Trả lời phỏng vấn chương trình “Face the Nation” của đài CBS, phát sóng hôm 30-4, ông Trump nghi ngờ Trung Quốc đứng sau vụ rò rỉ email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) khiến ứng viên tổng thống của đảng này, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, sụt giảm uy tín và thất bại trong cuộc bầu cử.
Ông Trump nói với người dẫn chương trình của đài CBS: “Nếu không bắt được tin tặc, được thôi, rất khó để nói ai đã tấn công mạng. Có thể là Trung Quốc hoặc rất nhiều nhóm khác”.
Trước đó, tình báo Mỹ cáo buộc Nga đứng sau vụ rò rỉ email của DNC nhằm tạo thuận lợi cho ông Trump giành chiến thắng. Tuy nhiên, bình luận nói trên của nhà lãnh đạo Mỹ đã gián tiếp bác bỏ cáo buộc này.
Trong cuộc tranh luận tổng thống với bà Clinton ngày 26-9-2016, ông Trump cũng ám chỉ Trung Quốc có thể là nước đứng sau các vụ tấn công mạng.
Ông Trump tham dự một cuộc mít-tinh ở bang Pennsylvania hôm 29-4. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, Trung Quốc từ lâu được xem là đối thủ lâu đời của Mỹ trong lĩnh vực không gian mạng, giống như Nga. Vài tuần trở lại đây, ông Trump dịu giọng với Bắc Kinh về các chính sách thương mại nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nước này trong việc làm giảm căng thẳng với Triều Tiên.
Đối với Nga, trước khi được bầu làm tổng thống, ông Trump cam kết cải thiện quan hệ với Moscow. Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận tin tặc Nga can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ thông qua các vụ tấn công mạng. Dù vậy, ủy ban điều tra của quốc hội cũng như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vẫn đang xem xét vai trò của các trợ lý của ông Trump với Nga trong chiến dịch tranh cử.
Khoảng hơn 1 tháng sau ngày bầu cử Mỹ, đài NBC News ngày 14-12-2016 dẫn lời 2 quan chức tình báo cấp cao Washington cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã "đích thân chỉ đạo" cách rò rỉ hàng ngàn email của đảng Dân chủ sao cho mang lại lợi thế cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Theo 1 trong 2 quan chức, nhà lãnh đạo Nga muốn “bắn một mũi tên trúng nhiều con chim”.
Thứ nhất, ông muốn đáp trả “kẻ thù truyền kiếp” Hillary Clinton. Thứ hai, ông muốn ly gián Mỹ và các đồng minh thân cận, cho họ thấy Washington không còn là một lãnh đạo toàn cầu đáng tin cậy. Cuối cùng, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận xét chính phủ Nga muốn ông Trump thắng cử.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) và một số cơ quan chính phủ Mỹ không hoàn toàn ủng hộ quan điểm của CIA. Tuy nhiên, nhiều quan chức thừa nhận các vụ tấn công mạng của Nga nhằm gây tổn hại uy tín của bà Clinton bằng cách rò rỉ những email khiến đảng Dân chủ bối rối.
Phạm Nghĩa (Theo Reuters)
Đăng nhận xét