“Đến ngày 30-4-2017, hợp đồng lao động (HĐLĐ) của tôi mới hết hạn, tuy nhiên ngày 16-3, công ty đã buộc tôi nghỉ việc ngay khi gửi thông báo về việc không tái ký HĐLĐ. Sau đó, khi khiếu nại đến cơ quan chức năng vì công ty không trả thưởng doanh số, tôi mới biết mình đã bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật”. Đây là phản ánh của chị N.T.T - nhân viên một công ty dược ở quận Bình Thạnh, TP HCM - gửi đến Báo Người Lao Động.
Nhắm mắt ký đại
Theo trình bày của chị T., từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2016, chị được ký 2 HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm. Ngày 5-10-2016, công ty yêu cầu chị ký tiếp phụ lục HĐLĐ có thời hạn đến ngày 30-4-2017. Sau khi nghỉ việc, chị quay lại công ty yêu cầu trả tiền thưởng doanh số từ năm 2015 đến nay theo thỏa thuận đã ký thì công ty từ chối giải quyết. Bức xúc, chị tìm đến văn phòng luật sư nhờ hướng dẫn. Lúc này, qua luật sư, chị mới biết pháp luật quy định công ty chỉ được ký tối đa 2 lần HĐLĐ xác định thời hạn, sau đó nếu người lao động (NLĐ) tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn. Như vậy, lẽ ra sau khi HĐLĐ lần 2 hết hạn, công ty phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn với chị, việc công ty chỉ ký phụ lục HĐLĐ là sai.
Nhiều lao động nữ đang mang thai lo sợ bị mất quyền lợi khi Công ty G.A.V di chuyển nhà xưởng từ TP HCM đến Bình Dương
Mới đây, chị Lê Thị Huyền Vân, nguyên là nhân viên kinh doanh của Công ty M.K (quận 9, TP HCM), cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tháng 1-2015, chị được công ty ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngày 3-1, công ty đột ngột mời chị lên họp để thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. “Khi họp, cả phó giám đốc và trưởng phòng nhân sự dùng đủ mọi lời lẽ để ép tôi phải ký vào đơn xin nghỉ việc được soạn sẵn. Thậm chí quá giờ nghỉ trưa, ông phó giám đốc vẫn cương quyết không cho tôi rời khỏi phòng họp nếu tôi chưa ký vào đơn xin nghỉ việc. Lúc đó, vừa bối rối vừa tức giận trước sự đối xử tuyệt tình của công ty, tôi đã ký đơn và biên bản thỏa thuận thanh lý HĐLĐ cho xong chuyện. Sau đó, khi có thời gian tìm hiểu pháp luật về trường hợp của mình, tôi mới phát hiện mình bị thiệt thòi nhiều quá” - chị Vân chia sẻ.
Hiểu ra thì đã muộn
Từng tư vấn nhiều vụ tranh chấp lao động, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận: Khi NLĐ am hiểu pháp luật sẽ có rất nhiều lợi thế và tránh được những thiệt hại không đáng có trong quá trình thương lượng với doanh nghiệp. Song nghịch lý là chỉ khi đã bị thiệt hại quyền lợi, NLĐ mới chịu tìm hiểu các quy định của pháp luật lao động. Ông Triều dẫn chứng trường hợp xảy ra tại Công ty G.A.V (quận 12, TP HCM) mới đây. Vào ngày 21-3, sau khi thông báo về việc cuối tháng 4-2017 sẽ chuyển xưởng về tỉnh Bình Dương, đại diện công ty đến gặp công nhân (CN), phát và yêu cầu CN ký vào đơn xin nghỉ việc, đồng thời khuyến cáo nếu không ký sẽ không chốt được sổ BHXH, bị mất quyền lợi. Lo sợ mất quyền lợi nên nhiều CN ký đơn. Số còn lại đã ngừng việc yêu cầu công ty nói rõ về việc giải quyết quyền lợi cho CN bị mất việc khi chuyển xưởng, đặc biệt là đối với hơn mấy chục lao động nữ đang mang thai.
Trong buổi thương lượng với ban giám đốc sau đó, các CN đã đồng ý với phương án công ty sẽ hỗ trợ tiền chuyên cần tháng 4 và 7 ngày lương cho những người không tiếp tục làm việc ở địa điểm mới. Riêng những nữ CN đang mang thai, sau ngày 30-4 sẽ phải chịu toàn bộ 32,5% số tiền đóng BHXH (luôn cả phần của doanh nghiệp) để công ty “đóng giùm” cho đủ 6 tháng nhằm đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. “Lúc thương lượng, tôi không để ý, giờ tính toán lại, tôi thấy mình quá thiệt thòi. Tôi đang mang thai 3 tháng, nếu không tìm được việc làm mới thì kiếm đâu ra hơn 1,3 triệu đồng mỗi tháng để đóng BHXH? Giá như trước đó, tôi biết pháp luật quy định doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ đang mang thai thì tôi đã yêu cầu công ty phải bồi thường thỏa đáng” - nữ CN tên H. lo lắng.
Bài và ảnh: Hương Huyền
Đăng nhận xét