Sự thành công của chiến dịch đã trở thành một bước ngoặt, tạo đà giải phóng nước Pháp, từ đó là tiến thẳng vào "trái tim" của đế chế Đức - Béc-lin (Berlin). Mới đây, trang War history đã giải mật thêm nhiều trang tư liệu về chiến dịch Noóc-măng-đi. Trong đó, đặc biệt là việc phân tích ý nghĩa của việc dự báo thời tiết đối với sự thành công của chiến dịch này.

Vì sao là Noóc-măng-đi?

Tháng 12-1943, lãnh tụ Liên Xô Giô-dép Xta-lin (Joseph Stalin), Tổng thống Mỹ Phran-lin Ru-dơ-ven (Franklin Roosevelt) và Thủ tướng Anh Uyn-xtơn Sớc-sin (Winston Churchill) gặp nhau ở Tê-hê-ran (Tehran), I-ran (Iran). Lãnh tụ Xta-lin đã yêu cầu Mỹ và Anh nhanh chóng triển khai những cam kết đưa ra từ trước về việc mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu.

Sự "nấn ná" của người Anh bắt nguồn từ việc họ muốn một chiến lược gián tiếp như tấn công ở Địa Trung Hải hoặc vùng Ban-căng (Balkan) hơn là ý tưởng tấn công phát xít Đức trực tiếp tại bờ biển Tây Bắc lục địa châu Âu.

Tuy nhiên, dưới sức ép của Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Liên Xô, Thủ tướng Sớc-sin đã chấp thuận kế hoạch mở mặt trận thứ hai ngay tại Tây Âu với thời hạn xác định là tháng 5-1944. Tướng Mỹ Ai-xen-hao (Eisenhower) được cử làm Tư lệnh tối cao lực lượng Đồng minh.

Để mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu, địa điểm đổ bộ lý tưởng nhất đối với quân Đồng minh là Pa-đơ Ca-la (Pas-de-Calais), Pháp. Nơi đây có một con kênh ngắn, tạo điều kiện cho các tàu đổ bộ của quân Đồng minh có thể tiến vào dễ dàng. Hơn nữa, đây còn là con đường ngắn nhất dẫn tới "trái tim" của đế chế Đức.

Tính toán của quân Đồng minh lại trùng với suy nghĩ của Quốc trưởng Hít-le (Hitler). Từ lâu, Hít-le đã biết rằng lực lượng Mỹ-Anh sẽ mở thêm một mặt trận tại Tây Âu. Tuy nhiên, do Đức còn đang phải dồn lực lượng tại vùng Địa Trung Hải và chiến dịch của quân Đức tại Đông Âu vẫn cần tăng cường thêm binh lực bất cứ lúc nào, vì thế, Hít-le "tạm" coi nhẹ nguy cơ này.

Đến tháng 11-1943, Hít-le xác định, không thể "quên" mặt trận Pháp lâu hơn nữa. Quân Đức được tăng cường tại Pháp. Hệ thống công sự ở phòng tuyến Đại Tây Dương được củng cố. Lực lượng pháo binh ven biển được tăng cường. 15 sư đoàn được bố trí dọc theo tuyến phòng thủ, tập trung vào địa điểm Pa-đơ Ca-la.

Vai trò của đạo quân thời tiết - Ảnh 1.
Vai trò của đạo quân thời tiết - Ảnh 2.

Do tạo được yếu tố bất ngờ, quân Đồng minh đã đổ bộ thành công lên Noóc-măng-đi. Ảnh: War history

Trước sự tăng cường lực lượng của Đức, việc đổ bộ vào Pa-đơ Ca-la trở nên đặc biệt nguy hiểm. Vì thế, hướng tấn công được chuyển sang bờ biển Noóc-măng-đi. Tại địa điểm này, lực lượng phòng ngự của Đức khá mỏng vì đã dồn về Pa-đơ Ca-la.

Hơn nữa, vịnh Xen (Seine) khá rộng và các bãi biển thuận lợi cho việc đổ bộ. Tuy nhiên, quân Đồng minh cũng gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thời gian chuyển quân sẽ lâu hơn do phải vượt 150km đường biển và các máy bay sẽ phải chiến đấu phức tạp hơn để hỗ trợ mặt đất.

Chiến dịch Noóc-măng-đi được giữ tuyệt mật. Để đánh lạc hướng Bộ tham mưu quân Đức, quân Đồng minh đã tung nhiều thông tin giả tạo như: "Chiến dịch Ngoan cường", đơn vị hùng mạnh nhất của quân Đồng minh, Sư đoàn lục quân số 3 của Mỹ, sẽ tiến hành cuộc tấn công dữ dội vào Pa-đơ Ca-la…

Cùng đó, các trại huấn luyện quân sự giả tạo, quy mô lớn tại Ma-xtôn (Maidstone) và Can-tơ-bu-ri (Canterbury) đã lần lượt xuất hiện với hàng nghìn xe tăng, máy bay "hình nộm"… Bộ tham mưu quân Đức đã bị đánh lừa.

Quân đoàn số 15, lực lượng thiện chiến nhất của Đức tại Pháp được chuyển tới Pa-đơ Ca-la. Bờ biển Noóc-măng-đi chỉ còn đóng vai trò thứ yếu trong thế trận phòng ngự của quân Đức.

Sáng 5-6-1944 được chọn là thời điểm tiến hành cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Noóc-măng-đi. Chỉ trong vòng vài giờ, một hạm đội gồm 3.000 tàu đổ bộ, 2.500 tàu chiến và 500 tàu hải quân cỡ lớn, chở 150.000 quân Đồng minh bắt đầu rời các hải cảng Anh.

Thời điểm đó, thời tiết khá xấu nên quân Đức hoàn toàn mất cảnh giác. Thậm chí, tướng Rôm-men (Rommel), chỉ huy lực lượng phòng thủ tại Noóc-măng-đi còn về Đức từ buổi sáng 5-6 để dự lễ sinh nhật lần thứ 50 của vợ.

Đêm 5-6, lực lượng đầu tiên của quân Đồng minh tiếp cận bờ biển Noóc-măng-đi là Sư đoàn không vận số 82 và 101 của Mỹ. Không may mắn, hai sư đoàn này hạ cánh vào đúng một vùng ngập nước ở chân bán đảo Cô-ten-tin (Cotentin) và chịu rất nhiều thương vong.

Sư đoàn không vận số 6 của Anh đổ bộ xuống đúng các mục tiêu đã định trước tại đầu phía đông. Đúng 6 giờ 30 phút ngày 6-6, các đơn vị hải quân Đồng minh bắt đầu cập bờ.

Lực lượng của Anh và Ca-na-đa (Canada) đổ bộ vào bãi biển Gôn (Gold), Giu-nô (Juno) và Xơ-uốt (Sword) vấp phải những sự chống trả quyết liệt từ phía quân Đức. Cuộc chiến khốc liệt nhất xảy ra tại bãi Ô-ma-ha (Omaha) giữa Sư đoàn số 1 của Mỹ và các đơn vị phòng vệ bờ biển số 352 của Đức.

Gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân Đức, cuộc đổ bộ sáng 6-6 của quân Đồng minh có nguy cơ thất bại. Nhưng cuối cùng, nhận được sự yểm trợ của lực lượng du kích địa phương, cuộc đổ bộ đã thành công tốt đẹp. Lực lượng Đồng minh đã nhanh chóng tiến sâu vào đất liền.

Sau chiến thắng tại bờ biển Noóc-măng-đi, thế trận nghiêng hẳn về phía lực lượng Đồng minh. Đến đầu tháng 9-1944, gần như toàn bộ các vùng lãnh thổ nước Pháp được giải phóng. Lực lượng Mỹ, Anh và Ca-na-đa đã chiếm lại Bỉ và một phần Hà Lan, đồng thời tới gần biên giới Đức.

Mặt trận phía Tây cùng với mặt trận phía Đông do Liên Xô dẫn đầu tạo nên gọng kìm siết chặt quân đội Đức từ hai phía. Gần một năm sau cuộc đổ bộ lịch sử của phe Đồng minh ở Noóc-măng-đi, Đức quốc xã bại trận, kết thúc cuộc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử nhân loại.

Yếu tố thời tiết

Chiến thắng Noóc-măng-đi là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, việc dự báo chính xác thời tiết đã trở thành một yếu tố quan trọng khiến quân Đồng minh chiếm được thế chủ động.

Dù đánh giá thấp khả năng quân Đồng minh đổ bộ vào Noóc-măng-đi nhưng Bộ tham mưu Đức vẫn bố trí Quân đoàn số 7 trấn giữ bãi biển này. Tuy nhiên, các chỉ huy quân đội Đức đã dự đoán, nếu quân Đồng minh đổ bộ vào Noóc-măng-đi thì thời điểm phù hợp nhất là cuối tháng 5-1944.

Khi đó, thủy triều dâng cao, trăng tròn, sáng tỏ và ít gió-những điều kiện lý tưởng cho một cuộc đổ bộ từ biển vào với quy mô lớn. Vì thế, khi tháng 5 qua đi mà không có cuộc đổ bộ nào, trong khi tháng 6 đến cùng những cơn bão, các chỉ huy quân Đức đã nghĩ rằng, mình có thể thư giãn.

Trong khi đó, quân Đồng minh đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Trước khi chiến dịch đổ bộ vào Noóc-măng-đi được tiến hành, Văn phòng khí tượng Hải quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Không quân chiến lược-chiến thuật Mỹ được giao chịu trách nhiệm liên tục cung cấp thông tin về tình hình thời tiết.

Những dự báo của các nhà khí tượng mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nếu các nhà khí tượng học sai, phe Đồng minh có thể phải trả giá bằng tính mạng của hàng chục nghìn binh lính.

Ngày 3-6, hai nhà khí tượng học của Mỹ là Ia-vinh Cơ-rích (Windewing) và Ben Hôn-man (Ben Holzman) dự báo, cuộc đổ bộ đã lên kế hoạch vào ngày 5-6 hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, các nhà khí tượng học Anh lại đưa ra dự báo, ngày 5-6 thời tiết không thuận lợi. Trưởng nhóm khí tượng của Anh là Giêm Xtác (James Stagg) đã thuyết phục tướng Ai-xen-hao vào phút cuối để hủy cuộc đổ bộ vào ngày đã định. Và may thay, tướng Ai-xen-hao đã nghe theo vì thời tiết bão bùng có thể sẽ khiến cuộc đổ bộ trở thành một thảm họa.

Trong khi đó, phía Đức cũng đưa ra dự báo thời tiết xấu. Vì thế, họ tin rằng quân Đồng minh chưa thể thực hiện cuộc đổ bộ trong tháng 6. Nhưng các nhà khí tượng học của Đức đã sai lầm do họ sử dụng các công nghệ dự báo kém hơn so với phe Đồng minh.

Đến ngày 4-6, các nhà khí tượng của cả Anh và Mỹ đều nhận ra một cơ hội vào ngày 6-6. Một đợt tái tổ chức lớn và bất ngờ xuất hiện trong bầu khí quyển ở khu vực Đại Tây Dương. Cơn bão "F" đã di chuyển và cơn bão "E" có vẻ như đang chậm lại, đạt tới một tình trạng hài hòa hiếm có.

Đến tối 4-6, thời tiết tại cảng Pót-mau (Portsmouth), Anh, nơi tập trung lực lượng đổ bộ, vẫn rất xấu. 

Tuy nhiên, nhà khí tượng Stác vẫn khẳng định với tướng Ai-xen-hao rằng, thời tiết sẽ sớm cải thiện trong một vài ngày tới. Sau đó, tại cuộc họp của Hội đồng tướng lĩnh cấp cao quân Đồng minh, nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện khí hậu như hiện tại, thời điểm hợp lý để tiến hành đổ bộ là hai tuần sau đó. Thế nhưng, nếu tiếp tục trì hoãn, quân Đồng minh sẽ mất yếu tố bất ngờ.

Vì thế, trên cơ sở dự báo khí tượng của nhà khí tượng Xtác, tướng Ai-xen-hao quyết định chọn ngày 6-6 mở màn cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử. Những giờ đầu tiên của cuộc đổ bộ, thời tiết không thực sự thuận lợi. Những đám mây dày gây khó khăn cho hoạt động nhảy dù.

Một số xuồng đổ bộ bị sóng đánh lật úp. Nhưng đến trưa, điều kiện thời tiết trở nên tốt hơn. Dự báo của Xtác đã đúng. Quân đội Đức Quốc xã hoàn toàn bất ngờ trước cuộc đổ bộ của phe Đồng minh và chịu tổn thất nặng nề.

Sau này, theo đánh giá của các nhà sử học, nếu cuộc đổ bộ vào bờ biển Noóc-măng-đi diễn ra trong ngày 5-6 như kế hoạch ban đầu, phe Đồng minh có thể phải chịu tổn thất nặng nề. Chiến tranh Thế giới lần thứ hai có thể sẽ diễn biến khác đi nếu quân Đồng minh chịu tổn thất trong khi đổ bộ vào Noóc-măng-đi.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.