Ở Hải Dương, cứ hơn 2 lãnh đạo thì có 1 nhân viên, cụ thể chỉ có 301 chuyên viên trong khi có 635 cán bộ từ cấp phó phòng trở lên. Ở Thanh Hóa, Sở Tư pháp có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với 1 người lao động; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh này và Phòng Công chứng số 2 chỉ có một cấp trưởng, một cấp phó, không có trưởng phó phòng và không có nhân viên... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ có đến 22 trưởng, phó phòng trong khi chỉ có 15 chuyên viên… Tình trạng “quan nhiều hơn lính” là do quy định của trung ương và thực hiện của địa phương. Theo chuyên gia Đinh Duy Hòa (Báo VietnamNet ngày 30-3), giả sử theo quy định của Chính phủ, vụ có 3 phòng thì công chức lãnh đạo của vụ sẽ là: 1 vụ trưởng, 3 phó vụ trưởng, 3 trưởng phòng và 6 phó trưởng phòng, tổng = 13, trong khi biên chế chung cả vụ được duyệt là 18 hoặc 20. Lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà vẫn đúng quy định là thế.
Vậy trong chủ trương tinh giản biên chế (TGBC), sẽ giảm ai? Giảm sếp ư? Đâu được. Giảm chuyên viên ư? Lấy ai làm việc. Nhưng ngay cả quan chức muốn TGBC cũng không dễ dàng. Làm việc với đoàn giám sát của QH, đại diện một sở ở TP HCM dẫn chứng hai lãnh đạo sở xin vào diện TGBC nhưng không được vì năm nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, trong khi diện để TGBC là phải “bê bối” liên tiếp 2 năm. Cuối cùng họ phải xin nghỉ việc và nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe. Đánh giá hiện trạng cán bộ, ông Nguyễn Văn Tùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương - nhìn nhận việc bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “biên chế suốt đời”, “chủ nghĩa bằng cấp”…
Đến nay, có thể nói chưa có nơi nào thành công như tỉnh Quảng Ninh: Cơ bản đã thực hiện xong việc nhất thể hóa các chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, HĐND xã, phường; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn, qua đó giảm phụ cấp thường xuyên đối với gần 19.000 vị trí không chuyên trách ở cơ sở, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách. Quảng Ninh cũng thí điểm mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho khối mặt trận và các đoàn thể cấp huyện tại 8/14 địa phương. Nhưng đây là điển hình hiếm hoi còn bức tranh tổng thể vẫn không đổi thay nhiều khi dân số cả nước hơn 90 triệu người nhưng có đến 11 triệu người hưởng lương ngân sách. Cứ nói TGBC, cải cách tiền lương mà nhiều nhiệm kỳ quan chức thay nhau, thực trạng chẳng cải thiện nhiều. Chủ trương làm dịch vụ công, khoán lương hợp đồng, có thực hiện nhưng chưa phát huy hiệu quả. Những người trẻ cầu tiến, giỏi giang, không quen làm việc rề rà sẽ xin nghỉ, tìm việc khác. Người chấp nhận được thì phải thích nghi dần, thành nếp nghĩ vào được biên chế coi như ấm cả đời người…
Với viên chức một số ngành, nhất là giáo dục và y tế, chuyện đủ sống bằng lương là giấc mơ xa vời khi biên chế còn phình to, ngân sách nặng gánh nuôi “quan”, lấy đâu ra tiền để tăng lương.
Tuệ SĨ
Đăng nhận xét