Cố gắng nghe nhạc cổ điển khi mang thai dù chẳng hề thích; mua đủ loại sữa, thực phẩm chức năng; chất đống các trò chơi "tốt cho IQ"…, chị N.T.M.X (37 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã đầu tư "tận răng" như thế với hy vọng mai này lớn lên, con sẽ là đứa bé xuất chúng.
Tám loại trí thông minh
"Nỗi ám ảnh IQ" của chị M.X lên tới đỉnh điểm khi con trai vào lớp 1 và không bộc lộ diện mạo "thần đồng" như chị mong mỏi. Cháu có ưu điểm là vẽ rất đẹp còn sức học thì chỉ thuộc loại trung bình khá. Thế là cậu bé bị mẹ đem đi thử IQ khắp nơi. Đa số kết quả cho thấy chỉ số IQ của cháu vào loại trung bình nhưng cũng có bài test cho kết quả cao hơn. Thế là người mẹ khấp khởi mừng và tìm cách giúp con thông minh hơn bằng đủ loại khóa học, để rồi cuối cùng phải nhờ đến chuyên gia tâm lý vì cậu bé bị stress, sợ đi học.
Hãy khuyến khích trẻ phát triển dạng trí thông minh ưu thế bằng các hoạt động, trò chơi phù hợp Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chị T.M.A (35 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) còn đau khổ hơn khi cậu con trai gần vào lớp 2 không hề hứng thú với toán học, âm nhạc, đống đồ chơi lego hay đồ chơi xếp gỗ luyện trí thông minh… Trái lại, cậu vô cùng say mê các quyển truyện cổ tích, ngụ ngôn mà bố mua cho, thậm chí có thể nhớ rất nhanh và ngồi kể lại vanh vách cho bạn bè. Rồi một ngày, cậu em trai 27 tuổi của chị đến nhà thăm sau chuyến tu nghiệp ở nước ngoài có nhận xét "bé giống em ngày xưa!", chị mới giật mình. Em trai chị lúc nhỏ cũng mê sách, dở toán, giỏi văn, bị bố mẹ than phiền là "không thông minh". Nhưng rồi cậu đã đậu đại học ở vị trí á khoa một trường thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và hiện có những thành công nhất định trong lĩnh vực truyền thông.
Vừa qua, tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Khó khăn trong học tập" do Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) tổ chức, ThS Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa Tâm lý của BV, đã phân tích về trí thông minh: Theo thuyết "đa trí tuệ" được sử dụng rộng rãi hiện tại, con người có đến 8 loại trí thông minh: thông minh ngôn ngữ, thông minh logic - toán học, thông minh không gian - hình học, thông minh âm nhạc - nhịp điệu - tiết tấu, thông minh vận động cơ thể, thông minh tương tác xã hội, thông minh nhận thức bản thân, thông minh về thế giới tự nhiên.
Như vậy, một đứa trẻ thông minh không đồng nghĩa với học toán giỏi, điểm các bài kiểm tra trí tuệ thật cao như nhiều người nghĩ. Ví dụ có những cầu thủ bóng đá nổi tiếng, thời còn đi học họ học không giỏi nhưng lại rất thành công trong sự nghiệp vì có trí thông minh vận động cơ thể vượt trội. ThS Diệu Anh cũng trích một câu nói của Albert Einstein: "Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch".
Học không giỏi, làm sao?
Theo ThS Nguyễn Thị Diệu Anh, cha mẹ thường kỳ vọng nhiều ở con cái trong việc học hành, tuy nhiên, nếu con bạn không học giỏi như bạn mong đợi, không có IQ cao thì cha mẹ nên là người bạn của con, tin tưởng con, tìm điểm mạnh của con để giúp con phát huy. Tuyệt đối đừng so sánh con với trẻ khác bởi so sánh hơn chỉ tạo ra sự kiêu ngạo, còn so sánh kém tạo sự tự ti. Cũng đừng áp đặt ước mơ của mình vào con mà hãy giúp con tự lựa chọn để hình thành tính độc lập, tự chủ và lòng tự trọng.
Ở một góc nhìn khác, ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, lưu ý ngoài những đứa trẻ bị cho là "học không giỏi" chỉ đơn giản vì yêu cầu của cha mẹ quá cao còn có những đứa trẻ thực sự gặp khó khăn trong học tập, cần điều trị hoặc trợ giúp đặc biệt. Theo thống kê tại Mỹ, có đến 10% trẻ em nhận được sự hỗ trợ đặc biệt vì gặp khó khăn khi đi học. Tại BV Nhi Đồng 1, vào các tháng cao điểm (lúc bắt đầu năm học hoặc trong học kỳ đầu tiên), có khá nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến để xin giấy chứng nhận có những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng học tập, chiếm 24%-27% lượng bệnh nhi đến khám tại Khoa Tâm lý trong các tháng 8-11.
Trẻ "học khó" có thể do nhiều nguyên nhân liên quan đến bệnh lý, như rối loạn về tâm lý - tâm thần kinh, rối loạn các kỹ năng học tập, mệt mỏi vì các bệnh lý mạn tính, cận thị; cũng có các nguyên nhân liên quan đến môi trường, như mối quan hệ ở gia đình, trường học.
Hãy phát huy điểm mạnh của trẻ
Theo các chuyên gia, thay vì cứ mải miết chạy theo điểm IQ hay những trò chơi logic - toán học, cha mẹ hãy tìm điểm mạnh của con để phát huy. Đó mới là chìa khóa giúp cho bé có cơ hội phát triển thế mạnh, thành đạt sau này. Ví dụ, nếu trẻ có thế mạnh về vận động cơ thể, hãy để bé chơi thể thao. Nếu bé vượt trội về trí thông minh nhận thức bản thân - vốn thuận lợi để tham gia các ngành nghề thuộc lĩnh vực tâm lý, nhân chủng học… sau này - hãy khuyến khích bé ghi nhật ký và tạo không gian riêng cho bé. Nếu thế mạnh của bé thuộc về ngôn ngữ, hãy tạo điều kiện cho bé đọc và viết, cùng đọc sách và trò chuyện với con…
ANH THƯ
Đăng nhận xét