Ngày 21-2, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã báo cáo Bộ Y tế về trường hợp trẻ sơ sinh mắc uốn ván nguy kịch do bà đỡ (còn gọi là “mụ vườn”) cắt rốn bằng dao lam, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu các trường hợp trẻ sơ sinh mắc uốn ván ở tỉnh này.
Sốt, co giật toàn thân
Sinh được 6 ngày, con của chị H’Ngọc Byă (ngụ huyện Krông Bông) có triệu chứng bỏ bú, sốt cao liên tục, co giật nên ngày 8-2 được đưa tới Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu, được chẩn đoán nhiễm trùng uốn ván sơ sinh. Quá xác minh, ngành y tế biết trong quá trình mang thai, sản phụ không tiêm vắc-xin ngừa uốn ván, khi chuyển dạ không đến cơ sở y tế mà nhờ bà đỡ để sinh con tại nhà và được người này dùng dao lam cắt rốn. Hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và đang điều trị.
Cháu Y Đa Phúc Byă đang điều trị uốn ván do khi sinh tại nhà được cắt rốn bằng dao lam
Theo bác sĩ Lê Đình Nhân, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, nơi này vừa tiếp nhận và điều trị cháu Y Đa Phúc Byă (11 ngày tuổi, ngụ huyện Cư Kuin) nhập viện vào chiều 19-2 trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng sốt, co giật toàn thân, bỏ bú. Người nhà cho biết sau khi sinh tại nhà, cháu được người thân dùng dao lam cắt rốn. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị mắc uốn ván, ủ bệnh đã 7 ngày nên phải tiêm kháng sinh và kháng huyết thanh chống uốn ván rồi được cách ly và chăm sóc toàn diện. Hiện bệnh nhân đã giảm co giật, thở đều nhưng phản xạ còn thấp.
Đầu tháng 2, BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cũng tiếp nhận trường hợp bé trai gần 1 tuần tuổi là con chị H’Măn Drap (ngụ huyện Krông Ana) bị uốn ván do khi sinh được cắt rốn bằng dao lam. Chỉ vài ngày sau khi đến BV, cháu bé tử vong. Tương tự, chị H’Mươn Enuôl (ngụ TP Buôn Ma Thuột) sinh con trai tại nhà. Người nhà cho rằng chị H’Mươn Enuôl không có dấu hiệu chuyển dạ, sinh vào đêm khuya nên người thân dùng dao lam cắt rốn. Khi cháu bé mắc uốn ván nhiều ngày mới được đưa tới BV và tử vong vào ngày 11-2.
Sơ bộ từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận có 4 trẻ sơ sinh nhập viện cấp cứu vì nhiễm trùng uốn ván do khi sinh được cắt rốn bằng dao lam, trong đó có 2 trẻ tử vong.
Vi phạm pháp luật
Theo ông Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ y Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, hiện ở tỉnh này có khoảng 10% phụ nữ mang thai không tiêm phòng uốn ván và 2% phụ nữ sinh con không có sự chăm sóc của nhân viên y tế.
Trước tình trạng số vụ trẻ sơ sinh mắc uốn ván tăng đột biến, ông Huyên cho biết ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, phòng chống, như: rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin uốn ván cho các đối tượng chưa tiêm, tổ chức hội thảo chuyên đề uốn ván cho nhân viên y tế… Bên cạnh đó, điều tra, rà soát tất cả “mụ vườn”, giải thích cho họ hiểu việc đỡ đẻ là vi phạm pháp luật. Nếu có người nhờ đỡ đẻ thì hướng dẫn họ tới các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc nắm thông tin về những người này cũng gặp nhiều khó khăn vì trong mỗi buôn thường có một “mụ vườn” được nhiều người kính trọng nên khi có vấn đề gì thì người dân thường giấu thông tin về người đó.
“Không chỉ đỡ đẻ, một số “mụ vườn” còn phá thai gây hậu quả khó lường” - bác sĩ Huyên cho biết thêm.
Nhiều hậu quả khó lường
Theo bác sĩ Lê Đình Nhân, trẻ sơ sinh bị uốn ván có tỉ lệ tử vong rất cao. Hầu hết bệnh nhân đều là con của người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên kiến thức về sinh sản gần như không có. Để hạn chế hậu quả, các cơ quan chức năng, đoàn thể tại địa phương phải kết hợp trung tâm y tế dự phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho phụ nữ mang thai tích cực tiêm phòng uốn ván trước khi sinh, đồng thời duy trì việc khám thai định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ cần đến cơ sở y tế để sinh, tuyệt đối không được chủ quan, tự sinh, cắt rốn ở nhà. “Bên cạnh nguy cơ mắc uốn ván, việc sinh con tại nhà còn gây ra nhiều hậu quả khó lường như: trẻ sơ sinh dễ bị ngạt, nhiễm trùng…, sản phụ biến chứng băng huyết, sót nhau, nhiễm trùng…” - bác sĩ Nhân khuyến cáo.
Bài và ảnh: Cao Nguyên
Đăng nhận xét