Hôm qua, 2-2 (mùng 6 Tết), nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính, hội Gióng đền Sóc… đã chính thức khai mạc.
Đổ máu vì cướp lộc
Hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 6 đến 8 tháng giêng. Trong ngày khai hội, dù huy động gần 220 chiến sĩ cùng 200 thanh niên tình nguyện làm công tác bảo vệ nhưng tình trạng cướp lộc vẫn diễn ra.
Cảnh chen lấn tranh giành lộc hoa tre tại hội Gióng đền Sóc Ảnh: TRỌNG TÙNG
Trước sự bảo vệ của lực lượng an ninh, các lễ vật gồm giò hoa tre, trầu cau được đưa đến đền Hạ và đền Mẫu trong trật tự. Tuy nhiên, sau khi lực lượng bảo vệ hô “cướp” theo tục lệ thì hàng trăm người ùa vào vài mét vuông sân đền Hạ, đền Mẫu để tranh lộc. Tình trạng giẫm đạp, xô đẩy diễn ra hỗn loạn. Vài người đã chảy máu do xây xát, cùng với đó nhiều người bơ phờ sau “trận chiến” tranh cướp lộc.
Cướp cả lộc trên tay sư thầy tại lễ hội chùa Hương Ảnh: QUANG ĐỨC
Lễ hội chùa Hương diễn ra lúc 9 giờ ngày 2-2 nhưng từ tờ mờ sáng, hàng ngàn du khách đã chen nhau lên đò trên suối Yến để vào chùa. Dù lượng người trẩy hội không đông như năm ngoái nhưng trong ngày khai hội, những hình ảnh không hay đã xuất hiện.
Trước lễ khai hội diễn ra tại sân chùa Thiên Trù, nhiều người không di chuyển theo hướng dẫn của lực lượng chức năng mà cố trèo tường để vào bên trong. Trong lúc đó, trên cung đường dẫn vào khu vực khai hội, nhiều người giành đường giẫm đạp lên cả hoa, vườn rau của nhà chùa.
Sau phần khai hội, nhà chùa tổ chức phát lộc cho các phật tử. Thay vì trật tự chờ đến lượt mình, một số thanh niên nhảy bổ vào, cướp lộc từ tay người khác. Lộc là những chiếc vòng chỉ đỏ có gắn ngọc in chìm tượng Phật. Khá nhiều nam thanh nữ tú chen lấn, cố leo lên cột cờ ở sân chùa Thiên Trù để xin lộc. Thậm chí, còn có người cướp lộc ngay trên tay sư thầy, làm mất đi sự tôn nghiêm. Trong lúc leo tường để vào cướp lộc, không ít người té lăn xuống đất.
Lễ hội chùa Hương kéo dài suốt 3 tháng là quãng thời gian mà ban tổ chức lễ hội này… đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017 - cho biết mùa lễ hội chùa Hương năm nay dự kiến đón khoảng 1,3-1,5 triệu khách. Theo ông Hậu, lễ hội có thành công hay không, cần sự hợp tác tích cực từ người dân, du khách; từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự nơi công cộng đến chấp hành các quy định như không đốt vàng mã trong di tích, không tàn phá cảnh quan…
Mất an ninh trật tự và sự tôn nghiêm
Cùng ngày, nhiều địa phương cũng đã khai hội đầu Xuân. Tại làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ sáng sớm, đông đảo người dân và du khách đã tề tựu về dự lễ hội vật đầu Xuân. Sau phần nghi lễ tại đình làng, hội vật làng Thủ Lễ chính thức bắt đầu với các cuộc tranh tài của gần 40 đô vật. Hội vật làng Thủ Lễ ra đời từ thời các chúa Nguyễn nhằm khuếch trương tinh thần thượng võ, tuyển chọn người tài, khỏe mạnh bảo vệ đất nước.
Cũng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, lễ hạ nêu và xin “lộc” đầu năm đã diễn ra tại Thế Miếu - Hoàng cung Huế, thu hút đông đảo người dân, khách thập phương đến tham quan, hái lộc.
Tại tỉnh Bắc Giang, hàng ngàn người dân, du khách đã đến dự lễ hội kỷ niệm 590 năm chiến thắng Xương Giang và khánh thành đền Xương Giang (Khu Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, TP Bắc Giang). Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian thu hút đông đảo mọi người tham gia.
Đáng chú ý là lễ hội họp phiên chợ Chuộng ven sông Hoàng (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn và xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Chợ Chuộng chỉ mở phiên duy nhất vào một ngày trong năm là mùng 6 Tết. Hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ về đây để chọi cà chua cầu may.
Phiên chợ Chuộng có từ thời nhà Lê. Tương truyền vào mùng 6 tháng giêng, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây. Để tránh bị phát hiện, vị tướng ra lệnh cho quân lính cùng dân làng họp chợ. Quân địch đến tưởng đó chỉ là phiên chợ quê bình thường, không đề phòng, cảnh giác. Lúc vị tướng phát lệnh tấn công, quân địch không kịp trở tay, bị đánh tan tác. Để tưởng nhớ vị tướng có công dẹp giặc, cứ vào mùng 6 Tết, người dân lại nô nức họp chợ.
Nét độc đáo của phiên chợ Chuộng là không phân biệt già trẻ, gái trai, hễ ai đến chợ là cùng rượt đuổi nhau, chọi nhau bằng cà chua nhằm xua đi xui xẻo của năm cũ và mong đón một năm mới bình an, thuận lợi. Những năm trước, thanh niên các làng do có mâu thuẫn từ trước đã lợi dụng phiên chợ độc đáo này để đánh nhau. Trong 2 phiên chợ gần đây, hình ảnh xấu xí này đã được ngăn chặn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhờ chấn chỉnh, siết chặt quản lý nên trong ngày khai hội đầu tiên, tình trạng đánh nhau tại các lễ hội không diễn ra. Tuy nhiên, bên cạnh ý thức của một số người dân, du khách còn kém như đã nêu, do bố trí trong không gian hẹp và trước lượng người trẩy hội đông, tình trạng chen lấn, hỗn loạn cướp lộc vẫn tái diễn, có nguy cơ cao gây mất an ninh trật tự, sự tôn nghiêm của lễ hội.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cho rằng đình, chùa là chốn linh thiêng nên việc tranh giành, “cướp” lộc như vậy mất đi ý nghĩa. “Tôi thật sự thấy sợ về cách hành xử của người tham gia lễ hội như vậy” - TS Vịnh bày tỏ.
Cấm cán bộ, công chức bỏ việc đi lễ hội
Ngày 2-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2017.
Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành... đề cao trách nhiệm, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân.
“Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an phối hợp với các địa phương và những lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn kỹ thuật các phương tiện, bảo đảm trật tự an toàn giao thông sau Tết và mùa lễ hội; không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến trọng điểm, các TP lớn… Th.Dũng
Không để xảy ra “chặt chém”
Ngày 2-2, chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã khai hội Xuân Đinh Dậu 2017. Đến dự lễ hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao công tác tổ chức, bảo đảm an ninh trật tự nhằm phục vụ tăng ni, phật tử, du khách thập phương.
Lễ hội năm nay, nhà chùa lắp đặt hệ thống loa phát thanh trong khuôn viên chùa để hướng dẫn du khách đi đúng luồng tuyến, tuyên truyền để du khách đi chùa văn minh, lịch sự. Ngoài ra, nhà chùa cũng bố trí lực lượng tình nguyện viên tham gia hướng dẫn du khách. Để tránh tình trạng “chặt chém” có thể xảy ra, ban tổ chức đã lắp đặt các bảng thông báo nội quy, giá cả từng loại dịch vụ nhằm thuận lợi cho khách đến tham quan, lễ Phật, du Xuân. T.Minh
NHÓM PHÓNG VIÊN
Đăng nhận xét