Trước ngày Gia đình Việt Nam, bạn đọc yêu sách được đọc tự truyện "Chuyện nhà Dr. Thanh" do con gái lớn của ông Trần Quí Thanh (Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) - Trần Uyên Phương viết (NXB Phụ nữ ấn hành).
Bìa cuốn sách "Chuyện nhà Dr. Thanh"
Sẽ có ý kiến cho rằng đây là cuốn sách viết ra để nhằm PR (quảng bá) cho gia đình Dr. Thanh nhưng nếu chúng ta đọc nó trong tâm thế không định kiến thì cuốn sách không chỉ cung cấp thông tin về một gia tộc nổi tiếng có những thăng trầm, vươn lên trong khó nhọc, như nhận định của nhà văn quân đội Phạm Xuân Trường: "Cuộc đời của mỗi người như là những thước phim quay chậm, những cảm xúc sâu thẳm mặn chát mồ hôi, máu và nước mắt được diễn tả qua những trang viết chất chứa bao điều bí mật ở bên trong. Dù anh là doanh nhân, nghệ sĩ hay anh hùng, tướng lĩnh, tất cả những thành công đều phải trả giá nhất định" mà còn là những đúc kết có giá trị mang tính phổ quát và khả năng truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Quan điểm của tác giả khi thực hiện cuốn sách này cũng muốn được chia sẻ. "Tôi không có ý định thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người về bản thân và gia đình mình mà chỉ muốn chia sẻ những câu chuyện có thật trong một gia tộc doanh nhân đầy sóng gió, để nói lên giá trị nền tảng gia đình với bất cứ ai, dù bạn đang đi trên con đường nào của cuộc sống" (trích lời nói đầu).
Đúng như Uyên Phương viết: "Mỗi chúng ta có chọn được cha mẹ cho mình không? Và các bậc cha mẹ có được quyền chọn con cái cho mình hay không? Đó là quyền năng vượt ngoài ý muốn của chúng ta. Ngay cả khi bị sốc nặng đến mấy, tâm hồn tổn thương đến mấy, tôi vẫn đinh ninh cha mẹ là cha mẹ mà không phải bất cứ con người nào khác, trong số hàng tỉ con người trên trái đất. Cũng vậy, ba má tôi dù có giận ba chị em tôi đến mấy, họ cũng không bao giờ từ chối con cái của mình". Điều đó phải trở thành niềm tin như chất keo vi diệu gắn kết các thành viên gia đình. "Tôi giữ niềm tin ấy suốt cuộc đời, ngay cả những khi buồn tủi nhất"- Uyên Phương viết.
Tác giả Trần Uyên Phương bên những cuốn sách của mình - Ảnh: April
Nếu không trải nghiệm cuộc sống với đủ loại biến cố, thăng trầm đối với người thân, gia đình mình, Trần Uyên Phương khó có những tâm sự mang tính đúc kết đậm triết lý như vậy: "Ngẫm lại trong cuộc sống có rất nhiều giá trị mà chúng ta xem là đương nhiên, vì đó là thứ sẵn có, mỗi khi chúng ta cần là có, chúng ta không cần quan tâm nó đã đến với chúng ta như thế nào và từ khi nào. Giá trị tự nhiên cũng đến tự nhiên như khí trời vậy, tràn ngập ở khắp nơi và thừa thãi đủ dành cho tất cả. Chỉ khi nó mất đi, chúng ta mới biết được nó quan trọng ra sao. Và nếu không có nó, cuộc sống của chúng ta đâu còn trọn vẹn?! Gia đình, người thân và cha mẹ cũng là một giá trị tự nhiên như vậy. Sinh ra ai cũng có mẹ có cha, có người thân nhưng chỉ khi nào người thân của chúng ta cận kề ranh giới sinh tử, khi đó chúng ta sẽ hiểu giá trị mà họ mang tới cho mình lớn đến chừng nào".
Vợ chồng ông Trần Quí Thanh và 2 con gái
Nhận thức của con người là quá trình sống, để nhận thức đúng về ba mẹ và gia đình đôi khi cũng không phải dễ dàng và nhanh chóng. Tác giả cũng vậy. Viết được những câu chữ rút ra từ gan ruột nói về cha mẹ mình cũng là một quá trình nhận thức không dễ dàng: "Đi qua sóng gió, có những lúc khó khăn nhất, tưởng chừng như rất khó gượng dậy, con học được ở ba nghị lực sống mạnh mẽ, sự chấp nhận nhìn ra sai lầm, thái độ không oán trách, không đổ lỗi. Ba hứng chịu tất cả với thái độ bình tĩnh và che chở, nhưng chính vì từng trải và dự cảm cho một tương lai rất dài, ba đã rất cứng nhắc, luôn tỉnh táo và vô cùng quyết liệt".
Như nhà văn quân đội Phạm Xuân Trường nói: "Gia đình luôn là cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng mỗi người trưởng thành trong cuộc sống. Cha mẹ là mạch nguồn có ảnh hưởng đến nhân cách của mỗi người trưởng thành". Và tác giả cũng nhận ra rằng mình đã tồn tại và phát triển trong sự bảo bọc và quan tâm được xem như là đương nhiên. "Con liên tục với sự sống mạnh mẽ và lòng tin của bản thân, vì trong con là nền tảng vững chắc mà ba má đã truyền cho con, khó có thể biểu đạt hết tình yêu mà ba má đã dành cho chúng con. Đó là sự nỗ lực miệt mài, sự kiên nhẫn vô cùng, luôn sẵn sàng bằng mọi cách để bảo bọc che chở cho chúng con phát triển nhưng không cho phép chúng con gục ngã, lùi bước. Nhờ đó con đã là con của ngày hôm nay, bước đi tự tin với một giá trị và hiên ngang với sứ mệnh, tầm nhìn rõ ràng. Ba má đã soi đường cho chúng con bước tới. Để mai sau, cuối con đường, con cũng tự hào là một người Việt Nam sống có ích" - Uyên Phương viết.
Ông Trần Quí Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương
Cũng thật hiếm hoi khi một cô gái trẻ như tác giả trong nhận thức của mình đã chiêm nghiệm ra những giá trị tâm thức trong dòng chảy gia đình, điều chỉ thường được đề cập ở những người từ tuổi trung niên: "Có lẽ ngoài công ơn các đấng sinh thành, điều lớn nhất mà con người ta nhận được là hai chữ "Phúc" và "Đức" do tiền nhân để lại. Đó là những giá trị tâm thức tiềm ẩn luôn ở bên ta trong tiến trình tự tu dưỡng bản thân, hình thành nhân cách sống. Ông bà tôi cả đời sống có đức, cả đời lo cho người khác. Họ đã đi qua thế giới này một cách vô cùng thanh thản. Ba má tôi cũng vậy, luôn sống hết mình cho tất cả chứ không một giây phút nào họ chỉ nghĩ đến cá nhân".
Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách được đông đảo bạn đọc đón nhận như đang thấy, tính đến nay đã có hơn 60.000 bản đã bán được. Chắc chắn bạn đọc đến với cuốn sách không chỉ vì tò mò chuyện nhà Dr. Thanh mà vì những giá trị nhân văn về tình thâm của gia đình được chuyển tải và truyền cảm hứng trong đó.
Đăng nhận xét