Nhậm chức chỉ mới hơn 10 ngày nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kịp biến không ít mối quan hệ ngoại giao trở nên bất định.

Trút giận và đe dọa

“Nạn nhân” tiềm tàng mới nhất là quan hệ Mỹ - Úc theo sau cuộc điện đàm được chính ông Trump mô tả là “tồi tệ” kể từ khi nhậm chức ngày 20-1. Cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo 2 nước đồng minh thân cận này lẽ ra kéo dài 1 giờ nhưng chỉ diễn ra 25 phút do ông Trump đột ngột gác máy. Theo một số quan chức cấp cao Mỹ, ông Trump có lúc nói với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull rằng đây là cuộc trao đổi “tệ nhất” nếu so với cuộc điện đàm với 4 nhà lãnh đạo khác trong cùng ngày 28-1.

Theo tờ The Washington Post, tâm điểm của cuộc trò chuyện là thỏa thuận tị nạn mà Mỹ và Úc đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. “Đây là thỏa thuận tệ nhất từ trước đến giờ” - ông Trump nổi nóng sau khi ông Turnbull muốn ông chủ mới của Nhà Trắng xác nhận Washington sẽ tuân thủ cam kết nhận 1.250 người tị nạn đang bị tạm giữ tại Úc.

Viết trên mạng xã hội Twitter cuối ngày 1-2, ông Trump giữ nguyên lập trường công kích thỏa thuận “ngu ngốc” nêu trên và cho biết sẽ xem xét lại nó. Có thể hiểu được cơn giận của ông Trump vì nhiều người tị nạn đến từ Iran, Iraq, Sudan và Somalia - những nước có công dân bị tạm cấm đến Mỹ theo sắc lệnh vừa được ông ban hành.

Giới chức Mỹ cho biết ông Trump có kiểu hành xử tương tự trong các cuộc điện đàm với lãnh đạo những quốc gia khác. Tuy nhiên, thái độ của ông Trump với ông Turnbull khiến nhiều người kinh ngạc bởi Úc là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Hai nước không chỉ chia sẻ thông tin tình báo, ủng hộ nhau về ngoại giao mà còn “kề vai sát cánh” trong một loạt cuộc chiến, như ở Iraq và Afghanistan.

Trước đó, theo AP, cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto hôm 27-1 cũng “căng” không kém. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí dọa “đưa quân sang Mexico để bắt giữ kẻ xấu” nếu quân đội láng giềng không nỗ lực nhiều hơn.

Dù thông tin trên bị Nhà Trắng và chính phủ Mexico bác bỏ nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng quan hệ 2 nước thời ông Trump đang ngày một xấu đi vì nhiều vấn đề. Ông Nieto vừa hủy kế hoạch sang Washington gặp ông Trump do nhà lãnh đạo Mỹ khăng khăng đòi Mexico phải trả tiền xây bức tường gây tranh cãi ở biên giới 2 nước.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm 28-1. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm 28-1. Ảnh: Reuters

Cứng rắn với Iran, Triều Tiên

Không dừng lại ở đó, chính quyền ông Trump còn phát đi tín hiệu sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Iran khi tuyên bố “chính thức để ý” đến Tehran dù không nói rõ điều này có nghĩa gì.

Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi lên làm cố vấn an ninh quốc gia, ông Michael Flynn hôm 1-2 cáo buộc chính quyền ông Obama không “đáp trả tương xứng những hành động ác ý của Tehran” khiến Iran “liều lĩnh hơn”, như tiến hành vụ thử tên lửa 3 ngày trước đó. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan cùng ngày khẳng định vụ thử tên lửa không vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc hoặc vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc.

Mối đe dọa hạt nhân đang tăng của Triều Tiên cũng là nỗi lo hàng đầu của chính quyền mới ở Washington, thể hiện qua chuyến thăm Hàn Quốc (trong ngày 2 và 3-2) và Nhật Bản của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một bộ trưởng thời ông Trump.

Đài CNBC nhận định mục đích chuyến thăm là tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho 2 đồng minh hàng đầu ở châu Á trong bối cảnh Nhà Trắng vừa có một ông chủ khó đoán, tình hình căng thẳng ở biển Đông và sự khiêu khích của Triều Tiên. Ngoài ra, nó cho thấy ông Trump xem trọng mối quan hệ với Seoul và Tokyo sau khi lên tiếng đe dọa phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Bắc Kinh.

Vấn đề Triều Tiên chắc chắn là nội dung thảo luận chính trong các cuộc gặp của ông Mattis sau khi nước này tuyên bố sẵn sàng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bất kỳ lúc nào. Trước thềm chuyến thăm, Nhà Trắng đã xem xét lại chính sách đối với Bình Nhưỡng theo lệnh của ông Flynn. Tờ Financial Times (Anh) dẫn một số nguồn tin cho biết chính quyền ông Trump muốn tìm kiếm những cách thức khác biệt (so với thời ông Obama) để đối phó nguy cơ Triều Tiên tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân.

Khó tránh đối đầu Mỹ - Trung ở biển Đông?

Ông Steve Bannon, người vừa được ông Trump đưa vào Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) của Nhà Trắng, từng tin rằng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông trong 5-10 năm tới là điều chắc chắn.

Ông Bannon đưa ra quan điểm này hồi tháng 3-2016. Lúc đó, không nhiều người quan tâm đến những lời lẽ của nhân vật theo đường lối cánh hữu này.

Giờ đây, dư luận lo ngại kịch bản xấu nêu trên không phải là chuyện quá xa vời trong bối cảnh ông Bannon ngày càng nắm nhiều quyền lực dưới thời ông Trump, còn tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo không cho phép Trung Quốc tiếp cận những hòn đảo được nước này xây dựng và quân sự hóa trái phép ở biển Đông. Chuyên gia Ashley Townshend của Trường ĐH Sydney (Úc) nói với tờ The Guardian (Anh) rằng đối đầu là điều khó tránh nếu Mỹ tìm cách ngăn Trung Quốc tiếp cận những nơi được Bắc Kinh xem là lãnh thổ của họ.

Nỗi lo tăng thêm khi truyền thông Trung Quốc hôm 1-2 đưa tin tàu sân bay thứ hai của Bắc Kinh có thể được triển khai ở gần biển Đông để xử lý “các tình huống phức tạp”. Tàu sân bay đang được đóng tại cảng Đại Liên, phía Đông Bắc Trung Quốc và dự kiến hoàn thành vào nửa đầu năm 2017 trước khi chính thức gia nhập hải quân năm 2019.

Trong ngày ông Trump nhậm chức, quân đội Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa 2 nước. “Một cuộc chiến tranh trong nhiệm kỳ tổng thống hay một cuộc chiến tranh nổ ra đêm nay không còn là khẩu hiệu mà ngày càng trở thành hiện thực” - trang web của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc dẫn lời bình luận của một quan chức quân đội.

Huệ Bình

HOÀNG PHƯƠNG

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.