Ngày 1-2, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) cho biết dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do công ty này làm chủ đầu tư có thể về đích trước 1 năm so với hợp đồng ký kết với UBND TP HCM.
Công trường không ngủ
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group, hiện đơn vị này đang biến các vị trí xây dựng công trình thành những “công trường không ngủ”.
Công trường cống ngăn triều Mương Chuối nhộn nhịp trong những ngày Tết
Thật vậy, những ngày đầu năm mới, có mặt tại khu vực thực hiện dự án, chúng tôi choáng ngợp trước quy mô đồ sộ của các cống ngăn triều cũng như không khí lao động náo nhiệt trên công trường. Theo chủ đầu tư, vào đợt cao điểm, có khoảng 1.500 công nhân làm việc trên các công trình để bảo đảm tiến độ. Các công nhân được chia thành 3 ca để làm việc và mọi sinh hoạt như ăn uống, ngủ nghỉ được chủ đầu tư sắp xếp ngay các lán trại gần công trường.
Trong dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017, rất nhiều công nhân ở lại làm việc trên công trường các cống ngăn triều để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đáp lại, chủ đầu tư cũng có nhiều đãi ngộ để người lao động vẫn cảm nhận được hương vị Tết trên công trường. Chủ đầu tư cho rằng năng suất làm việc những ngày Tết chỉ bằng 50% ngày thường nhưng chi phí lại cao hơn song vẫn quyết thi công trong ngày Tết là để giữ “nhiệt” trên công trường; máy móc và nhân lực làm việc xuyên suốt để không bị ì sau Tết.
“Nhiều công nhân sau khi nghỉ Tết không vào đúng ngày làm việc mà thường xin nghỉ thêm ít ngày để vui chơi nên tiến độ bị chậm lại. Do đó, thi công xuyên Tết giúp cho không khí làm việc trên công trường luôn được sôi nổi, đúng tiến độ đề ra” - đại diện Trung Nam Group chia sẻ.
Anh Nguyễn Anh Hào, quê tỉnh Vĩnh Phúc, thổ lộ anh làm ở công trường cống ngăn triều Mương Chuối đã được hơn 4 tháng. Tết này, anh ở lại làm việc; ngoài mức lương tăng thêm theo quy định của pháp luật thì công ty cũng thưởng thêm 1 triệu đồng/ngày làm việc. Bên cạnh đó, mỗi công nhân được công ty hỗ trợ một chiều vé tàu xe để đón 1 người thân trong gia đình vào thăm. Người thân được sắp xếp ở các nhà nghỉ, khách sạn gần công trường để công nhân ra gặp gỡ trong dịp Tết đến Xuân về.
Cam kết mạnh mẽ
Theo chủ đầu tư, các cống ngăn triều đang thi công đồng loạt và đến nay đã đạt 25%. Đại diện chủ đầu tư tự tin với tiến độ được bảo đảm như hiện nay thì công trình có thể về đích trước 1 năm so với hợp đồng ký kết với UBND TP HCM. Cụ thể, hợp đồng ký kết theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư 9.926 tỉ đồng, thời gian thi công 36 tháng. Dự án khởi công cuối tháng 6-2016. Như vậy, với tiến độ hiện tại, dự án có thể hoàn thành vào tháng 6-2018 (tức sau 24 tháng thi công).
Ai và bao nhiêu người hưởng lợi từ dự án? Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết khi hoàn thành, dự án sẽ kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Để hiện thực hóa mục tiêu giải quyết ngập do triều cho 6,5 triệu dân, dự án đang xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định cùng với hơn 7,8 km đê, kè xung yếu và 25 cống nhỏ dọc bờ bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh; xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống SCADA. Địa điểm xây dựng các hạng mục công trình thuộc các quận 1, 4, 7, 8 và 2 huyện Nhà Bè, Bình Chánh; diện tích sử dụng đất để thực hiện dự án khoảng 100,8 ha.
Liên quan đến dự án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đề nghị chính quyền TP HCM, nhà đầu tư, đơn vị thi công cần quan tâm quản lý hồ điều hòa, chống sụt lún, bảo đảm an toàn dự án, an toàn lao động, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, cần có khu tái định cư, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân bị ảnh hưởng của dự án. Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo TP quan tâm đến việc chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát khi triển khai dự án bởi “đây là dự án tái cấp vốn, cũng là tiền của nhân dân”.
Đến nay, những đề nghị của Thủ tướng đã được chủ đầu tư hiện thực hóa bằng tiến độ công trình. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng cam kết TP luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để dự án triển khai thuận lợi.
Sắp khởi công 2 đường cao tốc
Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, cho biết trong năm 2017, hai dự án lớn là đường cao tốc nối Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Bình Thuận) sẽ được thực hiện.
Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện. Toàn tuyến này được chia thành 3 đoạn. Sau đoạn nối Liên Khương - Đà Lạt đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay, hiện còn các đoạn từ huyện Tân Phú, ranh giới Đồng Nai, Lâm Đồng về Liên Khương và Dầu Giây - Tân Phú (kéo dài hết địa phận tỉnh Đồng Nai) sắp sửa được thực hiện. Trong đó, phân đoạn Dầu Giây - Tân Phú sẽ được thực hiện trước, hiện đã bắt đầu khởi động.
Trong khi đó, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng chiều dài hơn 100 km trải dài qua nhiều huyện phía Bắc tỉnh Đồng Nai và 2 huyện lớn phía Nam tỉnh Bình Thuận. Dự kiến, trong quý I/2017, phân đoạn dự án này từ ngã tư Dầu Giây đến huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) sẽ được khởi động trước. Phân đoạn dự án này có tổng vốn hơn 6.000 tỉ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2019. Đoạn còn lại dài hơn 60 km từ Xuân Lộc đến TP Phan Thiết sẽ được thực hiện tiếp ngay sau khi phân đoạn 1 được khởi động.
Như vậy, với tiến độ dự kiến, chỉ trong vài năm tới, các hệ thống cao tốc hiện đại từ miền Tây, TP HCM, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc cũng như Tây Nguyên sẽ được nối liền với nhau tại “điểm kết nối” Dầu Giây, hệ thống cao tốc phía Nam và các đường xương cá sẽ dần hoàn thiện.
X.Hoàng
Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG
Đăng nhận xét