Đó là tiết lộ gây sốc của nhật báo ABC (Tây Ban Nha) hôm 26-6, nêu rõ Quỹ từ thiện Lionel Messi không công khai minh bạch số tiền do các nhà hảo tâm đóng góp cũng như không thể giải trình bất cứ khoản chi nào cho các dự án xã hội của quỹ này. Theo ABC, rất nhiều khoản thu của Quỹ từ thiện Lionel Messi trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2015 không xuất hiện trên sổ sách và tất nhiên, số tiền hàng chục triệu bảng này cũng không được thông báo với các giới chức có thẩm quyền tại Tây Ban Nha hoặc Argentina.
Không chỉ trốn thuế, Messi còn bị cho là dùng quỹ từ thiện để che giấu việc kinh doanh
Những thông tin trên khiến người ta hiểu ABC đang ám chỉ việc Quỹ từ thiện Lionel Messi được sử dụng như một bức bình phong để che giấu công việc kinh doanh của gia đình cầu thủ này. ABC còn chỉ ra rằng, Quỹ từ thiện Lionel Messi được thành lập từ năm 2007 tại Barcelona nhưng không đăng ký hoạt động với chính quyền thành phố, tiêu chí bắt buộc đối với mọi tổ chức phi chính phủ (NGO). Mãi đến năm 2013, quỹ này mới được đăng ký thành lập sau 6 năm hoạt động "chui".
Cha con Messi đối mặt với các cáo buộc chết người của báo chí Madrid
Văn phòng đại diện quỹ ở Argentina được thành lập vào năm 2009 tại Rosario, thành phố quê hương của Messi. Hợp đồng về các khoản đóng góp được ký kết tại đây, tất nhiên, cũng không được thông báo đầy đủ với chính quyền sở tại. Từ thông tin do ABC cung cấp, cơ quan thuế vụ Argentina đã xóa tên, cấm hoạt động đối với văn phòng đại diện Quỹ từ thiện Lionel Messi với lý do tổ chức này không cung cấp số liệu các khoản thu trong 3 năm liên tiếp.
Messi và Ronaldo nổi danh trên sân cỏ và cả việc trốn thuế
Những diễn biến mới nhất này khiến tình hình tài chính của Messi thêm phần ảm đạm sau khi cầu thủ này không được xét giảm án tù (treo) 21 tháng do trốn khoản thuế 3,5 triệu bảng giai đoạn từ 2007 đến 2009 tại phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án tối cao Tây Ban Nha hồi tháng 5 vừa qua.
Năm vận hạn của Messi vẫn chưa qua
Dù vậy, trong một động thái khác, cuối tuần trước, các công tố viên Tây Ban Nha đã đồng ý để Messi nộp khoản tiền 220.000 bảng (6,3 tỉ VNĐ) thay cho việc phải chấp hành phần còn lại của án tù 21 tháng kể từ tháng 7-2016. Cha anh, ông Jorge Messi, cũng đồng ý nộp 158.000 bảng (gần 4,5 tỉ VNĐ) để không phải chấp hành nốt án tù treo chỉ còn khoảng 4 tháng.
Cách đây 2 tháng, từ đóng góp của Quỹ từ thiện Lionel Messi, 20 trường học ở Syria đã được xây dựng nhằm giúp khoảng 1.600 trẻ em nước này có thể trở lại trường học sau cuộc nội chiến. Trước đó, chính báo chí Tây Ban Nha đưa tin Messi trở thành Đại sứ của UNICEF hồi năm 2010, vị trí cho phép anh tham gia vào các công việc thiện nguyện. Tháng 7-2010, Messi đến Haiti sau cơn động đất khủng khiếp tàn phá đảo quốc này và hỗ trợ nhiều cho người dân nơi đây. Năm 2013, anh đến Bangkok gặp gỡ và chơi bóng với các trẻ em khuyết tật. Năm 2015, Messi ủng hộ 315.000 bảng cho quỹ giúp đỡ trẻ em của UNICEF.
Messi thăm trẻ em khuyết tật ở Bangkok
Năm ngoái, hành động nhân văn nhất Messi từng làm là tặng cậu bé 6 tuổi Murtaza Ahmadi người Afghanistan chiếc áo đấu có chữ ký của mình. Hình ảnh cậu bé dùng một chiếc túi màu xanh, vẽ giống áo đấu của tuyển Argentina, tất nhiên có tên và số áo của Messi, khiến cư dân mạng cả thế giới xôn xao trước đó.
Murtaza Ahmadi và chiếc áo đấu có chữ ký Messi
Đ.Linh (theo AS, Marca)
Đăng nhận xét