Tuy nhiên, cùng đi với các lực lượng chức năng của UBND quận 1 những ngày qua, chúng tôi nhận thấy để vỉa hè được thông thoáng lâu dài, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết tận gốc.
Tại đường Trần Quang Khải (phường Tân Định), nơi quận 1 đã ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè ngày 13-2, khi các lực lượng chức năng quay trở lại, tiếp tục xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, nhiều người đã cố giành giật lại hàng hóa khi bị thu giữ và những giọt nước mắt đã rơi. Nhiều người năn nỉ các phóng viên nói giúp lãnh đạo quận cho phép họ buôn bán trong vạch trắng và đóng tiền thuê vỉa hè vì đó là nhu cầu có thật.
Một chủ tịch phường ở quận Bình Thạnh chia sẻ phường đã làm quyết liệt, giữ được 1 tuyến đường không có buôn bán hàng rong được 6 tháng. Trong 6 tháng đó, các lực lượng của phường phải túc trực canh giữ cũng như tuyên truyền cho người dân nắm rõ chủ trương, chính sách… Thế nhưng, khi các lực lượng của phường rút về, người dân trở lại tiếp tục buôn bán bởi những người bán hàng rong không chuyển đổi nghề nghiệp, họ chỉ đi chỗ khác, khi không thấy lực lượng chức năng thì quay về.
Nhiều chuyên gia chia sẻ muốn đòi lại vỉa hè, phải thay đổi nhận thức của người dân và tạo việc làm cho họ. Nhận thức không thể thay đổi một sớm một chiều và xử phạt hành chính cũng chỉ là một trong những biện pháp để thay đổi nhận thức. Quan trọng là chính quyền phải tạo cho người dân “cái cần câu cơm”. Một mặt quy hoạch một số khu vực bán hàng rong; mặt khác ở các quận, huyện đều có trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm và những nơi này cần phải lôi kéo được người học cũng như bảo đảm đầu ra chứ không thể ngồi chờ người đến học. Nếu không có nơi chỗ buôn bán hoặc một việc làm mới phù hợp và bảo đảm thu nhập, người bán hàng rong lại tiếp tục di chuyển từ phường này qua phường khác, quận này qua quận khác và việc ra quân đòi lại vỉa hè sẽ không đem lại kết quả như người dân và chính quyền mong muốn.
Sỹ Đông
Đăng nhận xét