Joe Walker có lẽ là một trong những nhà du hành vũ trụ vĩ đại nhất mà bạn chưa từng nghe tiếng.

Theo hãng tin BBC, vào ngày 22/8/1963, Walker gài dây giữ chặt mình vào buồng lái chiếc phi cơ thử nghiệm có gắn tên lửa X-15, thực hiện chuyến bay cuối cùng của mình. Ông bay vào bầu trời xanh phía trên căn cứ Không quân Edwards ở nam California, chiếc phi cơ hình chiếc kim nhọn của ông được mang bên dưới cánh bên phải của một phi cơ ném bom B-52.

Ở độ cao khoảng 50.000 feet (ft), chiếc X-15 được thả ra từ dưới cánh máy bay, Walker đốt động cơ và bay vọt vào bầu trời. Khi chiếc phi cơ cạn nhiên liệu sau đó hai phút, ông đã di chuyển ở vận tốc 5.600 ft/s, và bầu trời đã chuyển từ xanh sang đen.

Trong hai phút tiếp theo, Walker lên tới độ cao 354.200 ft - tức 67 dặm - phía trên mặt đất và ra khỏi vùng không khí chúng ta hít thở. Ông không còn bay trên chiếc phi cơ nữa, mà đã ở trong một phi thuyền. 11 phút 8 giây sau khi được thả khỏi cánh máy bay, ông trở lại mặt đất, lao đi với tốc độ siêu thanh và đáp xuống lòng hồ cạn một cách hoàn hảo.

Tuy đã vượt qua được mức giới hạn về điểm đi vào vũ trụ - khoảng cách 62 dặm (100 km) trên mặt đất mà quốc tế công nhận - nhưng Walker đã không được chào đón như một anh hùng. Đó chỉ là một ngày như bao ngày khác của công tác bay thử nghiệm, và chiếc máy bay vũ trụ X-15 chỉ có một chỗ ngồi của ông đã vượt qua được mức giới hạn chuẩn.

"Chiếc X-15 vô cùng quan trọng," Michelle Evans - tác giả của máy bay có động cơ tên lửa X-15 - nói. "Nếu không có X-15, chúng ta sẽ không thể có được Tàu Con Thoi, và ý tưởng thả một chiếc máy-bay-vũ-trụ xuống từ cánh của một chiếc máy bay khác đã được biến thành thiết kế tàu không gian của hãng Virgin".

Pháo đài bay B-52 và sứ mệnh tìm đường lên Mặt Trăng - Ảnh 1.

Chiếc X-15 có thể được coi là tiền thân tàu bay vũ trụ của Virgin

Chiếc X-15 cũng đã được dùng để thử nghiệm việc tàu vũ trụ quay trở lại Trái Đất; các tên lửa Saturn 5 vốn đưa người lên Mặt Trăng đã dùng các hệ thống dẫn đường được phát triển trên X-15.

"Nghỉ hưu" vào năm 1968 sau khi đã thực hiện 199 chuyến bay, tổng số có ba chiếc X-15 được sản xuất và có hai chiếc từ đó tới nay được bảo quản trong các bảo tàng.

Một trong số các máy bay B-52 được cải tiến đặc biệt để thực hiện việc 'cắp' theo X-15 dưới cánh hiện được trưng bày tại Edwards, và nay người ta đang nỗ lực phục hồi những chiếc B-52 khác.

"Điều chúng tôi đang làm vào lúc này là cạo bỏ lớp sơn cũ để đánh giá mức độ mục nát của khung máy bay," James Stemm, giám đốc bộ phận sưu tầm và phục chế máy bay của Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Pima tại Tucson, Arizona, nói.

Chúng tôi đứng trên thềm bên ngoài nhà ga phục chế trong lúc chiếc máy bay được phụt nước khiến từng mảng sơn tróc ra, để lộ bộ khung thép bên dưới.

Là chiếc B-52 Stratofortress thứ ba được sản xuất và là chiếc phục vụ lâu đời nhất còn hoạt động, pháo đài bay tầm xa với tám động cơ đã nằm dưới ánh nắng sa mạc và được giữ nguyên trạng kể từ khi nó hoàn thành chuyến bay cuối cùng, hồi 1969.

Pháo đài bay B-52 và sứ mệnh tìm đường lên Mặt Trăng - Ảnh 2.

Một chiếc B-52 đang được phục chế tại Bảo tàng Hàng không Vũ trũ Pima

"Các máy bay B-52 được thiết kế để có thể mang theo nhiều hỏa tiễn hoặc bom bên dưới cánh," Stemm nói. "NASA đã 'độ' lại để chúng có thể mang theo được chiếc X-15 có kích thước to hơn nhiều".

Việc điều chỉnh chiếc B-52 có phần cắt bỏ một phần của cánh phải máy bay, và đặt một cột tháp bên dưới. "Thật là kỳ diệu là chiếc máy bay lại đủ sức để nhấc bổng lên và ở khu vực cánh họ đã cắt khoét đi đáng kể thế nhưng điều đó lại không làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của chiếc phi cơ" - Stemm nói.

Bên cạnh việc được lược bỏ một phần đáng kể bên cánh và được lắp ráp thiết bị để giữ chiếc máy bay vũ trụ, chiếc B-52 này (còn được biết đến với tên gọi NB-52A) cũng mang những ký hiệu đánh dấu đặc biệt dọc thân.

Nếu như một số phi cơ vẽ hình thể hiện những máy bay mà nó đã bắn hạ, thì chiếc này lại vẽ hình các máy bay X-15, mỗi chiếc thể hiện cho một trong số 80 sứ mệnh mà nó đã thực hiện.

Pháo đài bay B-52 và sứ mệnh tìm đường lên Mặt Trăng - Ảnh 3.

Phần mũi của chiếc B-52

Có một số hình vẽ X-15 ở vị trí nghiêng lên trên, nhằm minh họa cho các chuyến bay thử nghiệm độ cao. Các hình vẽ ở vị trí nằm ngang là nói về các lần thử nghiệm tốc độ. Tuy nhiên, có một số chiếc X-15 lại được vẽ trong tư thế xiên xuống, đó là để nói về các chuyến bay thất bại.

Có lẽ đó là chuyến đã khiến Mike Adams thiệt mạng hồi năm 1967 khi máy bay của ông đi vào vùng xoáy siêu thanh, bị vỡ tan lúc quay trở về vùng khí quyển của Trái Đất. Hoặc đó có thể là chiếc đã làm gãy xương sống của Jack McKay hồi 1962.

"McKay đã hạ xuống cực kỳ nhanh," Evans nói. "Có vấn đề với bộ phận thủy lực và ông ấy đã không mở được các bộ phận cánh, cho nên khi ông ấy lao xuống lòng hồ thì chiếc X-15 đã bị lộn nhào".

Không có vòm kính che buồng lái, toàn bộ trọng lượng của chiếc máy bay đè lên mũ bảo hiểm của ông. Tuy sống sót sau tai nạn, nhưng McKay đã phải sống nốt những năm còn lại của cuộc đời trong cơn đau khủng khiếp, cho tới khi ông qua đời hồi 1975.

"Khi bạn bay với vận tốc cao kỷ lục hoặc ở độ cao gấp ba lần độ cao kỷ lục của các máy bay khác, thì hiển nhiên là bạn đang bay vào những vùng ít nhiều nguy hiểm," Evans nói. "Hãy nghĩ thế này, đã có 199 chuyến bay với 12 phi công - nhìn chung họ đã thực hiện khá tốt và đáp xuống an toàn trong nhiều lần."

Pháo đài bay B-52 và sứ mệnh tìm đường lên Mặt Trăng - Ảnh 4.

Các máy bay B-52 được thiết kế để mang bom dưới hai bên cánh

Trong số những người tốt nghiệp từ chương trình thử nghiệm X-15 có người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, Neil Armstrong, và chỉ huy Tàu Con Thoi Joe Engle.

Năm 1981, Engle đã trở thành người duy nhất trong lịch sử điều khiển không dựa vào hệ thống tự động chiếc phi thuyền đang từ vận tốc Mach 25 hạ cánh, là kỹ thuật mà ông đã góp phần phát triển trong chương trình thử nghiệm X-15.

Ông cũng là phi công điều khiển X-15 duy nhất hiện còn sống, điều cho thấy ít nhiều về cái sự đắt giá và sự hy sinh của những người chấp nhận tham gia chương trình bay thử nghiệm.

Pháo đài bay B-52 và sứ mệnh tìm đường lên Mặt Trăng - Ảnh 5.

Bảo tàng Hàng không Vũ trụ Pima có kế hoạch bảo tồn chiếc phi cơ này trong ít nhất là 100 năm nữa

Những chiếc B-52 đã phóng đi 12 người tham gia các sứ mệnh nguy hiểm sẽ không bao giờ cất cánh trở lại, nhưng Stemm muốn đảm bảo rằng một khi xuất hiện trở lại trong trạng thái trưng bày, chiếc B-52 tại Bảo tàng Pima sẽ tồn tại lâu dài.

"Chúng tôi sẽ sơn lại chiếc phi cơ để giữ nguyên những dấu ấn lịch sử, để trông nó giống hệt như khi còn mang theo chiếc X-15," ông nói. "Mục tiêu của chúng tôi là nhằm bảo tồn nó trong 100 năm tới".

Gần 50 năm sau chuyến bay cuối cùng, chiếc máy bay B-52 phóng đi chiếc X-15 có lẽ nay đang được trân trọng hơn bao giờ hết.

Với việc hãng Virgin Galactic và đối thủ cạnh tranh Xcor đang nghiên cứu thế hệ tàu vũ trụ mới trong lúc hãng Stratolaunch đang chuẩn bị phóng đi các tên lửa vũ trụ từ một máy bay khổng lồ, thì tương lai công nghệ tiên phong X-15 có vẻ như rất sáng sủa.

Nhắc thêm một chi tiết nữa, là phi công Joe Walker, người đã phá kỷ lục bay vào vũ trụ, qua đời trong một vụ tai nạn hàng không hồi 1966, nhưng mãi cho đến 2005 NASA cuối cùng mới công nhận ông là nhà du hành vũ trụ.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.