Nhà máy nhiệt điện đốt than được xây dựng cách thủ đô Dhaka khoảng 265 km về phía Đông Nam và dự kiến bắt đầu phát điện vào cuối năm 2019. Cuộc biểu tình có nguy cơ trì hoãn dự án được xem là biểu tượng của mối quan hệ ấm lên giữa hai nước.
Ông Nurul Mostafa, lãnh đạo của các nhóm vận động di dời nhà máy, cho hay những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu hôm 1-2 khi người ủng hộ dự án tấn công họ. Hơn một chục người bị thương trong cuộc đụng độ.
Cuộc biểu tình phản đối tương tự đã diễn ra hồi năm ngoái khiến 4 người thiệt mạng và làm tạm ngưng hoạt động thi công.
Dự án nhà máy điện bị người dân địa phương phản đối. Ảnh: Reuters
Cảnh sát cho biết các lực lượng an ninh hôm 2-2 đang bảo vệ khu vực này nhằm đảm bảo hoạt động xây dựng. Người dân địa phương lo sợ công trình sẽ dẫn đến nhiều vụ giải tỏa mặt bằng, di dời nghĩa trang và hủy hoại môi trường.
Ông Alamgir Hussain, một quan chức ở sở cảnh sát Banshkhali gần khu vực nhà máy, cho biết: “Tình hình bất ổn và cảnh sát đang tuần tra”.
Một quan chức cấp cao của Tập đoàn S Alam Group, đơn vị đã ký hợp đồng với Tập đoàn SEPCOIII (Trung Quốc) để xây dựng nhà máy 1.320 MW nói trên, cho biết những cuộc biểu tình như thế có nguy cơ trì hoãn dự án và cản trở những nỗ lực kêu gọi đầu tư.
Quan chức này hy vọng vấn đề sẽ sớm được giải quyết để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ. Ông này nói thêm các ngân hàng Trung Quốc dự kiến hỗ trợ 70% vốn đầu tư dự án.
Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ký 27 thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD với các quốc gia Nam Á nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ trong khu vực. Bắc Kinh cũng đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Sri Lanka.
Xuân Mai (Theo Reuters)
Đăng nhận xét