Ngày 21-2, Bộ Quốc phòng đã ký kết biên bản tạm bàn giao 19,79 ha sân đỗ quân sự cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để triển khai xây dựng đường lăn, sân đỗ máy bay cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Dùng chung dân dụng và quân sự

Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT thống nhất chủ trương tạm bàn giao mặt bằng 19,79 ha sân đỗ quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất nhằm đầu tư cải tạo nâng cấp đường lăn, sân đỗ máy bay phục vụ dùng chung dân dụng và quân sự. Nguyên tắc là Bộ Quốc phòng vẫn thực hiện quyền quản lý diện tích đất quốc phòng khi có tình huống phải ưu tiên cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Khu đất được xác định với 11 mốc, từ mốc M1 đến M11 (được xác định bởi các cột mốc M1 và M11 theo bảng vẽ được Cục Hàng không Việt Nam và Quân chủng Phòng không - Không quân thống nhất). Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tái lập và triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình trên khu đất phù hợp với tiến độ thi công di dời 7 máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải khảo sát khu vực đất sẽ bàn giao cho sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: Gia Minh

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải khảo sát khu vực đất sẽ bàn giao cho sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: Gia Minh

Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị thực hiện thủ tục bàn giao mặt bằng sân đỗ, diện tích đất quốc phòng bảo đảm chặt chẽ, bảo toàn đất quốc phòng, kiểm tra khu đất có thực hiện đúng mục đích hay không. Bộ Quốc phòng cũng giao Quân chủng Phòng không - Không quân làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT tiến hành lập hồ sơ, xác định vị trí, ranh giới khu đất, tổ chức đo đạc diện tích, cắm mốc thực địa và xác định các công trình phải phá dỡ, di dời và xây dựng phương án, quy chế phối hợp sử dụng sân đỗ nêu trên phục vụ nhiệm vụ hàng không dân dụng và quân sự.

Trong biên bản tạm bàn giao mặt bằng khu đất cũng nêu sau khi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) hoàn thành, Bộ GTVT phải bàn giao lại toàn bộ diện tích khu đất trên cho Bộ Quốc phòng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Trường hợp có nhu cầu sử dụng tiếp, Bộ GTVT phải có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xem xét và quyết định.

Kẹt cả trên trời và dưới đất

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sự tăng trưởng nhanh của ngành hàng không trong thời gian qua đã khiến sân bay Tân Sơn Nhất trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Nhiều thời điểm, sân bay kẹt cả trên trời và dưới đất do thiếu đường lăn, sân đỗ và nhà ga dẫn đến nhiều chuyến bay phải bay vòng trên bầu trời, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đe dọa an ninh, an toàn hàng không. Do đó, việc mở rộng để nâng cao năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất là giải pháp hiệu quả và cần thiết trong giai đoạn trước mắt.

Năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 32 triệu lượt khách và dự kiến con số này tăng lên mức 37-38 triệu hành khách. Trong khi đó, sau khi mở rộng diện tích bên trong sân bay thêm gần 20 ha sẽ giúp nâng công suất phục vụ hành khách của sân bay lên 40-45 triệu hành khách/năm.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết ngay sau lễ ký biên bản bàn giao 19,79 ha đất, Bộ GTVT đã giao cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai lập dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp để có thể đưa toàn bộ diện tích được bàn giao này vào hoạt động hàng không dân dụng để phục vụ hành khách trước Tết nguyên đán 2018.

“Một trong những điểm nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất là năng lực thông qua khu bay và từ đó gây ách tắc ở vùng trời của sân bay nên khi mở rộng gần 20 ha ngoài việc thêm 30-35 vị trí đậu máy bay còn thêm đường lăn giúp máy bay thoát nhanh khỏi đường băng khi đáp xuống. Từ đó, giải quyết được tình trạng quá tải cả trên không và ở bãi đỗ” - ông Thanh nói.

Trước đó, tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với các bộ, ngành liên quan về tìm giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng đã thống nhất phương án mở rộng sân bay mà đơn vị tư vấn đề xuất là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất/hạ cánh cùng sân đỗ; cải tạo đường cất/hạ cánh phía Bắc hiện nay; xây nhà ga lưỡng dụng T3, T4… Phương án này sử dụng quỹ đất có sẵn của quân đội nên chi phí khoảng 19.700 tỉ đồng, thời gian xây dựng 3 năm, bảo đảm công suất 43-45 triệu hành khách/năm.

Xem xét thu hồi sân golf?

Liên quan đến đề xuất của UBND quận Tân Bình, Gò Vấp về việc mở thêm cổng ra vào sân bay, ông Lại Xuân Thanh cho biết Chính phủ đang giao Bộ GTVT triển khai, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải. Trong điều chỉnh quy hoạch đó phải đồng bộ cả khu bay, nhà ga, đường tiếp cận và Bộ GTVT đang tích cực để trình Chính phủ theo đúng chỉ đạo. “Tất cả những phương án, kể cả thu hồi đất quân sự phía Bắc, trong đó có sân golf để phục vụ hoạt động hàng không dân dụng, đều đang được đơn vị tư vấn báo cáo Bộ GTVT để trình Chính phủ” - ông Thanh nói.

GIA MINH - THÁI PHƯƠNG

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.