Trong bối cảnh trên, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, một trong những giải pháp hiệu quả là cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH.
Doanh nghiệp lờn thuốc
Tại buổi làm việc mới đây, báo cáo với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2016, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, năm 2016 cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH 2014, theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động chỉ đạo các cấp Công đoàn (CĐ) tích cực triển khai các quy định của pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của CĐ các cấp trong tuyên truyền, phố biến chính sách, pháp luật; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về BHXH; kiến nghị, tham gia xây dựng sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về BHXH và khởi kiện ra Toà án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).
Bên cạnh việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH; tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ trì đoàn giám sát liên ngành gồm 5 cơ quan: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH tại 9 doanh nghiệp (DN) và giám sát công tác phối hợp thực hiện pháp luật về BHXH của các cơ quan chức năng trên địa bàn TP Hà Nội, TP HCMvà tỉnh Bình Dương.
Kết quả giám sát liên ngành cho thấy, số tiền nợ BHXH của các DN lên tới gần 6.000 tỉ đồng; có 6/9 DN thường xuyên chậm đóng (khoảng 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng của các DN là gần 15 tỉ đồng.
Sau giám sát, đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra 60 kiến nghị với các DN và cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH. Kết quả, đã có gần 11 tỉ đồng tiền DN nợ BHXH được khắc phục. Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN đã tham gia với BHXH Việt Nam kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại 2 tỉnh Lào Cai và Bạc Liêu.
Theo Phó Chủ tịch Mai Đức Chính, qua kiểm tra, giám sát cho thấy: Công tác nắm bắt, thống kê chính xác số lượng NLĐ, người sử dụng LĐ thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT theo quy định của pháp luật còn gặp nhiều khó khăn và chưa kịp thời; tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với thực tế; các chính sách hỗ trợ để thu hút người LĐ tham gia BHXH tự nguyện chưa thực sự phát huy được vai trò, chưa tương xứng với thực tiễn.
Về quyền của người LĐ được quản lý sổ BHXH, bước đầu được thực hiện song kết quả còn thấp; việc thanh tra, kiểm tra chuyên đề về BHXH chưa nhiều; việc xử phạt các đơn vị, DN vi phạm pháp luật về BHXH còn chưa kịp thời và nghiêm minh. “Tính tuân thủ pháp luật của nhiều DN trong công tác khai trình lao động theo quy định còn nhiều hạn chế dẫn đến việc một bộ phận NLĐ thuộc diện bắt buộc tham gia chưa được tham gia BHXH, BH thất nghiệp”, ông Chính nhấn mạnh.
Cần nhanh chóng gỡ vướng cho CĐ
Báo cáo về công tác khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với BHXH Việt Nam triển khai thực hiện Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra Tòa án; ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020 với Tòa án nhân dân tối cao; ban hành hướng dẫn quy trình khởi kiện…
Theo đó, trong năm 2016, LĐLĐ các tỉnh đã nhận 1.150 hồ sơ đơn vị nợ BHXH từ cơ quan BHXH để tiến hành khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay mới có 11 LĐLĐ tỉnh, thành phố nộp đơn đến Toà án các cấp để khởi kiện 74 DN nợ BHXH.
Song song với việc khởi kiện, các cấp CĐ đã gửi thông báo khởi kiện và nhắc nhở các DN thực hiện nghĩa vụ đóng số tiền BHXH đang nợ. Qua đó, đã có một số DN khắc phục được số tiền nợ với cơ quan BHXH theo hình thức trả toàn bộ, trả một phần và cam kết lộ trình trả nợ.
Cụ thể: Đà Nẵng: 4,3 tỉ đồng; Đồng Nai: 1,5 tỉ đồng; Nam Định: 1,2 tỉ đồng; Hà Tĩnh: 445 triệu đồng; Bình Định: 400 triệu đồng... Đặc biệt, tại Bình Dương, ngoài việc ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở DN trả nợ BHXH, LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở theo dõi sát sao tình hình này. Đến nay, các DN đã truy nộp được trên 21 tỉ đồng tiền nợ BHXH với cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, việc CĐ các cấp khởi kiện các tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp về BHXH nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do các quy định của Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật CĐ, Luật BHXH chưa đồng bộ.
“Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm hướng dẫn các cấp tòa án về giải quyết các vụ kiện liên quan đến BHXH. Các cơ quan có liên quan sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định khởi kiện đòi nợ BHXH”, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính đề nghị.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi đã đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần có giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn Tòa án các cấp, giúp các cấp CĐ thực hiện chức năng khởi kiện được hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền lợi an sinh chính đáng của NLĐ.
Kết quả giám sát liên ngành cho thấy, số tiền nợ BHXH của các DN lên tới gần 6.000 tỉ đồng; có 6/9 DN thường xuyên chậm đóng (khoảng 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng của các DN là gần 15 tỉ đồng.
Sau giám sát, đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra 60 kiến nghị với các DN và cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH.
Lan Ngọc (Báo Lao Động Thủ Đô)
Đăng nhận xét