Cuối tháng 4-2017, hàng ngàn công nhân, phương tiện cơ giới ra vào vị trí triển khai Nhà máy Bột giấy VNT-19 ở thôn Phú Long 1, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vị trí đặt nhà máy nằm trên đỉnh đồi và được che chắn bằng tường rào cao 2-3 m. Theo các công nhân, nhà máy đang lắp đặt các thiết bị, máy móc và hoàn thiện một số nhà xưởng…
Dự án Nhà máy Bột giấy VNT-19 tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Trước đó, vào tháng 8-2011, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Bột giấy VNT-19 cho Công ty CP Bột giấy VNT-19 (thuộc Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng - Vietracimex). Đến tháng 1-2014, dự án được điều chỉnh với tổng vốn đầu tư trên 7.900 tỉ đồng. Giai đoạn 1, dự án có công suất thiết kế 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích sử dụng đất 70 ha; giai đoạn 2 sẽ tăng thêm khoảng 130 ha tại xã Bình Phước.
Nằm dưới triền đồi, cách khuôn viên nhà máy không xa là cánh rừng dừa nước Cà Ninh rộng hơn 60 ha đã tồn tại hàng trăm năm qua ở xã Bình Phước. Không những có giá trị lịch sử khi đã gắn bó với bao thế hệ qua hai cuộc chiến tranh, rừng dừa nước này còn có nhiệm vụ ổn định hệ sinh thái tự nhiên, ngăn quá trình xâm nhập mặn xảy ra đồng thời cũng là nguồn sinh kế của hàng trăm hộ dân.
Ông Nguyễn Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Bình Phước, cho biết khi triển khai Nhà máy VNT-19, khoảng 50 ha rừng dừa nước Cà Ninh sẽ bị phá. “Dự án do UBND tỉnh cấp nên địa phương không có ý kiến. Người dân cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng về vấn đề môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động bởi xung quanh có đến 4 thôn với hơn 400 hộ dân sinh sống…” - ông Nhân nói.
Ngay cả UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng băn khoăn về công tác bảo vệ môi trường dự án. Đầu tháng 4-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) yêu cầu xem xét việc Nhà máy VNT-19 lắp đặt vị trí xả thải bằng đường ống ngầm dưới mặt nước tại vịnh Việt Thanh (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị), cách bờ biển khoảng 500-1.500 m, có đúng quy định hay không.
Vấn đề mà chính quyền và người dân hết sức quan tâm là việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi xả ra môi trường. “Để có cơ sở đối chứng, trong quá trình thiết kế, xây dựng VNT-19, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị chủ đầu tư xây dựng một hồ nuôi cá bằng nước thải của nhà máy trước khi thải ra biển nhằm kiểm nghiệm tiêu chuẩn của nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt (tháng 9-2015) không đề cập vấn đề này” - văn bản nêu.
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định qua sự cố môi trường tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, để bảo đảm công tác bảo vệ môi trường khi dự án Nhà máy VNT-19 đi vào hoạt động, UBND tỉnh mới đề nghị Bộ TN-MT xem xét, có ý kiến.
Một lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất cho biết Bộ TN-MT vẫn chưa có ý kiến vụ việc này. “Nếu họ không làm theo đúng yêu cầu, đúng tiêu chuẩn đưa ra, chúng ta phải có biện pháp ngay. Không thể đợi đến khi nhà máy hoàn thành, đi vào sử dụng mới phát hiện ô nhiễm” - vị này bày tỏ.
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cho hay UBND huyện đã có văn bản đề xuất với tỉnh và đã được UBND tỉnh thống nhất nếu dự án không bảo đảm môi trường sẽ không cho hoạt động. “Không phải vì phát triển kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi trường, bỏ qua lợi ích của người dân” - bà Thư quả quyết.
Bài và ảnh: TỬ TRỰC
Đăng nhận xét