Đáng chú ý, một số thông tin mới đã bất ngờ được hé lộ. Chẳng hạn Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói các nhân viên từng tham gia chiến dịch tranh cử của ông hôm 29-3 bị tấn công lần thứ hai nhưng không thành công, bởi tin tặc “tại một địa chỉ internet ở Nga”. Ngoài ra, ông Clint Watts, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ), nói Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan là mục tiêu của tin tặc gần đây.
Sau khi lắng nghe cảnh báo “chiến dịch tung tin giả” của Nga không chỉ nhằm vào Mỹ mà còn ở châu Âu, Thượng nghị sĩ Richard Burr, chủ tịch ủy ban nói trên, cho rằng mối đe dọa này cần một hành động ứng phó ở quy mô toàn cầu, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra gần một tháng nữa. Dù vậy, trong lúc phiên điều trần diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng gọi những cáo buộc Moscow “phá hoại” bầu cử Mỹ là “vô ăn cứ” và là một phần của cuộc đấu đá chính trị ở Washington.
Ông Richard Burr (phải), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, tại cuộc điều trần hôm 30-3 Ảnh: Reuters
Trong lúc chưa rõ đúng sai, người ta có thể biết thêm thông tin về vai trò của Nga đối với cuộc bầu cử Mỹ, nếu có, trong trường hợp tướng Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, chịu ra điều trần trước các ủy ban quốc hội. Theo Reuters, ông Robert Kelner, luật sư của tướng Flynn, nói thân chủ mình “có chuyện để kể và rất muốn làm thế nếu tình hình cho phép”.
Điều này có nghĩa là tướng Flynn muốn được bảo vệ khỏi “sự truy tố không công bằng” sau khi buộc phải ra đi với vỏn vẹn 24 ngày nhậm chức. Ông Flynn gặp gỡ Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kisylak hồi năm ngoái, khi ông còn làm cố vấn về an ninh quốc gia cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Hoàng Phương
Đăng nhận xét