Chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 diễn ra sáng 27-6 với chủ đề "Phát huy nội lực, phát triển bền vững", ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP/người là 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình thấp.
Ăn ít, mặc sang
Theo ông Bình, mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 6,4% từ năm 2000 đến nay và tỉ lệ đói nghèo đã giảm mạnh song cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm không có sự thay đổi rõ rệt. Trong đó, xuất khẩu chủ lực nằm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp (DN) nội chỉ đóng góp trong lĩnh vực dệt may, nông sản; một phần tăng trưởng từ nguồn lực bên ngoài chứ không phải nội lực. Bởi thế, cần đánh giá lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh cấp bách là thời kỳ dân số vàng chỉ còn ngắn ngủi trong 10 năm nữa.
Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017. Trong ảnh: Một góc cảng Cát Lái, quận 2, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa nhận nguyên nhân khiến GDP quý I/2017 đạt thấp (5,1%) do công nghiệp chế tạo chưa bù đắp được sự sụt giảm sâu của công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,7% là hợp lý, có thể đạt được. Trong đó, các giải pháp được đề cập là tăng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô, 2 triệu tấn than, xuất khẩu khoáng sản tồn kho, đặt mục tiêu cao hơn cho phát triển nông nghiệp.
PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, cũng cho rằng đây là mục tiêu hoàn toàn "chính đáng", cũng giống như chúng ta có nhu cầu "ăn ít nhưng mặc sang". Nếu không đạt được mục tiêu này thì một số cân đối vĩ mô khác có thể bị phá vỡ, kéo theo kinh tế ngày càng tụt hậu xa so với khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy tăng trưởng hiện hữu và ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng.
Song, theo ông Sơn, các giải pháp ngắn hạn như trên có rất nhiều rủi ro đi kèm. Chẳng hạn, việc khai thác thêm dầu, than... tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ cho DN khi giá các mặt hàng này biến động bất lợi; nó cũng thể hiện tăng trưởng vẫn phụ thuộc xuất khẩu tài nguyên, giá trị gia tăng thấp. Hay như giải pháp đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn với nông nghiệp liệu có dẫn tới tình cảnh hàng loạt mặt hàng cần giải cứu như vừa qua? Chưa kể các yếu tố giá trên thị trường thế giới, tài chính quốc tế... biến động rất khó lường. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh đầu tư công nếu không đi kèm giám sát chất lượng thì tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào vốn và phát sinh các vấn đề liên quan đến nợ công, chèn lấn đầu tư của khối tư nhân.
Đâu là giải pháp căn cơ?
Đánh giá chỉ số niềm tin của người tiêu dùng luôn trên 100 điểm cho thấy niềm tin vào nền kinh tế, sức mua cải thiện song TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Chương trình Kinh tế Fulbright, vẫn cho rằng dự báo mức tăng trưởng GDP lạc quan nhất cũng chỉ đạt 6,4%. "Rào cản thể chế chưa khắc phục được và sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng trung - dài hạn. Thông điệp Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính... trong ngắn hạn đã cải thiện nhưng trong trung hạn phải đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công" - ông Thành gợi ý.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tư vấn để có dư địa tăng trưởng, phải cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước bởi khối tài sản của DN khu vực này khoảng 300 tỉ USD, nếu tăng được 1 điểm phần trăm thì có 3 tỉ USD, bằng 1,5 điểm phần trăm GDP. Còn với khu vực kinh tế tư nhân với tổng tài sản hiện nay khoảng 200 tỉ USD, tương ứng có thể thu được 2 tỉ USD nếu tăng được 1 điểm phần trăm. Ngoài ra, cần tạo thuận lợi thúc đẩy giải ngân FDI đã cam kết hiện còn 180 tỉ USD và 15 tỉ USD ODA đã ký nhưng chưa giải ngân. Giảm chi phí cho DN cũng tạo dư địa rất lớn bởi theo tính toán, chi phí logistics chiếm gần 21% GDP, nếu giảm được 1 điểm phần trăm thì có 4 tỉ USD.
Ông Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh cần tập trung vào tăng trưởng 2 vùng kinh tế động lực là Hà Nội và TP HCM. Chỉ riêng 2 "đầu tàu" này chiếm 50% GDP cả nước, 70% FDI và hơn 2/3 tổng thu ngân sách cả nước... "Nếu chỉ tăng trưởng 1 điểm phần trăm cho khu vực tứ giác TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Vũng Tàu thì kinh tế Việt Nam đã tăng được khoảng 0,4 điểm phần trăm. Tập trung hạ tầng cho TP HCM theo hướng tăng kết nối cho khu vực này; tập trung vào những dự án cấp bách như nâng công suất cảng Cái Mép - Thị Vải lên 70%-80% thay vì chỉ 30%-40% công suất hiện nay. Tập trung đầu tư nâng cấp đường thủy nội địa ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long" - ông Cung gợi ý.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng nếu kích cầu tiêu dùng thêm 1% thì sẽ có thêm 380.000 tỉ đồng, gấp 4 lần so với giải pháp khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Ngoài ra, cần xem dịch vụ, trong đó đặc biệt là du lịch, là một trụ cột cho tăng trưởng bởi nếu khai thác tốt thì có thể thu về thêm 7.000-8.000 tỉ đồng nữa.
"Đóng băng" chi thường xuyên
Viện trưởng CIEM nhấn mạnh cần tăng năng suất lao động để phân bố nguồn lực tốt hơn. Ông kiến nghị ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, cần phải kiên quyết "đóng băng" chi thường xuyên. "Tiềm năng tăng trưởng nằm trong tầm tay của Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng là có thể đạt 8%-9% GDP chứ không phải 6,7% mà hết sức chật vật như hiện nay" - ông nói.
Phương Nhung
Đăng nhận xét