Phim “Tuổi thanh xuân 2” khép lại với cái kết có hậu nhưng không thỏa mãn người xem, nhiều tranh luận trái chiều diễn ra. Trong đó phần đông chê phim tạo ra cái kết quá nhạt theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”; gấp rút giải quyết tình tiết cho xong chứ chưa thuyết phục. Đây không phải trường hợp cá biệt của phim Việt có cái kết bị cho là lãng xẹt. “Bệnh” khó chữa này cũng là nguyên nhân góp phần khiến phim Việt mất điểm trong lòng khán giả.
Áp đặt, khiên cưỡng
Không ít phim thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ đầu: “Tuổi thanh xuân 2”, “Zippo, mù tạt và em”, “Vừa đi vừa khóc”, “Lời thú nhận của Eva”... nhưng đến đoạn kết lại “hụt hơi”. “Tuổi thanh xuân 2” gây bức xúc vì cách mở nút khó hiểu. Nhân vật Linh hội ngộ bất ngờ cùng Junsu sau khi anh này trở về Mỹ và cắt đứt liên lạc. Sau một loạt hồi tưởng, Linh và Junsu sang Hàn Quốc làm đám cưới nhưng thiếu vắng cha mẹ Linh.
Những thắc mắc như việc Junsu về Mỹ nhiều tháng không liên lạc cùng Linh mà khi xuất hiện vẫn được cô ấy chấp nhận dễ dàng. Nhân vật Cynthia say đắm Junsu lại bỏ cuộc khó hiểu... “Tôi thấy hụt hẫng khi xem tập cuối. Kết thúc có hậu là điều ai cũng mong mỏi nhưng kết phim như vậy thật sự chưa làm thỏa mãn người xem với 2 lý do. Một là, biên kịch chưa làm rõ quá trình Junsu lấy lại ký ức như thế nào. Hai là, tại sao Cynthia lại từ bỏ Junsu dễ dàng như vậy trong khi ở tập trước, cô vẫn tìm đủ mọi cách, thậm chí dùng thủ đoạn để níu kéo anh?” - khán giả Phạm Lưu Ly bình luận trên fanpage của bộ phim.
Nhã Phương và Kang Tae Oh, 2 diễn viên chính trong phim “Tuổi thanh xuân 2”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Khán giả Hoa Trần viết: “Linh là cô gái duy nhất. Do vậy, chẳng có lý do gì mà bố mẹ Linh lại không dự đám cưới của con gái. Thông gia hai bên cũng chưa gặp nhau lần nào, chẳng nhẽ đợi đến phần 3 mới gặp?”.
Trước đây, phim “Tuổi thanh xuân 1” cũng từng khiến khán giả bực bội vì họ không hiểu nhân vật nữ chính Linh sẽ chọn Junsu hay Khánh. Đến cuối, Linh vẫn chưa thể hiện rõ chọn ai, khiến không ít người thất vọng cho rằng phim nhạt và cụt. Phim “Vừa đi vừa khóc” kết có hậu nhưng vẫn bị chê là quá nhanh, mở nút chóng vánh. Phim “Bí mật tam giác vàng” cũng kết quá nhanh, chi tiết phát hiện nhầm trinh sát Hoàn hy sinh nhưng thực sự anh này còn sống khiến khán giả chê khiên cưỡng, phi lý.
Phim “Zippo, mù tạt và em” gây bức xúc vì mâu thuẫn tình cảm Lam - Huy được giải quyết bằng... cái bật lửa zippo bị ném xuống hồ nước được Huy nhặt lên một cách chóng vánh, chỉ bằng một khoảnh khắc quay mặt đi và quay mặt lại. Hành động Huy lội xuống hồ tìm được zippo khiến Lam bất ngờ, cảm động để dễ dàng tha thứ mọi chuyện, cả hai hôn nhau lãng mạn. Nhiều khán giả cho rằng cảnh này quá “kịch”, Huy chỉ lao xuống vài phút đã tìm được cái bật lửa trong hồ nước lớn là không thực. Và chỉ hành động đó mà Lam chấp nhận tha thứ sự chần chừ, nhường người yêu cho bạn của Huy.
Không chỉ trên truyền hình, phim điện ảnh cũng có những cái kết lãng xẹt. Phim “Trùm cỏ” khiến người xem ngơ ngác vì cái kết xoay sang một hướng hoàn toàn thiếu thuyết phục. Phim “Sứ mệnh trái tim” có đoạn kết khiên cưỡng khi “hy sinh” một trong 2 nam chính. Tình huống dẫn đến cái chết của nhân vật quá kịch không khiến khán giả xúc động như mục đích phim. Phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng có kịch bản thiếu mạch lạc, lủng củng. Phân đoạn cuối thái tử và tể tướng hóa quái vật, đánh nhau bị chê nhiều nhất.
Khán giả tụt cảm xúc
Việc phim Việt có những cái kết lãng khiến khán giả “tụt” cảm xúc không phải chuyện hiếm. Lý giải điều này, biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương (từng viết kịch bản phim: “Trúng số”, “Con dâu”, “Pha lê không dễ vỡ”...) phân tích: “Đầu tiên, lỗi này thuộc về biên kịch, bố cục không khéo, khiến tác phẩm bị lỗi “đầu voi, đuôi chuột”. Thứ hai, vai trò của đạo diễn chưa được thực hiện tốt. Đạo diễn không xâu chuỗi khéo léo toàn bộ tác phẩm để đến đoạn kết lại “đuối”. Thứ ba, đôi khi một số phân đoạn phim không qua được cửa kiểm duyệt, buộc phải cắt, trở nên chắp vá, khiến đoạn kết không hay, đây là yếu tố khách quan”.
Theo biên kịch Võ Uyên Dung (biên kịch các phim: “Hoa đồng nội”, “Vết sẹo”, “Ánh sáng thiên đường”, “Trận đồ bát quái”, “Biển đời giông tố”...), nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cái kết dở trong phim Việt. Ở mảng truyền hình, một số đề cương kịch bản được triển khai cho cả nhóm cùng viết vì thế không đồng bộ từ thoại đến tâm lý nhân vật. Một cái kết qua loa là chuyện dễ đoán với cách làm việc thế này. Ngoài ra, giới biên kịch có một dạng chỉ ngồi xem phim các nước, sao chép, nhào nặn thành kịch bản. Để tránh thưa kiện, họ nghĩ ra một vài phân đoạn để tạo cái kết nhanh - gọn - lẹ nên gây hụt hẫng cho người xem. Một số biên kịch khác chạy theo số lượng, không chăm sóc kỹ kịch bản của mình. Ở mảng điện ảnh, đa số phim đều do đạo diễn tự viết kịch bản hoặc nghĩ ý tưởng rồi kết hợp cùng biên kịch. Một số đạo diễn làm tốt nhưng cũng có người đặt cái tôi của mình quá lớn tạo ra tác phẩm có phần đầu thu hút nhưng cái kết chẳng tới đâu.
“Một phim, cả truyền hình lẫn điện ảnh, đều phải cố gắng tạo sự chú ý của khán giả bằng “trailer” hay, phần mở đầu thu hút. Đôi khi, việc dồn sức lực, sự sáng tạo, kinh phí nhiều quá vào phần đầu để tạo ấn tượng khiến nhiều phim đuối phần cuối. Ở nước ngoài, họ thường chú trọng đầu tư nhiều ở phần cuối phim, càng về cuối phải càng hay còn chúng ta làm ngược lại. Thêm vào đó, lượng biên kịch của chúng ta quá ít, họ cũng chưa được xem trọng đúng mức đủ để chuyên tâm tạo nên những tác phẩm để đời” - đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Đạo diễn Hạnh Nhân cho biết thêm có nhiều lý do dẫn đến những cái kết tệ trong phim Việt, đôi khi quay theo kịch bản như thế nhưng lúc dựng lại khác hoặc phải cắt, sửa theo ý của cơ quan kiểm duyệt…
Nhiều người trong giới cho biết khó tìm giải pháp cho thực trạng này dù hiểu rõ nguyên nhân. Tuy nhiên theo họ, khán giả hiện nay đã nâng dần trình độ thưởng thức, một tác phẩm trọn vẹn, cái kết tinh tế sẽ mang đến cảm xúc cho người xem. Nếu không có sự thay đổi để hoàn thiện, phim Việt khó lòng đáp ứng.
Minh Khuê
Đăng nhận xét