Đại sứ Phạm Sanh Châu dành cho Báo Người Lao Động cuộc phỏng vấn sau khi ông hoàn thành xuất sắc vòng thi tuyển vị trí Tổng Giám đốc UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc), trước khi quá trình tranh cử bước vào thời kỳ quyết định.
Đại sứ Phạm Sanh Châu "thi" làm Tổng Giám đốc UNESCO - Ảnh: Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO
- Phóng viên: Người đầu tiên ông nghĩ đến sau khi hoàn thành phần thi xuất sắc của mình là ai? Phải chăng đó là người ảnh hưởng lớn nhất đến con người, để lại những dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp của ông?
+ Đại sứ Phạm Sanh Châu: Sau phần thi phỏng vấn "xuất thần" của mình, người đầu tiên tôi nghĩ đến là Ba, Má mình. Họ không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục tôi mà còn dành cho tôi nhiều yêu thương nhất, mang tôi đi khắp nơi trên thế giới trong các chuyến công tác và định hướng nghề ngoại giao cho tôi.
Hơn thế nữa tôi luôn mang trong lòng nỗi đau khắc khoải không bao giờ nguôi đó là ngày Ba tôi mất tôi đi công tác xa không kịp nói lời vĩnh biệt, về đến nơi thì đã mồ yên mả đẹp. 20 năm sau, Má tôi mất tôi cũng không có mặt, chỉ kịp về ôm xác cụ lần cuối trước khi nhập quan. Mỗi người chúng ta đều mang trong lòng nỗi buồn hoặc nỗi đau riêng không dễ gì chia sẻ. Vì thế các bạn có thể hiểu phần nào trong trang cá nhân tôi hay nhắc đến họ và coi nó là liều thuốc làm dịu nỗi đau bất hiếu. Tôi biết đó không chỉ là nỗi đau của riêng tôi mà cũng là nỗi đau của bao nhà ngoại giao Việt Nam khác do hoàn cảnh công tác xa nhà.
Đại sứ Phạm Sanh Châu và cha mẹ
- Có không ít người nói rằng Đại sứ là người không bao giờ né tránh những câu hỏi khó, nhạy cảm hay ngại những tình huống hóc búa? Vậy ông có bí quyết gì để vượt qua khi rơi vào những “thế bí” như thế?
+ Cuộc sống bản thân nó rất phức tạp vì vậy ta phải chấp nhận rằng khó khăn, thách thức là chuyện bình thường. Ta phải đối mặt với nó cho dù có thích hay không, càng trốn tránh càng căng thẳng.
Hãy coi việc giải quyết nó là một điều thú vị hơn là khó khăn. Tất cả đều do ta tâm niệm thôi. Tôi vẫn dạy các con tôi "hãy làm cho xong một việc" dù khó khăn, phức tạp hay nhạy cảm đến mấy, như thế ta có thể khép được một chặng đường để bước tiếp vì cuộc đời rất dài và còn nhiều hành trình tiếp theo cần trải nghiệm. Hơn nữa, xử lý các ca khó sẽ làm cho ta bản lĩnh hơn.
- Ông có vẻ rất cởi mở, tương tác nhiều trên Facebook với lượng followers không ít. Liệu đó có phải là chiến lược “ngoại giao Facebook” hay không? Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sử dụng Facebook có khi nào làm Đại sứ gặp khó?
+ Tôi gắn với sự nghiệp UNESCO, mà tư tưởng của nó là gắn kết để xây dựng hoà bình. Phương tiện thực hiện là sử dụng các công nghệ cao như Tweet và Facebook. Bản tính tôi là thích giao du kết bạn. Việc sử dụng mạng xã hội là cần thiết và nếu không dùng là lãng phí, nhất là khi ta cần chuyển tải một thông điệp cho công chúng.
Tuy nhiên, là cán bộ ngoại giao, tôi phải thận trọng và tuân thủ kỷ luật của ngành về được phép nói gì và không nói gì. Chúng tôi gọi là kỷ luật phát ngôn. Tuyệt đối chúng tôi không được lộ thông tin nghề nghiệp và tuyệt đối không được làm ảnh hưởng quan hệ của Việt Nam với các nước. Chính vì vậy tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của ngành, hạn chế sử dụng phương tiện này trong thời gian tới, khi công việc tranh cử của tôi đi vào thời kỳ quyết định.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng gia đình phát huy giá trị của Áo dài Việt
Áo dài và khăn xếp là trang phục quen thuộc của Đại sứ Phạm Sanh Châu trong nhiều sự kiện văn hóa
- Dường như trong ông luôn cháy bỏng nhiệt huyết đưa văn hóa Việt vươn xa hơn nữa? Vậy sau khi kỳ thi này kết thúc, ngay cả khi ông không trúng cử vào vị trí Tổng giám đốc Unesco, “ngọn lửa” của sự nhiệt huyết ấy vẫn luôn tỏa sáng?
Tôi có duyên làm ngoại giao văn hoá và quảng bá di sản và tôi sẽ làm ngay cả sau này không còn làm ở Bộ Ngoại giao nữa. Tôi có rất nhiều dự án khao khát muốn triển khai, và vinh danh Tết Việt thành Di sản phi vật thể của UNESCO là một trong số đó. Vừa rồi tôi có dịp thăm các nhà thờ ở Nam Định, tôi thấy rất đẹp và mong muốn quảng bá kiến trúc của nó. Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông hay chùa Hương cũng là một dự án quảng bá ra thế giới mà khi có thời gian tôi quyết theo đuổi đến cùng. Địa đạo Vịnh Mốc ở Quảng Trị xứng đáng được thế giới biết nhiều hơn.
Qua cuộc cọ xát lần này, tôi thấy trí tuệ Việt Nam đủ sức sánh vai cùng các nước trên đấu trường quốc tế. Tất cả chúng ta hãy đồng lòng và luôn luôn thể hiện lòng ái quốc, tạo mọi điều kiện để trí tuệ Việt Nam hiện đang tiềm ẩn ở rất nhiều con người, có cơ hội toả sáng làm rạng danh đất nước, mang vinh quang cho Tổ quốc.
Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đưa ra sáng kiến và cùng các đại sứ nước ngoài thám hiểm hang động được xếp vào loại kỳ vĩ nhất thế giới - hang Sơn Đoòng vì theo ông, các đại sứ sẽ quảng bá tốt nhất cho Sơn Đoòng - Ảnh về chuyến thám hiểm trên website của Đại sứ quán Mỹ
Yêu thích câu nói của Scarlett O'Hara
Về những sở thích cá nhân, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ ông không có tài lẻ gì, chỉ biết chăm chỉ học hành và sẵn sàng học đúng theo tinh thần học suốt đời của UNESCO. Bài "My Way" là một trong những bài hát ông thích nhất vì nó trùng hợp cá tính của ông. Tác phẩm "Thép đã tôi thế đây" là nguồn tạo cảm hứng cho ông dù đã đọc cách đây 40 năm. "Ngày mai sẽ khác" là câu nói ông yêu thích của nhân vật Scarlett O'Hara trong tác phẩm "Cuốn theo chiều gió", và tiểu thuyết "Một cuộc đời" của Guy de Maupassant là điểm tham chiếu Đại sứ hay mang ra so với cuộc đời mình.
Dương Ngọc thực hiện
Đăng nhận xét