Nhiều năm qua, các cơ quan chuyên môn của TP HCM đã không ít lần nêu vướng mắc về việc chỉ có thể “phạt nguội” lô thực phẩm tươi sống bị nghi ngờ mà không thể thu hồi, tiêu hủy lô hàng vì hàng đã được tiêu thụ trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm từ phòng kiểm nghiệm được chỉ định.
Nghi ngờ nhưng không thể tạm giữ
Trong khi đó, các phương pháp kiểm tra nhanh không có giá trị về pháp lý khiến cho tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhất là khi việc kiểm soát chất lượng thực phẩm từ gốc còn lỏng lẻo.
Xét nghiệm nhanh thuốc bảo vệ thực vật tại chợ phiên nông sản an toàn
Không chỉ hàng tươi sống bị “lọt lưới” mà thực phẩm chế biến cũng có tình trạng tương tự. Bác sĩ Nguyễn Thái, Trưởng Phòng Y tế quận 3, cho biết do thời gian đợi kết quả từ 5-7 ngày nên phần lớn khi có kết quả xét nghiệm thì thực phẩm đã được tiêu thụ hết. Trong thời gian qua, quận 3 đã lấy 155 mẫu thực phẩm thì có đến 82 mẫu (tỉ lệ 53%) có kết quả hóa chất hoặc phụ gia vượt ngưỡng.
Giải pháp được đưa ra là tạo hành lang pháp lý để cơ quan kiểm tra có thể tạm giữ lô hàng có nghi ngờ (kết quả kiểm tra nhanh dương tính) để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trường hợp kết quả này xác định mẫu vi phạm sẽ tổ chức tiêu hủy lô hàng; nếu dưới ngưỡng vi phạm, sẽ đền bù thiệt hại cho chủ hàng từ nguồn xử lý vi phạm hành chính.
Đại diện UBND quận Thủ Đức, quản lý địa bàn có chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mới đây cũng đã kiến nghị UBND TP HCM và các sở, ngành có văn bản yêu cầu các phòng kiểm nghiệm ưu tiên xét nghiệm trước các mẫu phục vụ công tác thanh, kiểm tra.
Tuy nhiên, trả lời kiến nghị mới đây của UBND TP HCM về việc tạo hành lang pháp lý để xử lý lô hàng thực phẩm tươi sống, dễ hư hỏng khi sử dụng kit thử nhanh kiểm tra cho kết quả dương tính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay vẫn chưa có quy định của pháp luật để tạm giữ lô hàng trong trường hợp trên. Lý do là theo quy định của Bộ Y tế, cơ quan quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm thì kết quả thu được qua phương pháp này chỉ có ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm tiếp theo trong phòng thí nghiệm. Không sử dụng kết quả này làm cơ sở xử lý vi phạm.
Hợp đồng kinh tế “xử” được
Trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa dám mạnh tay giữ hàng trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm do thiếu cơ sở pháp lý thì các đơn vị thu mua bằng hợp đồng kinh tế có thể xử lý được. Đại diện hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op cho biết để kiểm soát chất lượng đầu vào của thực phẩm, đơn vị đã đầu tư trung tâm kiểm nghiệm tại tổng kho ở Bình Dương. Nếu phát hiện mẫu dương tính lập tức chặn lại, không đưa vào kinh doanh và lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm. Lô hàng sẽ bị hủy. Trường hợp kết quả chính thức không đạt thì nhà cung cấp sẽ chịu toàn bộ chi phí, ngược lại Sài Gòn Co.op sẽ phải chi trả. Năm 2016, Sài Gòn Co.op đã kiểm tra khoảng 10.000 mẫu, phát hiện 76 mẫu không đạt và phải xử lý với hình thức trên.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc HTX Phước An (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết HTX cũng dự định sẽ xây dựng một phòng kiểm nghiệm tương tự để giảm chi phí và thời gian gửi mẫu. Bởi theo ông Đức, nếu tất cả lô hàng đều lấy mẫu thì chi phí rất lớn, đội giá thành nên chỉ kiểm tra khi có nghi ngờ. “Thông thường, trước khi cho nông dân thu hoạch, HTX đi thực tế để kiểm tra sổ sách ghi chép, hiện trạng, nếu có bất thường, thiếu logic mới lấy mẫu. Việc kiểm tra, giám sát nông dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất là rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng rau củ quả, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật” - ông Đức nói.
Đang xét nghiệm, không được lưu thông
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, chuyên xuất khẩu trái cây tươi đi thị trường khó tính, tại các nước nhập khẩu, thông thường nếu hàng đang trong giai đoạn lấy mẫu xét nghiệm thì không được phép lưu thông, kể cả hàng tươi như thanh long, nhãn, chôm chôm... Việt Nam xuất khẩu sang. Nếu kết quả không đạt sẽ bị xử phạt nặng, hủy hàng và chịu tần suất kiểm tra liên tục ở những lô sau.
Trường hợp kết quả kiểm tra tốt thì hàng được giải tỏa, doanh nghiệp (DN) sẽ được ghi nhận có lịch sử tuân thủ pháp luật tốt, ít bị kiểm tra về sau và nhà chức trách không phải đền bù cho DN về những thiệt hại kinh tế do quá trình tạm giữ hàng hóa gây ra. Ngay cả khi trái cây đang được bán tại chợ, nếu nhà chức trách có nghi ngờ thì hàng sẽ bị gom tại một góc và không được bán cho đến khi có kết quả. Kết quả xét nghiệm xác nhận lô hàng đạt yêu cầu từ nhà chức trách tăng uy tín cho chất lượng hàng hóa của DN.
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH
Đăng nhận xét