Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM vừa khai trương triển lãm “Hà Nội - TP HCM” do tổ chức nghệ thuật độc lập RealArt tiến hành (từ ngày 18 đến hết 26-2), trưng bày 173 tác phẩm phong phú các thể loại, phong cách, trường phái của hơn 76 nghệ sĩ thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Lập “chợ” mỹ thuật
Trong triển lãm có tác phẩm của nhiều nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng và đóng góp lớn cho nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam như họa sĩ Lưu Công Nhân, Hoàng Trầm, Trần Huy Oánh, Lê Thị Kim Bạch, Bùi Giáng, Nguyễn Quân, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài, Trịnh Tuân, Thành Chương, Lê Thiết Cương... Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Giám đốc điều hành RealArt, cho biết: “Triển lãm “Hà Nội - TP HCM” là sự kiện thứ hai trong chuỗi sự kiện của hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair. Loạt sự kiện này nằm trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu hội chợ nghệ thuật Vietnam Art Fair của RealArt. Tại Hà Nội, chúng tôi đã thực hiện được đúng hình thức hội chợ nghệ thuật nhưng khi đưa vào TP HCM lần này mới chỉ là triển lãm truyền thống”. Đáng tiếc là vì không có chức năng thương mại nên Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM chỉ có thể cấp phép cho phần triển lãm của Domino chứ không thể cấp phép cho phần hội chợ.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Giám đốc điều hành RealArt, đang giới thiệu với khách tại triển lãm “Hà Nội - TP HCM”
Suốt hơn 30 năm liền, mỹ thuật Việt Nam hoạt động bát nháo, lộn xộn và không hình thành được thị trường khiến tất cả cùng thua thiệt. Sự có mặt của những tổ chức, cá nhân hoạt động mỹ thuật độc lập làm người trong giới kỳ vọng sẽ xoay chuyển phần nào thực trạng hoạt động của mỹ thuật Việt Nam lâu nay.
Bức “Bình dân học vụ” – tranh của hoạ sĩ Lưu Công Nhân
Cái gọi là “chợ”, “thị trường” đối với mỹ thuật Việt Nam lâu nay chỉ là hoạt động ở các cửa hàng tranh trên các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM), xung quanh chùa Cầu (Hội An) hay dọc phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), những nơi chỉ bán những sản phẩm thứ cấp của mỹ thuật. Hàng hóa chất đống và mua bán sôi động nhưng chính nơi này, họa sĩ có tên tuổi bị sao chép, nhái tác phẩm đủ kiểu, thậm chí bị trộn phong cách của người nọ với người kia thành những sản phẩm hổ lốn bán cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hà, chủ một cửa hàng kinh doanh sản phẩm mỹ thuật trên đường Trường Chinh (TP HCM), cho biết: “Người tiêu dùng Việt chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với mỹ thuật nên đối với họ, giá cả là vấn đề quan trọng nhất. Một bức tranh sáng tác, giá trị chất xám của người nghệ sĩ rất lớn, cho dù khổ nhỏ nhưng không thể mua với giá vài ba triệu đồng, trong khi khách hàng đến ngắm nghía, xem xét mãi, thậm chí chỉ muốn mua nếu có tranh giá năm bảy trăm ngàn”. Ông Hà cho biết thêm chính vì cạnh tranh khốc liệt về giá nên nhiều cửa hàng buộc phải thuê người làm tranh “hàng chợ”, chưa bàn đến phong cách nghệ thuật hay trường phái sáng tạo mà vì đầu tư tối thiểu nên chỉ vẽ một lớp màu, lúc mới giao hàng thì cũng thấy rực rỡ nhưng một thời gian sau, tranh sẽ phai màu, thậm chí bay mất từng mảng. “Điều này rất phản cảm vì tác phẩm mỹ thuật có đặc tính là phải lưu giữ được rất lâu, thậm chí càng lâu càng có giá trị” - ông Hà nói.
Các gallery xây dựng cho mình một con đường tiến vào thị trường mỹ thuật nghiêm túc thì hầu như không có cách gì làm sôi động được vì người mua quá hiếm. Phòng tranh Tự Do - một trong những phòng tranh hoạt động lâu đời nhất tại
TP HCM - cũng đã đóng cửa hồi năm 2015 sau 28 năm hoạt động. Gallery 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) của họa sĩ Lê Thiết Cương dù hoạt động cũng lâu năm nhưng từng có lần định đóng cửa vì không thể duy trì.
Thương hiệu hội chợ nghệ thuật Việt
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Sĩ cho biết ở các địa điểm triển lãm thuộc sở hữu và quản lý của Si Antiques (TP HCM), ông rất thường xuyên tổ chức các triển lãm, sự kiện mỹ thuật nhưng chủ yếu là mang tính chất hỗ trợ nghệ sĩ, người đến tham dự thì đông nhưng chỉ ngắm xem cho vui, không hề thu được lợi nhuận và cũng không biết trong tương lai các phòng tranh kiểu này sẽ duy trì được bao lâu.
Phòng trưng bày Si Antiques chủ yếu được dùng để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật Việt và văn hóa Việt với du khách nước ngoài chứ không phải nặng về giao dịch bán mua.
“Thị trường mỹ thuật thấp như hiện tại, điều đầu tiên phải kể đến là người tiêu dùng bị thiệt vì đang sử dụng những sản phẩm kém, thứ hai là nghệ sĩ bị thiệt và họ đã rất nghèo, cuối cùng là nhà đầu tư cũng thiệt vì những món hàng nghệ thuật khó sinh lời” - bà Nguyễn Thị Phương Nhung phân tích.
Bà Phương Nhung cho biết: “Chúng tôi nỗ lực để Vietnam Art Fair có thể trở thành một thương hiệu hội chợ quốc gia cho Việt Nam, sánh tầm với các thương hiệu hội chợ nghệ thuật khác trong khu vực và trên thế giới như Singapore Art Stage, Hong Kong Art Basel... Nhưng đúng là tiến hành ở Việt Nam thì có nhiều cái khó. Việt Nam hiện tại chưa có thị trường mỹ thuật. Thế nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng thị trường đang dần hình thành và nếu không có những người bắt đầu, chúng ta sẽ chẳng thể tạo thành thị trường thực sự. Chúng tôi rất mừng vì được các họa sĩ ủng hộ để có thể bước những bước đầu tiên”.
Kỳ tới: Đi rồi sẽ thành đường
Kênh đầu tư hấp dẫn
Sàn đấu giá nghệ thuật Lý Thị Auction trong phiên đấu giá đầu tiên hồi cuối năm 2016 đã đưa lên sàn bức “Mẫu đơn đỏ” của danh họa Lê Phổ với mức giá 35.000 USD - tương đương 795 triệu đồng - cùng tranh của nhiều họa sĩ khác như Lê Văn Xương, Lương Lưu Biên, Lê Thiết Cương, Lê Kinh Tài, Trần Đông Lương… Bà Lý Bích Ngọc mong muốn làm thay đổi suy nghĩ của người Việt, rằng mỹ thuật thực sự là một kênh đầu tư hấp dẫn và những ai yêu mỹ thuật đều có thể tiến vào thị trường nghệ thuật.
Tạo ra sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật với mong muốn từng bước chung tay xây dựng thị trường nghệ thuật Việt, bà Lý Bích Ngọc - vừa trở về từ một hội chợ mỹ thuật đầu năm 2017 diễn ra ở Singapore - khẳng định thêm rằng trong vòng 5 năm tới, thị trường mỹ thuật Việt có thể bước vào một giai đoạn phát triển bùng nổ chứ không còn trong cảnh “chợ chiều” như hiện tại.
Bài và ảnh: Hòa BÌNH
Đăng nhận xét