Không ít người phải giật mình trước con số gần 4.500 người nhập viện do đánh nhau dịp Tết nguyên đán vừa được các cơ quan chức năng công bố. Trong số người nhập viện này, 20 người đã tử vong do chấn thương quá nặng.
Rượu vào, bạn hóa thù
Ngày 29-1 (mùng 2 Tết), trong lúc đang ngồi nhậu, hát karaoke cùng một số người trong xóm, bất thình lình anh Nguyễn Văn T. (29 tuổi; ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị Trần Văn Viễn (32 tuổi, cùng ngụ xã Bình Châu) dùng ly bia đập vào đầu vì “dám chê dàn karaoke hát không hay”. Dù được can ngăn nhưng sau đó, Viễn rủ thêm Hoàng Văn T. cầm gậy đón đánh anh T. trọng thương phải nhập viện cấp cứu.
Trong những ngày Tết, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) hôm nào cũng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu do ẩu đả Ảnh: NGỌC DUNG
Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ đánh nhau sau khi uống bia, rượu diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi dịp Tết vừa qua. Theo thống kê của Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Ngãi, chỉ trong 5 ngày Tết (từ 27 đến 31-1), đã có 50 người nhập viện vì đánh nhau. Phần lớn các vụ đánh nhau đều xuất phát từ bia, rượu.
Tại tỉnh Quảng Nam, số vụ đánh nhau trong dịp Tết cũng khá nhiều. Điển hình là vụ đánh nhau hôm 27-1 tại thôn Phú Thành, xã Tam Trà, huyện Núi Thành. Trong khi uống rượu tất niên, Phạm Viết Bình (24 tuổi), Phan Tấn Lĩnh và Đống Ngọc Sơn xảy ra mâu thuẫn rồi lao vào đánh nhau. Bình rút dao đâm Lĩnh và Sơn. Dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng Lĩnh đã tử vong, còn Sơn “ăn Tết” ở BV Đa khoa trung ương Quảng Nam cho đến nay.
Số người nhập viện trong dịp Tết do đánh nhau sau khi uống rượu, bia hầu như địa phương nào cũng có. Theo thống kê sơ lượt của Bộ Y tế, tổng số ca đến khám, cấp cứu tại các BV do đánh nhau là 4.474 trường hợp. Trong đó, 550 trường hợp được xác định nguyên nhân do rượu, bia. Trong số này, 20 người đã tử vong. Trước đó, Tết nguyên đán năm 2016 cũng có 3.400 người cấp cứu do đánh nhau và năm 2015 có tới hơn 6.000 người phải vào viện vì lý do này.
Từ thực tế tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân, nhiều bác sĩ BV Việt Đức (Hà Nội) cho biết đối tượng nhập viện cấp cứu do xô xát, đánh nhau đa phần là nam thanh niên trẻ tuổi. Nguyên nhân dẫn đến xô xát, chém giết nhau là vì những mâu thuẫn từ trước nhưng có khi chỉ là vài câu “cà khịa” hay cái “nhìn đểu”, va quệt nhẹ trên đường, thậm chí là do “thằng bạn dạy đời”, “lên lớp” trong bữa nhậu...
Không bình thường
Nhìn nhận về tình trạng ẩu đả trong dịp Tết, nhiều người cho rằng đây là điều không bình thường, không thể chấp nhận được bởi vào những ngày đáng ra là dịp vui vẻ, sum vầy, đoàn tụ lại phải chứng kiến những vụ đánh nhau vô lý.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, cho rằng cuộc sống ngày càng nhiều lo toan, căng thẳng nên khi xảy ra những va chạm tưởng chừng như bình thường cũng có thể trở thành những mâu thuẫn sẵn sàng đoạt mạng nhau. Việc đánh nhau trong dịp Tết không chỉ là do “ma men” dẫn lối mà sâu xa còn do bản chất đạo đức xuống cấp khiến một số người ngày càng trở nên hung bạo hơn. Chỉ có 50% người hung hãn, mất kiềm chế, muốn đánh nhau sau khi uống bia, rượu. Còn thực chất, nhiều người có mầm mống hung hãn sẵn, họ chỉ mượn rượu, bia làm cớ để hành hung người khác.
Theo một bác sĩ BV Việt Đức, nhiều sự việc quá đỗi bình thường nhưng người ta lại sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xô xát nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp, phổ biến nhất là từ rượu, bia quá đà ngày Tết. Đây cũng là thời điểm rượu, bia được tiêu thụ nhiều nhất trong năm. “Tôi từng cấp cứu cho những bệnh nhân với vết chém trí mạng mà theo người thân, nguyên nhân xô xát chỉ vì lỡ miệng” - một bác sĩ dẫn chứng.
Số người nhập viện tiếp tục tăng sau Tết
Một số bác sĩ ở các BV tuyến trung ương dự báo sau Tết, số người nhập viện do ẩu đả sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi nhiều người quan niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi” và mùa lễ hội đang đến nên thỏa sức ăn nhậu.
Trước đây, không ít người nghĩ rằng dân trí ở nông thôn thấp hơn nên các vụ ẩu đả ở đây cũng nhiều hơn. Thế nhưng, thực tế cấp cứu tại BV cho thấy những trường hợp ẩu đả, đoạt mạng nhau diễn ra ở khắp nơi, từ nông thôn, miền núi cho đến thành thị. Những chuyện cãi cọ, xô xát, va chạm có tần suất tăng lên từ các cuộc vui chơi, tham gia bài bạc, tổ chức ăn nhậu...
Nhóm phóng viên
Đăng nhận xét