam giới độc thân đang muốn tìm bạn đời bằng cách cố tình... gọi nhầm số điện thoại.
"Đường dây nóng dành cho phụ nữ 1090 của chúng tôi tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi với nội dung phàn nàn khá gay gắt. Việc này diễn ra hằng ngày khiến đội ngũ cán bộ không sao trả lời xuể", cô Indane – nhân viên trực tổng đài cho biết.
Nếu phân loại cụ thể, có khoảng 90% số người gọi tới chỉ để tố cáo những anh chàng "Romeo di động" – một biệt danh chỉ những người đàn ông chưa vợ, chuyên gọi điện quấy rối phụ nữ không quen biết với hi vọng có thể tìm được nửa kia của mình.
Quấy rối phụ nữ bằng phương thức cực đoan
Những chàng "Romeo di động" thường xuyên dùng điện thoại để liên lạc tới nhiều số máy ngẫu nhiên trong một ngày.
Nếu đường dây bên kia là nam giới hay người lớn tuổi, họ sẽ lập tức cúp máy ngay. Còn nếu là phụ nữ, họ sẽ cố gắng làm quen và tìm hiểu thông tin của đối phương thông qua nhiều cách thức khác nhau.
"Họ không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để gây ấn tượng mạnh với phái yếu, kể cả việc phải dùng những lời nói mang tính cực đoan", một nạn nhân kể lại.
Mặc dù việc lần mò từng số máy để gọi nhầm thường rất mất thời gian và chưa chắc đã mang lại kết quả như ý muốn, tuy nhiên số lượng "Romeo di động" tại Ấn Độ vẫn đang có xu hướng tăng lên từng ngày.
"Tình trạng thừa nam thiếu nữ ở quốc gia này đã khiến nhiều nam giới không thể kiếm được người bạn đời lý tưởng. Vì vậy, họ mới chọn giải pháp trên để tự tìm thấy cơ hội cho riêng mình", đại diện đường dây nóng 1090 khẳng định.
Cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong những năm gần đây cũng khiến điện thoại di động trở thành một vật dụng thiết yếu với hơn 680 triệu thuê bao đang hoạt động cùng hơn 3 triệu thuê bao đăng ký mới mỗi tháng trên toàn quốc.
Ngoài ra, giá dịch vụ viễn thông của họ còn thuộc hàng thấp nhất thế giới. Nhiều người mặc dù chẳng khá giả nhưng vẫn có thể thực hiện tới hàng trăm cuộc gọi "nhầm số" một cách rất thoải mái.
Gọi 500 cuộc điện thoại mỗi ngày để tìm kiếm bạn đời
Một trong những nạn nhân của hiện tượng "Romeo di động" là cô Geetika Chakravarty, 24 tuổi - một chuyên gia trang điểm từng sống ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Nhiều phụ nữ tại Ấn Độ đã phải cho hàng trăm số điện thoại vào danh sách chặn vì bị quấy rối quá nhiều.
Sau khi trở về định cư tại Ấn Độ vào năm ngoái, cô Chakravarty đã đăng tải số điện thoại của mình lên trang Facebook của một cửa tiệm làm đẹp mà cô định xin vào làm việc.
Nhưng thay vì nhận được hồi âm từ họ, cô gái trẻ choáng váng khi phải nhận hàng trăm cuộc gọi dồn dập từ các số máy lạ khiến điện thoại của cô luôn rơi vào trạng thái sập nguồn.
"Tôi chẳng hiểu họ nghĩ gì nữa. Mặc dù tôi đã nói họ gọi nhầm số rồi, vậy mà các chàng trai đó vẫn cứ dây dưa và thậm chí còn tỏ tình theo cách rất phản cảm", cô Chakravarty chia sẻ.
Mặc dù phải cho hơn 200 số điện thoại như vậy vào danh sách đen nhưng thỉnh thoảng thì vẫn có vài số lạ cố gắng gọi vào máy của cô.
Thậm chí, có người còn gọi cho cô tới 5 lần mỗi ngày, và khi bị chặn số thì anh ta lại tiếp tục liên lạc với cô bằng sim điện thoại mới.
Cô Chakravarty nói: "Khi đó, tôi cảm thấy hắn ta như một gã bệnh hoạn kỳ quái vậy. Tôi sợ rằng có thể kẻ đó sẽ tìm tới mình ngoài đời thực nên mới liên hệ với cơ quan cảnh sát để tìm kiếm sự bảo vệ".
Nhiều đại lý viễn thông sẵn sàng bán thông tin cá nhân của các khách hàng nữ cho những gã đàn ông "ế" vợ.
Nhận thấy mối lo ngại của cô Chakravarty là có cơ sở, cơ quan cảnh sát đã tiến hành lần theo số điện thoại và xác định kẻ quấy rối dai dẳng chính là Premsagar Tiwari - một thanh niên 24 tuổi với cái tên trong tiếng Hindi có nghĩa là "biển tình yêu".
Tiếp tục điều tra, họ phát hiện Tiwari sở hữu tới 8 chiếc SIM điện thoại khác nhau, trong đó vài chiếc được đăng ký bằng tên giả.
Mỗi ngày, Tiwari dành khoảng 3 tiếng đồng hồ để để liên hệ đến khoảng 500 số điện thoại khác nhau, đa phần đều là "gọi dò đường" hoặc quấy rối có chủ đích như trường hợp của cô Chakravarty.
Tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở Ấn Độ đã khiến các chàng trai khó tìm được người bạn đời của mình - (Ảnh minh họa).
Tại cơ quan cảnh sát, Tiwari đã thành thật khai nhận những hành vi sai trái mà mình từng thực hiện. Nhưng anh ta lại giải thích thích đó chỉ là phương pháp để bản thân tự tìm kiếm nửa kia của cuộc đời mà thôi.
"Nửa kia của tôi đang ở một nơi nào đó và tôi cần phải tìm cô ấy bằng mọi cách. Khi thấy được nửa kia của mình thì tôi sẽ ngừng hành động ấy lại ngay", Tiwari liên tục quả quyết.
Tiwari cũng nói với cơ quan cảnh sát rằng đã đọc vô số câu chuyện về các cặp đôi quen biết nhau qua mạng xã hội, yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân. Và anh ta luôn nghĩ bản thân mình sẽ có cơ hội đạt được hạnh phúc bằng phương thức tương tự.
Tiwari cho biết thêm: "Có thể trông tôi không được điển trai và khó bắt chuyện trực tiếp với những cô gái, song tôi lại là một con người tràn đầy nhiệt huyết. Tôi tin mình sẽ thành công vào một ngày nào đó".
Hẳn nhiên, cơ quan cảnh sát không hề tin vào lời biện bạch của Tiwari và đã tiến hành tạm giam anh chàng trong vòng 15 ngày để răn đe.
Vấn nạn không hồi kết
Bên cạnh việc bỏ nhiều thời gian và công sức để gọi điện thoại ngẫu nhiên thì trong thời gian gần gây, nhiều chàng "Romeo di động" đã tìm được một phương pháp nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Đó là chấp nhận chi trả vài khoản tiền nho nhỏ để mua số điện thoại của những cô gái trẻ từ các đại lý di động thiếu lương tâm.
Những thanh niên độc thân dùng mọi cách cực đoan để săn đón người bạn đời của mình, bao gồm quấy rối trực tiếp qua điện thoại.
Như đã đề cập, Ấn Độ hiện đang xoay guồng trong một cuộc cách mạng viễn thông hiện đại. Do đó, các đại lý di động cũng mọc lên như nấm - đặc biệt là khi thủ tục đăng ký sim thẻ trở nên khá dễ dàng.
Nhưng việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, vì vậy họ đã đi "lối tắt" để thu hút thêm nguồn khách hàng phong phú: Từ việc bán SIM rác với thông tin cá nhân sai sự thật cho tới việc lưu lại hồ sơ liên lạc của người sử dụng để bán lại cho ai có nhu cầu.
Tại một đại lý đen như vậy, những chàng "Romeo di động" có thể bỏ tiền ra để mua số điện thoại của vô số nữ khách hàng thiếu may mắn từng giao dịch với mức giá chỉ khoảng 50 rupee (tương đương 17 nghìn đồng) cho mỗi số bình thường, hoặc hơn 500 rupee (tương đương 170 nghìn đồng) cho mỗi số đặc biệt.
Kể cả khi kinh doanh nghiêm chỉnh và không để lộ danh tính của khách hàng, chủ đại lý vẫn vô tư chia sẻ các tài liệu nhạy cảm này với người thân hay họ hàng quen biết mà không hề quan tâm tới hậu quả sau này.
Cho tới nay, vấn nạn quấy rối phụ nữ - đặc biệt là những cô gái xinh đẹp vẫn còn đang độc thân bằng cách "gọi nhầm" số vẫn đang tiếp diễn tại Ấn Độ.
Cho tới nay, vẫn chưa có một đại lý nào như vậy bị cơ quan cảnh sát xử lý nặng tay mà mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở.
Một lãnh đạo cảnh sát cũng thừa nhận rằng: "Nếu làm nghiêm những đối tượng này thì phòng giam của tôi sẽ chẳng còn chỗ để chứa nữa. Đồng thời, hành động của họ cũng chưa đủ nghiêm trọng để cấu thành tội phạm, ngoại trừ một vài đối tượng dai dẳng như Tiwari".
Bởi vậy, trong tương lai gần đây, danh sách đen trên điện thoại di động của nhiều phụ nữ tại Ấn Độ sẽ vẫn phải tiếp tục kéo dài thêm cho tới khi chính quyền có thể tìm ra phương pháp giải quyết thỏa đáng nhất trước thực trạng "Romeo di động" nói trên.
Đăng nhận xét