Cư dân thành phố Mosul, Iraq cáo buộc, một loạt các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu vào khu vực này vài tuần gần đây có thể đã giết chết gần 200 dân thường – con số thương vong cao kỷ lục kể từ khi Mỹ và liên quân bắt đầu cuộc chiến ở Iraq.
Khi các nhân viên cứu hộ Iraq vẫn đang tìm kiếm trong đống đổ nát của một tòa nhà ở Mosul – nơi người dân địa phương cho rằng, có tới 137 người thiệt mạng trong cuộc không kích của liên quân thì quân đội Mỹ cho biết, họ đang điều tra “các báo cáo mâu thuẫn” về hai cuộc không kích vào các ngày 17 và 23/3 ở Mosul.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá các cáo buộc và xác định những gì đã xảy ra cũng như xem xét những khía cạnh có thể có liên quan đến hoạt động của liên quân trong khu vực đó”, tuyên bố của quân đội Mỹ nêu rõ.
Trong khi đó, Tướng Mohammed Mahmoud, chỉ huy lực lượng bảo vệ dân sự Mosul nói với tờ Washington Post khẳng định, thông tin về thiệt hại dân sự trong các cuộc không kích của liên quân là có thật.
“Chúng tôi là chuyên gia trong lĩnh vực này. Chúng tôi biết đó là lực lượng liên quân. Chúng tôi yêu cầu điều tra rõ vụ việc”, Tướng Mahmoud nói.
Điều đáng nói là các cuộc không kích này của liên quân cũng đã chặn đà tiến của lực lượng Iraq vào hang ổ của IS ở Mosul với việc người phát ngôn Cảnh sát Liên bang Iraq cho biết, họ sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động chiến đấu nào mới vì cần phải cân nhắc thương vong dân sự nếu tấn công.
“Chúng tôi cần phải đảm bảo rằng, việc loại bỏ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi Mosul sẽ không gây tổn hại cho dân thường. Chúng tôi cần các hoạt động quân sự nhằm chính xác vào mục tiêu khủng bố và không gây thêm đau thương cho người dân vô tội”, người phát ngôn Cảnh sát Liên bang Iraq nói với Reuters.
Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ việc khi Điều phối viên Nhân đạo Liên Hợp Quốc về Iraq, bà Lise Grande nói rằng, tổ chức này bị “choáng váng vì những cái chết của dân thường vô tội” ở Mosul, Iraq trong thời gian gần đây.
Con số thương vong dân sự tăng với tốc độ “phi mã” cũng làm dấy lên câu hỏi về việc liệu quân đội Mỹ có thay đổi các quy tắc đã cam kết của mình trong cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria.
Thiệt hại dân sự tăng do Mỹ thay đổi cách thức hành động?
Chris Woods, giám đốc Airwars, Giám đốc Airwars – một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi thiệt hại dân sự do liên quân gây ra trong các cuộc không kích ở Iraq và Syria nói với New York Times rằng, con số dân thường ở Iraq và Syria chết hoặc bị thương trong các cuộc không kích của liên quân có dấu hiệu tăng mạnh so với trước đó dưới thời của ông Obama có thể không phải là ngẫu nhiên.
“Chúng tôi không biết liệu đó có phải là hệ quả của việc đẩy nhanh tiến độ chiến dịch chống khủng bố hay là sự phản ánh những thay đổi trong các cam kết, quy tắc can dự của liên quân. Tuy nhiên, dường như chắc chắn đã có một cái gì đó thay đổi”, ông Woods nói.
Cho đến nay, các quan chức quân đội Mỹ vẫn phủ nhận bất kỳ thay đổi nào trong nguyên tắc can dự đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Syria, đồng thời cho biết, các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu ở hai chiến trường này đã được tăng cường.
Cả Mỹ và Iraq đều thừa nhận, các hoạt động ở khu vực phía Tây Mosul, Iraq đã vấp phải một số khó khăn khi IS sử dụng “chiến thuật bẩn”, lấy dân thường làm lá chắn, trà trộn vào những khu vực dân cư.
Trung tướng Abdul Ghani al-Assadi, chỉ huy lực lượng chống khủng bố của Iraq cho biết: “IS sử dụng cách thức chiến đấu mới rất tàn độc. Chúng gom dân thường vào một địa điểm mà chúng cố thủ, vì vậy khi chúng tôi yêu cầu được liên quân không kích yểm trợ, thương vong dân sự sẽ xảy ra”.
Giới chuyên gia cho rằng, với những thay đổi gần đây như việc, một cố vấn quân sự của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở cấp lữ đoàn có thể cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho những cuộc không kích và pháo kích của các đơn vị họ đang hợp tác ở Iraq mà không cần phải thông qua chính quyền Baghdad cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến thương vong dân sự gia tăng.
Đại tá John Dorrian, người phát ngôn của liên quân chống IS cho rằng, quyết định của những chỉ huy trực tiếp có mặt ở tiền tuyến đáp ứng được yêu cầu cấp bách thực tế nhưng nếu IS lấy dân thường làm “tốt thí” thì thiệt hại cũng sẽ nặng nề hơn.
Mặc dù vậy, Chính quyền Tổng thống Trump vẫn cho thấy ý định theo đuổi chiến lược ủy quyền nhiều hơn cho các cơ quan tình báo và quân đội trong các cuộc không kích chống khủng bố, giảm sự lệ thuộc quá nhiều vào chính quyền Trung ương.
Các nguồn tin thân cận xác nhận với NBC News rằng, Chính quyền của ông Trump đang xem xét cho phép CIA và các chỉ huy quân sự của Mỹ nhằm đến các mục tiêu và tiêu diệt những phần tử khủng bố Al-Qaeda và IS ở Yemen, Somalia, Iraq, Syria, Libya và Afghanistan mà không cần lệnh của Tổng thống.
Một quan chức cấp cao giấu tên nói với Washington Post: “Một mục tiêu lớn là đưa Nhà Trắng thoát ra khỏi lối mòn cũ. Tổng thống tin rằng, có quá nhiều việc tập trung ở Nhà Trắng và ông ấy muốn các cơ quan chuyên môn tự quyết định”.
Đăng nhận xét