Năm 2016, lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam cán mốc hơn 10 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra và tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001. Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch tiếp tục lạc quan về triển vọng của ngành trong năm 2017 khi Bộ Chính trị vừa có nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhiều điều kiện thuận lợi
Theo nghị quyết của Bộ Chính trị, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch…
Mục tiêu là đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD và giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Để đạt được mục tiêu này, các chính sách cho ngành du lịch từ đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ được thực hiện, đồng thời đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch và tạo môi trường thuận lợi cho DN và cộng đồng phát triển du lịch… Với bước đi mạnh mẽ này, ngành du lịch trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá.
Du khách quốc tế đón Tết ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, năm 2017, không chỉ riêng Việt Nam tập trung cho nhiệm vụ phát triển du lịch, xem du lịch là một mục tiêu tăng trưởng cho cả nước mà ngay Liên Hiệp Quốc cũng chọn năm nay là Năm Quốc tế vì sự phát triển du lịch bền vững. Với TP HCM, mục tiêu năm 2017 là phấn đấu đạt khoảng 5,6 triệu khách du lịch nhưng với một năm năng động, cả thế giới dành sự quan tâm cho du lịch và với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền TP, kỳ vọng ngành du lịch TP sẽ vươn tới con số 6 triệu khách quốc tế.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cũng cho rằng mục tiêu 6 triệu lượt khách rất kỳ vọng sẽ có bước đột phá. Thời gian qua có những thuận lợi về tình hình quốc tế, đặc biệt Thành ủy TP HCM vừa có Chỉ thị 07 để thực hiện Nghị quyết 92 của Chính phủ về phát triển du lịch và ngay sau đó Bộ Chính trị ra Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đang thật sự đem lại thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. Quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy làm du lịch, từ đó có nhận thức mới, phương thức mới và kể cả đầu tư mới để khai thác du lịch bền vững” - ông Lã Quốc Khánh nói.
Thay đổi tư duy mạnh mẽ
Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Ngôi Sao Biển, nhận định thành công của ngành du lịch trong năm qua khi đón 10 triệu lượt khách quốc tế cần phải được nhìn lại, phân tích, đánh giá lợi thế để phát huy. Động lực ngành du lịch đang có nếu không tiếp tục cố gắng sẽ khó có đột phá mạnh mẽ hơn. Trong đó, thay đổi tư duy làm du lịch của các địa phương là điều rất quan trọng.
Dẫn câu chuyện của ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua, ông Huỳnh Văn Sơn cho biết địa phương này vừa thành lập Sở Du lịch và có rất nhiều động thái hỗ trợ DN du lịch, như việc xúc tiến thành lập chợ đêm phục vụ du khách. Sau một thời gian dài Bà Rịa - Vũng Tàu “nổi tiếng” với nạn “chặt chém”, tăng giá mùa lễ - Tết, nay địa phương này đang thay đổi nhận thức, đầu tư thêm cho sản phẩm du lịch mới để tạo giá trị gia tăng cho du khách.
“Nhiều địa phương chỉ chú trọng tổ chức sự kiện du lịch mà không biết rằng du khách quan tâm và trải nghiệm thật sự là sản phẩm du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch cũng không hẳn ngân sách bỏ tiền ra mà có thể xã hội hóa, kêu gọi DN đầu tư bằng các chính sách khuyến khích, ưu đãi… Khi có sản phẩm du lịch mới là cả người dân địa phương, ngành du lịch được hưởng chứ không chỉ DN” - ông Huỳnh Văn Sơn góp ý.
Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, ông Trần Thế Dũng, cũng cho rằng để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương, trong đó quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực và có cách làm du lịch theo hướng bền vững chứ không “ăn xổi” như lâu nay.
Trong những lần trực tiếp dẫn du khách đi tour ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, ông Dũng thấy rằng có rất nhiều cán bộ quản lý làm du lịch nhưng… không am hiểu về nơi mình quản lý, không có kinh nghiệm. “Nhiều cán bộ ngành du lịch quản lý vùng Đông - Tây Bắc nhưng chưa một lần đi trên sông Đà, sông Gâm làm sao khai thác, quảng bá du lịch? Hay ở Thanh Hóa chúng tôi vừa ghé qua, cũng là khách sạn chuẩn 3 sao nhưng nhân viên phục vụ không biết cách xử lý khi du khách gặp sự cố, không được đào tạo bài bản để phục vụ khách du lịch tốt nhất” - ông Dũng băn khoăn. Do đó, muốn ngành du lịch phát triển bền vững thì đầu tư cho nguồn nhân lực cần được các địa phương chú trọng.
“Hút khách” bằng sự trải nghiệm
Ông Peter Semone, Chủ tịch Quỹ Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng ngành du lịch Việt Nam cần đột phá trong việc chuyển từ lý thuyết đến hành động. Nhiều du khách đến Việt Nam vẫn than phiền về việc người đi đường bấm còi xe inh ỏi, tài xế taxi lấy tiền nhiều hơn giá quy định, người dân dùng quá nhiều bao ni-lông… Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là nguồn thu đem về từ ngành du lịch. Như TP HCM, năm qua thu hút hàng triệu khách nội địa và 5 triệu khách quốc tế nhưng quan trọng là ngành du lịch thu được bao nhiêu tiền, DN có lợi nhuận cao để tái đầu tư không?
“Ở Bangkok, rất nhiều du khách nước ngoài ghé thăm nhưng không hẳn thu được nhiều tiền vì họ thường ghé vào mua đồ ở những cửa hàng miễn thuế. Do đó, TP muốn phát triển du lịch cần lưu ý đẩy mạnh lĩnh vực nào là thế mạnh của mình” - ông Peter Semone góp ý.
Một góc nhìn khác để phát triển du lịch, theo bà Nisha Barkathunnisha, Giám đốc điều hành và sáng lập Công ty Tư vấn và Đào tạo Elevated (Singapore), Việt Nam muốn trở thành điểm đến thú vị thì người dân địa phương phải có cuộc sống tốt. Và chiến lược ở những điểm đến du lịch nổi tiếng, thành công là học hỏi chủ động, học cách làm tốt nhất từ các quốc gia khác. Trên thực tế, không cần tốn quá nhiều tiền để đi học hỏi cách làm du lịch ở các nơi vì họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
“Quan trọng là cách chúng ta kết hợp những cái hay, cái tốt của thế giới áp dụng vào địa phương sao cho phù hợp nhất. Du lịch là trải nghiệm, sản phẩm du lịch thay vì chỉ khai thác lợi thế từ thiên nhiên thì nay cung cấp cho du khách thêm sự trải nghiệm sẽ rất hấp dẫn và khi đó, du khách sẵn sàng bỏ thêm tiền” - bà Nisha Barkathunnisha hiến kế.
Phát triển bền vững, trách nhiệm
Điểm mới của ngành du lịch TP HCM năm nay, theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, là phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm, vì sự phát triển chung của TP, trong đó du lịch gắn với truyền thống lịch sử văn hóa của TP, với môi trường và trách nhiệm với cộng đồng.
Chính quyền TP sẽ có nhiệm vụ xây dựng kiến tạo để kết nối DN du lịch với người dân địa phương, gắn với sản phẩm du lịch của địa phương từ nông nghiệp, ẩm thực… Điều quan trọng trong giải pháp của TP là yêu cầu sự gắn kết giữa DN du lịch với địa phương để bảo đảm thu nhập của người dân làm du lịch. TP sẽ có những chủ trương, giải pháp cụ thể trong việc gắn hoạt động của các đơn vị du lịch với địa phương và người dân, xây dựng những sản phẩm du lịch cụ thể như du lịch đường sông, du lịch gắn với nông nghiệp, nghỉ dưỡng…
THÁI PHƯƠNG
Đăng nhận xét