Chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ GTVT
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD).
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án có 2 nội dung trọng tâm cần được tập trung thực hiện là lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 và lập phương án, thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Sau khi chọn phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách, chủ đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho toàn bộ dự án với diện tích hơn 5.600 ha với dự toán khoảng 23.000 tỷ đồng (trong đó đã bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hai khu tái định cư và khu nghĩa trang là 5.080 tỷ đồng, chi phí dự phòng là gần 2.100 tỷ đồng).
Chính phủ đã trình Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần để thực hiện trước. Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội là một cơ chế đặc thù của dự án và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến tán thành với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước bảo đảm tiến độ của dự án.
Vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thực hiện và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế phân tích: Nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án, sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với ghị quyết của Quốc hội đề ra khoảng 2-3 năm.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho hay: Vẫn còn một số ý kiến băn khoăn việc triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng sẽ gây ra những hệ lụy nếu trường hợp Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Rút kinh nghiệm từ những dự án quan trọng quốc gia đã được thực hiện, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để có thể tham gia vào việc phục vụ trong quá trình khai thác cảng hàng không Long Thành.
Về hình thức quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, mặc dù là dự án thành phần, tuy nhiên, đây là nội dung rất quan trọng, liên quan đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, tổng mức đầu tư lớn nên cần thiết phải có các quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để thực hiện đồng bộ, thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện cũng như theo dõi, giám sát.
Do vậy, với tính chất quan trọng của nội dung này, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng và tiếp tục giao Chính phủ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tới./.
Đăng nhận xét