Thời gian qua, nhiều nước đã đẩy mạnh việc mở văn phòng đại diện, cơ quan xúc tiến du lịch ở Việt Nam.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước
Để đạt mục tiêu hơn 300.000 lượt khách Việt sang Hàn Quốc trong năm nay, cơ quan đại diện của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam đang triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó có việc thường xuyên “ngồi lại” với lữ hành Việt để khuyến khích, hỗ trợ bán tour sang xứ sở kim chi.
Về việc KTO xúc tiến du lịch, giám đốc truyền thông một hãng lữ hành lớn tại TP HCM cho rằng đại diện KTO đã trở thành quen thuộc với tất cả doanh nghiệp (DN) du lịch ở TP. DN gặp khó khăn trong việc bán tour, quảng bá tour Hàn Quốc là đều được họ hỗ trợ rất nhiệt tình. KTO còn thường xuyên tổ chức các sự kiện, chương trình liên kết hợp tác, quảng bá để gom khách đưa sang Hàn Quốc.
Sau khi thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các công ty du lịch Việt gặp khó khăn trong bán tour cho du khách sang Nhật. JNTO tại Việt Nam cũng áp dụng chính sách giải quyết visa nhanh chóng hơn khi cho phép du khách nộp hồ sơ xin visa thông qua một số đại lý được ủy quyền mà không phải đến đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của nước này như trước đây.
Sản phẩm du lịch nước ngoài luôn hấp dẫn du khách Việt Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều người cho rằng văn phòng đại diện của ngành du lịch các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... ở Việt Nam hoạt động hiệu quả nhờ kinh phí dồi dào và cách làm hiệu quả. “KTO tại Việt Nam không hoạt động một mình mà họ liên kết với các hãng hàng không, lữ hành để ra sản phẩm du lịch cụ thể rồi quảng bá đến du khách Việt. Sản phẩm du lịch hoa anh đào của Hàn Quốc đã quá nổi tiếng và giờ họ tập trung quảng bá du lịch mùa đông... Hay Thái Lan, mỗi năm ngành du lịch nước này đều đặt ra mục tiêu quảng bá các điểm đến rất cụ thể, như năm năm nay dồn sức cho Chiang Mai, Phuket… Từ đó, họ rót tiền vào các điểm đến mới để quảng bá” - một giám đốc truyền thông một hãng lữ hành ở TP HCM nêu dẫn chứng.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi sao biển, cũng nhìn nhận quảng bá du lịch tốt không hẳn nhờ có nhiều tiền mà cần thêm chính sách hỗ trợ tốt, giúp DN phát triển rồi đóng góp trở lại cho ngân sách. Lúc đầu, văn phòng đại diện du lịch của Thái Lan ở Việt Nam hoạt động nhờ ngân sách từ chính phủ nước họ. Sau đó, kinh phí chủ yếu do các công ty du lịch của Thái Lan đóng góp khi hoạt động quảng bá, xúc tiến hiệu quả.
“Phía nước ngoài thường liên lạc trực tiếp và khuyến khích các hãng lữ hành Việt bán tour cho họ. Bên cạnh đó, họ liên kết với các nhà cung ứng dịch vụ trong nước để giảm giá tour, kích cầu. Ngay một số điểm đến đã nổi tiếng ở các nước như Thái Lan, Hàn Quốc... cũng được làm mới bằng tăng sản phẩm hoặc giảm giá” - ông Sơn phân tích.
Cần liên kết giành lại nguồn khách
Trước thực trạng này, để nâng sức cạnh tranh cho ngành du lịch nội địa, theo các chuyên gia, vai trò của các điểm đến và cơ quan quản lý du lịch là rất quan trọng trong việc kết nối các đơn vị vận chuyển như hàng không, lữ hành, điểm cung ứng dịch vụ... nhằm tạo ra sản phẩm hấp dẫn.
Gần đây, sau khi bộ phim bom tấn đầu tiên của Hollywood quay tại Việt Nam - “Kong: Skull Island” (Đảo đầu lâu) được khởi chiếu, nhiều du khách đã tìm đến nơi có các cảnh quay trong phim ở Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh... Tuy nhiên, sản phẩm tour được các hãng lữ hành quảng bá, bán ra chỉ là bán tour có sẵn rồi “gắn mác” phim Kong vào để kéo khách. Chỉ vài hãng lữ hành nâng cấp tour của mình như Công ty Vietravel đưa dịch vụ thủy phi cơ vào tour ngắm cảnh vịnh Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình từ trên cao giúp du khách có trải nghiệm mới sau khi xem phim, thay vì loay quanh trên ô tô, thuyền như trước. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ hấp dẫn du khách.
“Lẽ ra, cách đây một năm, khi bộ phim được quay ở Việt Nam, các địa phương đã phải tính chuyện xây dựng sản phẩm du lịch để tranh thủ cơ hội thu hút kéo khách. Sau đó, có thể xin giữ lại hay tái tạo phim trường hoặc tạo sản phẩm du lịch mới chờ khi phim công chiếu thì tung ra” - đại diện một hãng lữ hành góp ý.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, đánh giá vai trò của hiệp hội du lịch các địa phương là rất lớn trong việc thúc đẩy liên kết giữa hãng hàng không, tàu hỏa với đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch nhằm tạo ra chính sách kích cầu, giảm giá thật sự cho du khách.
Sản phẩm du lịch nội địa hiện khá đa dạng nhưng hầu như đều do DN tự quảng bá nên còn rời rạc, thiếu những chương trình tiếp thị đồng bộ để tạo nên sức ảnh hưởng lớn, kích thích khách hàng mua tour. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Fiditour, nhìn nhận mục tiêu của ngành du lịch là phải lấy nội địa làm thị trường trọng điểm nhưng tình trạng giá tour phải chạy theo cước vận chuyển khiến mục tiêu hút khách nội địa khó đạt. Do đó, cần sự liên kết giữa hàng không, khách sạn, điểm đến và DN lữ hành để cùng đưa ra các giải pháp, xây dựng những chương trình kích cầu có trọng điểm trong năm, mỗi năm chỉ cần 1-2 đợt nhưng mức giá phải thật sự hấp dẫn và có kế hoạch sớm để DN chủ động bán tour.
“Các chính sách kích cầu của Tổng cục Du lịch cần được triển khai thường xuyên, dài hơi chứ không phải khi nào du lịch gặp khó mới tổ chức. Ngay các địa phương có thể kêu gọi đơn vị cung ứng dịch vụ nâng chất sản phẩm, giảm giá thật cho du khách chứ không thể làm ăn chụp giựt khi khách đông thì tăng giá vé” - ông Dũng kiến nghị.
Cần những sản phẩm “đinh”
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, nhận xét hầu hết du khách quốc tế đến TP HCM bằng tàu biển đều mua tour xem múa rối nước và xiếc “À ố show”. Đây là những sản phẩm du lịch nổi bật mà du khách quốc tế sẵn sàng bỏ tiền ra để xem, dù khá cao. Tuy nhiên, những sản phẩm độc đáo như vậy còn quá ít để làm điểm nhấn thu hút du khách.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-3
THÁI PHƯƠNG
Đăng nhận xét