Ở tuổi 41, với 2 đứa con, Nguyễn Thu Thủy không mấy khác so với thời điểm lần đầu đội chiếc vương miện trong cuộc thi nhan sắc cao nhất ở Việt Nam. Có chăng, người tiếp xúc sẽ thấy Thu Thủy ra dáng doanh nhân hơn, với cách trả lời chậm rãi mà với chị, đó là một điều đã đi qua sóng gió chị mới có thể làm được.
Thu Thủy nhận vương miện khi 18 tuổi, còn đang theo học năm thứ nhất Học viện Ngoại Giao. Năm thứ 4 đại học, chị bỏ học, đi theo con đường kinh doanh, lập nên hệ thống spa nổi tiếng là Bellissima Thủy, trước khi dồn sức sang các ngành khác như bất động sản, nhà hàng, thực phẩm…
Thời điểm đạt vương miện Hoa hậu, chị nghĩ danh hiệu này có mang lại cho mình nghề nghiệp cụ thể nào không?
Tất nhiên là không. Nếu tôi nhớ không nhầm, hồi ấy tôi còn không thực sự "nghĩ" gì. Thêm nữa, nghề nghiệp, theo tôi, liên quan đến việc học tập, ít nhất là đối với những người ở độ tuổi mười tám hai mươi. Hồi đó, tôi đang là một sinh viên.
Người ta hay nói về "nghề hoa hậu", nhằm ám chỉ công việc chủ yếu của họ chỉ đi dự sự kiện. Chị nghĩ sao về cách nhìn của mọi người về "nghề hoa hậu"?
Người khác nghĩ về hoa hậu thế nào là chuyện của họ, còn “hoa hậu” thực sự có phải là một nghề không thì chỉ có ai đã từng là hoa hậu rồi thì mới biết được. Tôi chưa bao giờ nghe trực tiếp có ai nói về “nghề hoa hậu” như vậy. Con người, theo tôi, có khả năng tưởng tượng về mọi thứ trên đời. Đó nên được coi là một trong những quyền tối cao, không ai khác có thể ngăn cản được.
Từ một hoa hậu ở tuổi 18, rồi sinh viên Học viện Ngoại giao, điều gì khiến chị quay sang làm kinh doanh khi tuổi đời còn trẻ và từ bỏ những con đường nghề nghiệp khác có thể kiếm tiền dễ dàng hơn?
Tôi sinh ra trong một gia đình toàn người làm nghiên cứu, bố mẹ đều là giáo sư, tiến sĩ. Không khí gia đình là không khí nghiên cứu, không đề cao vật chất. Gia đình tôi rất nghèo, trong cái nghèo chung của cả đất nước. Bản thân tôi không cảm thấy mình thiếu thốn gì, nhưng cảm nhận được sự thiếu thốn từ bố mẹ tôi. Họ hi sinh nhiều cho con cái, hi sinh đến cả đam mê của chính mình.
Tuổi thơ tôi lớn lên trong thời bao cấp, hoạt động giao thương không nhiều, nhưng với chỉ một gánh hàng buôn thúng bán mẹt, mẹ bạn tôi có thể nuôi được cả một gia đình nhiều thế hệ. Tôi quan sát, và rất phục họ, dù khi ấy những người làm nghề “chạy chợ” như vậy không được xã hội coi trọng. Tôi đã tự nhủ mình rồi sẽ làm một điều gì đó tương tự.
Khi bắt đầu việc kinh doanh, tôi đã có một quyết định khiến bố mẹ lo lắng: Bỏ học ở Học viện ngoại giao, đi học kinh doanh để mở cửa hàng riêng. Lúc ấy, tôi đang theo học năm cuối học viện ngoại giao, cả nhà đều trông đợi tôi theo con đường đó. Bố tôi thậm chí rất giận, ông nói mình rất phiền lòng khi tôi bỏ học, bảo tôi dù có làm gì nhưng vẫn nên hoàn thành xong việc học ở trường Ngoại giao. Tôi nói với bố là tôi muốn làm điều gì đó không phải cho bản thân mà cho bố mẹ.
Không chỉ chịu áp lực phản đối từ gia đình, rất nhiều định kiến khi đó bủa vây tôi. Nhiều người nghi ngờ, cho rằng tôi chẳng làm gì được, không học được nên mới xoay sang kinh doanh; nghĩ rằng có người đứng sau bơm tiền cho, chống lưng cho, và làm chỉ để cho vui, giết thời gian thôi; không ai nghĩ tôi có thể chịu được áp lực, nhất là bố mẹ tôi. Lúc ấy tôi còn rất ấu trĩ, tôi chỉ nghĩ sẽ mang lại được nhiều vật chất, điều kiện sống tốt hơn cho bố mẹ, mà không hiểu được lòng cha mẹ.
Đôi khi, cái nhìn của người đời sẽ rất khắt khe với một hoa hậu, họ thường bị gắn với cụm từ “chân dài não ngắn”. Khi làm việc với các đối tác kinh doanh, chị có bao giờ gặp phải những đánh giá tương tự không? Và chị phản ứng như thế nào?
Chắc không ai lại đi nói với người đang là đối tác kinh doanh của mình rằng "Tôi thấy chị chân dài não ngắn", điều đó là không thể.
Tất nhiên, những gì bất kỳ ai nghĩ trong đầu mà không nói ra, thì không một ai khác có thể biết được. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng những điều như vậy, rất dễ hiểu, thuộc về các định kiến, và không bao giờ ta có thể chắc rằng về các hoa hậu thì có nhiều định kiến sẵn có hơn về bất kỳ người hay "kiểu" người nào khác.
Tên tuổi của người lãnh đạo công ty cũng ảnh hưởng tới tên tuổi công ty. Tập trung khởi nghiệp, ít tham gia event, showbiz có khiến tên tuổi chị nguội đi, và khó hỗ trợ việc kinh doanh không?
Không. Nếu đã "tập trung" thì khả năng thành công trong kinh doanh sẽ chỉ cao hơn. Chính những ai không tập trung được, phân tán quá nhiều, nhất là cùng một lúc nghĩ đến quá nhiều vai trò của bản thân mới không nên kinh doanh hay bắt đầu một công việc có liên quan. Tôi luôn rèn cho bản thân từ những ngày đầu tiên chập chững khởi nghiệp, đó là không bao giờ nhầm lẫn vị trí của mình.
Chính vì sự sòng phẳng quá với bản thân đó, không dùng cái này để “hỗ trợ” hay “đánh bóng” cho cái khác, cho nên tôi đã gặp khá nhiều thiệt thòi (theo quan niệm của nhiều người). Thế nhưng với tôi, đổi lại, cái có được là sự bình an nội tâm, sau mỗi cơn sóng gió.
Chị từng kinh doanh nhiều ngành nghề, nhưng nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, kinh doanh bất động sản, phân phối rượu, mỹ phẩm, thực phẩm, spa làm đẹp... Những ngành này có điểm chung gì khiến chị quyết định tham gia?
Khi bạn kinh doanh, thực sự coi đó là một công việc, thường có hai điều xảy ra. Thứ nhất, nhất định bạn sẽ muốn mở rộng việc kinh doanh của mình. Kinh doanh cần tham vọng (có lẽ cần hơn nhiều so với tiền), mà người có tham vọng thì khó tránh khỏi việc muốn mở rộng thêm. Nhiều người không bao giờ dừng lại, họ cứ mở rộng mãi không ngừng thôi.
Thứ hai, bạn là một chủ doanh nghiệp, bạn sẽ chịu tác động từ những gì quan sát thấy trước mặt, vào từng thời điểm, nhất là nếu có tham vọng, bạn sẽ mở rộng việc kinh doanh hướng vào những gì bạn cảm thấy sẽ mang lại nhiều thành công. Những việc đó có thực sự mang lại thành công hay không thì lại là một chuyện khác hẳn.
Thực ra, với tôi, "tiền" và "kinh doanh" chưa chắc đã có mối quan hệ đương nhiên, và đâu phải vì người ta có nhiều tiền nên sẽ không kinh doanh, thậm chí theo tôi để ý, hình như người càng nhiều tiền thì lại càng thích kinh doanh.
Có những người không thể không kinh doanh, dẫu cho họ đã kiếm được nhiều tiền đến đâu. Nhưng lại cũng có những người không thể kinh doanh, mặc dù họ không nhiều tiền.
Kinh doanh có lẽ cũng là một thiên hướng, giống như làm nghệ thuật, trồng cây, làm đầu bếp. Rất nhiều người không "kinh doanh" theo nghĩa thông thường nhưng vẫn kiếm sống rất đầy đủ, thậm chí còn trên mức đầy đủ nhiều. Những điều trên đây, tất nhiên, không dùng để nói lên rằng tôi "chẳng thiếu gì tiền" hay là “tôi đang có rất nhiều tiền”.
Làm bà chủ nhiều năm như vậy chị có thấy mình quá bận rộn không?
Tôi đã từng bận tới mức quên cả chăm sóc bản thân. Khởi nghiệp năm 25 tuổi, tôi thấy cơ hội kinh doanh ở khắp mọi nơi, muốn lao vào làm, có ngày làm 10-12 tiếng, tối đi ngủ vẫn làm việc. Khi ấy, vì kinh doanh dịch vụ, tôi thậm chí còn thấy rất khó chịu khi người khác nghỉ, như đồng nghiệp nghỉ, đối tác nghỉ, nhân viên nghỉ, dù biết rằng họ có quyền được làm thế.
Tôi vẫn còn nhớ lần mình ngồi ở văn phòng đến 23h đêm thì có cô bạn đến đưa thiệp cưới. Cô ấy nhìn thấy tôi mệt mỏi như vậy, liền hỏi tại sao tôi phải làm thế, khi tiền bạc hay danh tiếng đều không đến mức thiếu thốn.
Khi ấy, tôi rất tự ái, chỉ trả lời bạn rằng có những điều tôi làm cô ấy không thể hiểu được. Rõ ràng, lúc ấy tôi không làm việc vì tiền nữa, mà là vì mong muốn được khẳng định mình, vượt qua những định kiến trước đây.
Nhưng đó cũng là chuyện của vài năm trước rồi. Sức người thực ra cũng có hạn thôi. Đến một lúc nào đó, nếu cứ cháy như vậy thì sẽ kiệt sức và bản thân không còn nữa. Đổi lại những ngày làm việc điên cuồng như thế là nhiều thời điểm tôi buông bỏ hết, tắt điện thoại, không đến công ty, giam mình trong nhà.
Sau này tôi hiểu ra rằng mọi thứ, ngay cả sức khỏe, đam mê vẫn phải có thời gian để nuôi dưỡng nó. Ý nghĩa của cuộc sống, với tôi, không phải là ở những thành công to lớn trong vài thời điểm, mà là ở việc tồn tại trong con đường dài, là công việc được lặp đi lặp lại mỗi ngày, đôi lúc rất buồn chán, nhưng nếu vượt qua được sẽ gặt hái thành quả cuối cùng vượt xa cả mong đợi.
Tiền kiếm được trong kinh doanh chị thường tiêu vào thứ gì?
Giống như mong ước ban đầu, phần lớn tiền kiếm được tôi dùng để nâng cao đời sống cho gia đình. Phần nhỏ còn lại phục vụ những sở thích cá nhân, như đọc sách, yoga, đi du lịch.
Kiếm tiền để nâng cao điều kiện sống cho gia đình vừa là động lực, nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ cho chị?
Tôi còn nhớ bài phỏng vấn của Bill Gates khi ông được hỏi hãy làm phép so sánh giữa cơ hội của bản thân và các con mình. Vị tỷ phú khi ấy đã nói: "Tôi thấy chúng thiệt thòi hơn mình, bởi chúng có một người cha tỷ phú".
Tôi cũng nghĩ, cái cây muốn tồn tại dẻo dai phải lớn lên trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Trong kinh doanh cũng vậy, bởi khi làm gì cũng được bao cấp, hỗ trợ đến tận cùng thì sẽ không thấy được giá trị, và cũng "khó khôn".
Là người doanh nhân, cũng là hoa hậu, có nhiều người like và follow trên facebook. Điều đó có bao giờ khiến chị gặp rắc rối?
Mạng xã hội mang lại cho tôi nhiều rắc rối và cũng nhiều cơ hội.
Facebook là thế giới ảo, trên đó ta chẳng biết mình là ai, con người trên mạng xã hội ấy không có gì giống với con người thật của mình. Trên facebook, đôi khi chúng ta cố gắng trở thành một con người khác, xa lạ với những người gần gũi với mình nhất.
Có rất nhiều lý do cho việc này, vì ai trong chúng ta cũng có lúc mệt mỏi, có lúc sai lầm, không thể lúc nào cũng giữ được hình tượng như bản sao trên facebook. Điều đó khiến mỗi cá nhân dù mạnh mẽ cũng sẽ có lúc hoang mang, không biết nên ứng xử, hành xử như thế nào.
Vậy nên, với một số lượng người theo dõi nhiều như vậy, tôi cố gắng giữ mình nhất quán. Nhất quán trong cả cách ứng xử, thậm chí nhất quán trong cả sai lầm, không giữ một tiêu chuẩn kép. Bởi đó là bản sắc của mình.
Nếu tính là một thương hiệu cá nhân, tôi muốn mọi người biết đến mình như một người mẹ, chứ không phải là một doanh nhân, hoa hậu hay hot facebooker gì cả.
Sắc đẹp có hỗ trợ gì trong công việc của chị không?
Tôi nghĩ là có, rất nhiều, và không chỉ là trong "công việc" một cách thuần túy. Tôi nghĩ, một người hay bị xung quanh coi là "người đẹp", việc họ tách được ra khỏi cái nhìn của người khác, đừng để bị tác động nữa, thực sự là chính mình, tự hiểu biết về bản thân, là không dễ. Nhưng nếu ta thực sự làm được, thì điều này trở nên hết sức có ý nghĩa, ý nghĩa ấy nằm trong mọi điều của cuộc sống, không chỉ là công việc.
Người ta nói, đứng càng cao thì càng cô đơn. Chị có bao giờ thấy cô đơn khi trở thành hoa hậu hay là sếp công ty không?
Không phải từng giây phút trong cuộc đời lúc nào tôi cũng nghĩ tôi là hoa hậu đâu. Thậm chí ngược lại thì đúng hơn. Tôi rất hay quên mình là hoa hậu, cho đến khi có một ai đó nhắc với mình, hoặc trong một ám chỉ nào đó có liên quan.
Sếp công ty là một vị trí cao nếu bạn nghĩ là nó cao. Theo tôi, nếu thực sự kinh doanh, thì không nên nghĩ như vậy. Còn cô đơn là điều cần thiết đối với mỗi người, chỉ có cô đơn mới làm cho bạn đủ mạnh mẽ để đối diện với những điều lớn lao.
Khi mới kinh doanh, giống như nhiều người khác, tôi rất sợ thất bại, tôi nghĩ rằng thành công trong kinh doanh là mục tiêu lớn của tôi. Thế rồi không vì thế mà tôi đã không thất bại. Tất nhiên, tôi cũng đã từng rất thành công. Nhưng rồi, sau tất cả những thành bại ấy, tôi mới nhận ra được rằng, được tồn tại trên đời này là điều lớn lao nhất rồi.
Tôi không phải là người quá nổi tiếng và thành công trong kinh doanh, thế nhưng lại rất hay được nhiều người hỏi kinh nghiệm, nhờ tư vấn. Rất nhiều người hỏi tôi làm thế nào để có một sản phẩm hay xây dựng một thương hiệu nào đó thành công trên thị trường.
Câu trả lời của tôi bao giờ cũng là không quan trọng sản phẩm hay thương hiệu đó của bạn mang lại cho bạn bao nhiêu tiền và có giá trị thương mại ra sao, chiếm bao % thị phần hay là được định vị cạnh thương hiệu nổi tiếng nào. Quan trọng nhất là bạn đã sinh ra nó, gắn cho nó những giá trị của riêng bạn và nó đã tồn tại. Đó là điều lớn lao nhất.
Những thứ khác như lợi nhuận, thành công sẽ đến và là tất yếu. Và để có được một quy trình đó, bạn cần phải trải qua rất nhiều trạng thái cô đơn khác nhau.
Chị đọc rất nhiều sách, chị thích loại sách gì? Có cuốn sách nào gây ấn tượng sâu sắc và ảnh hưởng lớn tới chị không?
Đây là câu hỏi mà một người đọc nhiều sách sợ phải trả lời nhất. Nếu coi đọc sách giống như việc hít thở, ăn uống hàng ngày, chắc chắn bạn sẽ khó lòng mà nhớ ra được thời điểm nào bạn hít thở tốt nhất hay ăn ngon nhất. Tất nhiên sẽ có một vài món ăn ngon bạn sẽ nhớ mãi, nhưng đó chỉ là khoảnh khắc thôi, bạn ăn ở đâu, với ai, trong không gian như thế nào chứ không phải bản thân món ăn đó.
Đọc sách cũng vậy, đọc nhiều đến một mức độ nào đó, những ấn tượng, những câu nói hoặc nhân vật nào đó sẽ ở trong bạn, trở thành một phần của thế giới nội tâm của bạn. Và thế giới nội tâm ấy càng phong phú bạn sẽ có đầy đủ nội lực để bước đi trên cuộc đời gian khó này một cách an nhiên và thú vị.
Hạ Minh
7pm
Kiên Trần
Đăng nhận xét