Tại một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Nôm (Hưng Yên), chùa Phật Tích, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… lượng người đổ về hành lễ mỗi ngày lên tới hàng chục nghìn người.
Dịch vụ đổi tiền lẻ vì thế cũng nhộn nhịp. Theo một số đầu mối đổi tiền, Tết Nguyên đán chính là thời điểm nhu cầu đổi tiền lẻ đặt lễ của du khách cao nhất trong năm. Năm nay, các đầu mối đổi tiền lẻ vẫn trực bên ngoài cổng đền, chùa… khi người dân hỏi đổi tiền lẻ là ngay lập tức đáp ứng.
Khách hành hương tăng mạnh khiến cho các điểm đổi tiền lẻ vào mùa hốt bạc. Ảnh: Quang Thắng.
Theo ghi nhận tại chùa Phật Tích, từ bên ngoài cổng chùa, ngay khi đề cập tới chuyện đổi tiền lẻ để đặt lễ, một đầu mối nhanh chóng đưa lời mời chào với mức chênh lệch 100.000 đồng đổi 60.000 đồng tiền lẻ. Tiền lẻ tại đầu mối này chủ yếu là mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng, tuy nhiên đã khá cũ. Khi được đề nghị đổi tiền mới, đầu mối này cho biết tiền mới năm nay không có nhiều.
Theo đầu mối này, từ mùng 2 Tết, lượng khách đổ về hành lễ rất đông, ngày nào cũng có tới cả trăm khách có nhu cầu đổi tiền lẻ. Tuy nhiên, chủ yếu là đổi tiền để đặt lễ nên số lượng mỗi người đổi không quá nhiều.
Anh Hòa (Hải Dương) một du khách hành lễ tại chùa Phật Tích cho hay hầu như ở ngôi đền, chùa nào cũng có dịch vụ đổi tiền lẻ. Gia đình anh đi hành lễ nhiều nơi nhưng rất ít khi chuẩn bị tiền lẻ trước, thường đến cổng chùa mới đổi để đặt lễ.
"Minh cũng mới đổi 200.000 đồng nhưng chỉ nhận lại được 130.000 đồng tiền lẻ. Đổi một, hai trăm nghìn đặt lễ nên mình cũng không quan trọng chênh lệch thế nào”, anh Hòa cho biết.
Cũng mới đổi tiền lẻ bên ngoài đường vào chùa, bà Tú (Bắc Ninh) cho biết bà vừa đổi 100.000 đồng tiền lẻ nhưng chỉ được mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng. “Ở đây đổi 100.000 đồng được 70.000 đồng cũng là nhiều, trên đền Bà Chúa Kho đổi 100.000 đồng có khi chỉ được 40.000-50.000 đồng tiền lẻ thôi”, bà Tú cho biết.
Phí đổi tiền lẻ mới tại nhiều điểm khá cao. Ảnh: Khánh Huyền.
Trong khi đó, tại chùa Nôm (Hưng Yên), dịch vụ đổi tiền lẻ cũng diễn ra sôi nổi từ bên ngoài chùa. Tuy không công khai nhưng du khách chỉ cần hỏi đổi tiền và mua lễ tại các cửa hàng bên ngoài sẽ được đáp ứng nhu cầu ngay. Một đầu mối đổi tiền lẻ tại đây cho biết trung bình, mỗi ngày Tết có thể đổi được từ vài trăm cho tới vài triệu đồng tiền lẻ, từ đó các đầu mối ở đây có thể kiếm được 1-2 triệu đồng tiền chênh lệch từ dịch vụ đổi tiền lẻ.
Tại đền Bà Chúa Kho, nơi nổi tiếng với việc du khách đặt lễ bằng tiền lẻ số lượng lớn, dịch vụ đổi tiền càng diễn ra sôi nổi hơn. Anh Tuấn (25 tuổi) một người dân sống gần đền Bà Chúa Kho cho biết những ngày gần đây, lượng người đổ về đền hành lễ tăng mạnh, các đầu mối đổi tiền lẻ ở bên ngoài đường vào đền cũng rất nhiều.
Theo anh Tuấn, mức phí chênh lệch đổi tiền tại đây cũng khác nhau tùy mệnh giá và tùy đầu mối. Phổ biến là 10 "ăn" 8 với tiền mới mệnh giá 5.000-10.000 đồng; 10 "ăn" 6 với tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng; riêng tiền mệnh giá dưới 500 đồng tỉ lệ đổi là 10 "ăn" 4.
"Số lượng tiền mỗi đầu mối có cũng không nhiều, tuy nhiên nhu cầu du khách đổi cũng chỉ từ vài chục cho đến vài trăm nghìn mà thôi", anh Tuấn cho biết.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo không phát hành tiền mới, nguyên seri mệnh giá dưới 5.000 đồng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp NHNN chủ trương không đưa tiền lẻ mới vào lưu thông từ đầu năm 2013 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, cho hay từ việc không phát hành tiền lẻ mới này, NHNN đã cắt giảm được gần 400 tỉ đồng chi phí phát hành tiền mới. Tổng mức chi phí tiết kiệm được từ năm 2013 đến nay lên hơn 1.900 tỉ đồng.
NHNN cũng yêu cầu kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đổi tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại các khu di tích đền, chùa, lễ hội hoặc kinh doanh trên mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ.
Theo Quang Thắng ( Zing.vn)
Đăng nhận xét