GS-TSKH Trần Hữu Uyển (nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam):
Xứng đáng với thủ đô nghìn năm văn hiến
2016 là năm Hà Nội phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt vấn đề quốc phòng - an ninh được giữ ổn định. Đời sống, an sinh xã hội cho người dân cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập như: quy hoạch cao tầng trong nội đô, tình trạng áp lực giao thông, tắc đường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước…
Bước sang năm 2017, với đội ngũ lãnh đạo trẻ đầy tiềm năng, dám nghĩ, dám làm không ngại va chạm, tôi tin những hạn chế, tồn tại sẽ được giải quyết, thủ đô sẽ phát triển xứng đáng với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến và là đầu tàu về kinh tế - chính trị - văn hóa trên cả nước.
Sinh viên Trương Văn An (Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM):
Tạo điều kiện để thế hệ trẻ khởi nghiệp
Sau 3 năm học tập và tham gia các hoạt động xã hội ở TP HCM, tôi nhận thấy được sự năng động, đổi mới không ngừng và cả sự bao dung của TP đối với những người dân tỉnh lẻ. Đơn giản như xe buýt, 3 năm trước là cảnh chen chúc, nóng nực khi lên xe nhưng đến nay xe rộng rãi, mát lạnh, đưa đón tận trường, rất tiện lợi cho sinh viên. Ấn tượng với tôi nhất đó là sự bao dung, nghĩa tình của TP. Không chỉ cưu mang người dân các tỉnh lên TP tìm kế sinh nhai, người dân TP còn sẵn sàng giúp đỡ các địa phương còn khó khăn.
Vấn đề mà TP đang gặp phải, theo tôi, đó là cơ chế. Kinh tế TP phát triển với tốc độ cao, rất cần được “cởi trói” để có thể phát huy hết tiềm năng. Điều mà sinh viên cần đó là sân chơi trên các lĩnh vực học tập để ứng dụng kiến thức cũng như khả năng sáng tạo. Bên cạnh đó, TP cần có thêm nhiều mảng xanh, công viên để người dân vui chơi, tập thể dục…, từng bước hướng đến một TP xanh vì môi trường. Trong năm 2017, tôi mong muốn TP tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho sinh viên sáng tạo, thế hệ trẻ khởi nghiệp làm giàu cho TP, đất nước.
Luật sư Đỗ Pháp (Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, TP Đà Nẵng):
Thêm một chữ “an” cho Đà Nẵng
TP Đà Nẵng đã có chủ trương xây dựng TP “4 an” cho năm 2017, bao gồm: an sinh xã hội, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông. Thiết nghĩ, TP cần xây dựng thêm một chủ trương nữa là an bình trong tâm hồn người dân. Thời gian qua, mỗi người dân Đà Nẵng chắc chắn còn nhiều băn khoăn, vì vậy chính quyền nên làm thế nào để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, chủ trương đưa ra cần phải gắn liền với đời sống thực tế, tạo được sự đồng cảm, niềm tin với người dân, từ đó góp phần thúc đẩy sự ổn định của xã hội.
Mỗi năm TP Đà Nẵng luôn đặt ra tiêu chí như năm Môi trường, năm Văn hóa văn minh đô thị… nhưng không phải cứ qua một năm là bỏ qua các tiêu chí đó mà tất cả phải được đồng bộ thì mới phát triển bền vững. Tôi nghĩ Đà Nẵng không phải chỉ tập trung cho mỗi ngành du lịch mà phải tập trung và có những bước đột phá ở một số lĩnh vực khác nữa. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cần có sự hỗ trợ của trung ương để được đầu tư xứng tầm, phát triển trở thành đầu tàu của khu vực miền Trung. TP Đà Nẵng cũng cần thiết phải thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư nước ngoài để có bước tiến mạnh, tạo sức bật phát triển vươn tầm. Lãnh đạo TP cần chăm lo cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giảm khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội.
Ông Phạm Văn Chi (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa):
Xây đường sắt, làm thép “Sạch”
Trong năm 2017, tôi mong đất nước ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, kinh tế vững mạnh. Tôi rất mong nhà nước xúc tiến đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam thứ 2 hiện đại, tốc độ cao để bảo đảm nhu cầu đi lại, tạo sự thuận tiện cho người dân bởi đường sắt là phương tiện đi lại an toàn, tiện lợi, có nhiều ưu thế nhưng hiện xuống cấp, tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, như xây dựng nhà máy thép, cũng là vấn đề “nóng”. Nhà nước nên tính toán các dự án này đúng nhu cầu và thị trường. Đất nước mình không cần một lượng thép xây dựng lớn đến như vậy. Việc xuất khẩu loại thép này rất khó để cạnh tranh với thép thế giới. Thực tế, nước ta đang thừa thép xây dựng mà sản xuất ra lại tốn nguyên liệu, tổn hại môi trường. Vì vậy, không nên có những nhà máy công suất lớn, cần ưu tiên phát triển thép công cụ, hợp kim. Theo tính toán, chúng ta cần khoảng 2 triệu tấn thép công cụ để chế tạo máy, sản xuất công nghiệp. Để sản xuất được thép này cần trình độ kỹ thuật rất cao, do đó cần hợp tác toàn diện với cường quốc như Nhật, Pháp, Đức, Mỹ... Đất nước rất cần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng phải thực chất, đúng trọng tâm và bảo đảm môi trường.
Bà Trương Thị Dung (ngụ thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long):
Mong môi trường sống sạch sẽ
Tuy lớn tuổi nhưng tôi vẫn luôn theo dõi tình hình thời sự của địa phương cũng như của đất nước. Trong năm qua, thời tiết rất bất lợi cho nông dân, từ người trồng hoa đến nhà vườn sản xuất cây ăn trái. Sang năm Đinh Dậu, tôi hy vọng nông dân có mùa bội thu, bán được giá.
Nơi tôi đang sống hiện môi trường bị ô nhiễm, từ nguồn nước sông cho đến môi trường sống xung quanh. Nguyên nhân do người dân thiếu ý thức, xả rác bừa bãi ra đường, sông, rạch, làm ô nhiễm trầm trọng. Tôi mong chính quyền địa phương ngoài việc tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu làm môi trường ô nhiễm là giết chính mình. Song song đó, cần có những biện pháp quyết liệt để giải quyết triệt để tình trạng này, nâng cao đời sống cho người dân.
Biến ước mơ thành hiện thực
365 ngày của năm 2016 đã qua đi với đầy những thách thức, khó khăn khi thiên tai, nhân tai đã và đang gây những hệ lụy lâu dài cho đất nước. Hành trình 365 ngày của năm 2017 cũng “hứa hẹn” nhiều thách thức mới khi tình hình kinh tế trong nước và thế giới đối mặt với suy thoái, khó khăn và bất ổn chính trị. Dẫu thế, trong tâm khảm, mỗi người chúng ta vẫn không thôi mong ước, hy vọng về một tương lai tươi sáng cho đất nước và TP mà chúng ta đang sinh sống, học tập và làm việc lâu dài.
Chúng ta ước ao TP không còn cảnh kẹt xe, ngập nước; vỉa hè, lòng đường không bị chiếm dụng. Chúng ta mơ về một TP xanh - sạch - văn minh, không có cướp giật, móc túi, nghiện ngập, ăn xin. Chúng ta mong muốn thực phẩm đến tay người tiêu dùng đều an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Chúng ta kỳ vọng kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, hạn chế thất nghiệp…
Những ước mơ không chỉ là mơ ước mà hoàn toàn có thể biến thành hiện thực. Giải pháp hạn chế kẹt xe ở TP HCM ngoài những tính toán mang tầm vĩ mô của chính quyền như: phát triển hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân, kiểm soát xây dựng đô thị… thì ý thức chấp hành Luật Giao thông, bảo vệ môi trường của người dân là rất cần thiết. Kẹt xe chưa hẳn vì đường hẹp, cơ sở hạ tầng kém, chưa đồng bộ mà nguyên nhân không nhỏ từ ý thức của người dân. Chỉ cần mỗi người tuân thủ nghiêm Luật Giao thông, không lấn làn, vượt đèn, đậu xe sai chỗ thì tình hình sẽ được cải thiện.
TP sẽ sạch - xanh - văn minh, ít ngập nước khi chính quyền đi sâu, đi sát, định ra những chuẩn mực về quy hoạch và kiến trúc, đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng cường công tác quản lý. Đặc biệt, người dân không xem việc chống ngập, làm cho TP xanh - sạch - văn minh là việc của chính quyền mà mỗi người phải có ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh công cộng, không vứt rác bừa bãi, không lấn chiếm kênh rạch…
Năm mới khởi đầu cho một hành trình mới. Để biến ước vọng thành hiện thực, đưa đất nước và TP chuyển mình sang một giai đoạn mới, cần sự nỗ lực, quyết tâm, cầu thị, có tâm lẫn tầm của chính quyền; đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ, không ngại góp sức chung tay của người dân.
Tố Trâm
Nhóm phóng viên
Đăng nhận xét