Nhưng một nghịch lý đang diễn ra với thị trường có nhu cầu tiêu dùng ở quy mô 18 tỉ USD này là người chăn nuôi liên tục kêu cứu, khóc ròng vì giá xuống đáy, trong khi người sử dụng cuối cùng thì phải trả mức giá cao gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói rằng giá heo hơi từ trại hiện có 15.000 đồng/kg nhưng khi đến tay người tiêu dùng, giá thịt ở mức 80.000 – 100.000 đồng/kg tùy loại. Nguyên nhân là heo từ trại đến thịt ra chợ phải qua đến 4 lần trung gian.
Heo từ trang trại đến thịt ra chợ qua nhiều khâu trung gian với chi phí lớn đẩy giá bán lẻ đến người tiêu dùng đội thêm 3-4 lần giá trị thật. Ảnh: H. Linh.
Tuy nhiên, chi phí trung gian đẩy giá trị thật của thịt heo lên gấp nhiều lần không phải là nguyên nhân chính đẩy người chăn nuôi vào cảnh khó khăn, thua lỗ và “phong trào giải cứu” heo tồn hiện nay.
Từ sau Tết Nguyên đán, giá heo hơi tại các vùng nuôi lớn ở Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Thuận đã giảm mạnh.
Song song với giá heo giảm liên tục là giá gà cũng rớt thê thảm. Ở thời điểm cuối tháng 2, gà công nghiệp chỉ có 16.000 đồng/kg, giảm đến 14.000 đồng so với cách đó 2 tháng.
Giá rớt đồng nghĩa với hàng tồn. Mổ xẻ câu chuyện này, từ ngành chức năng đến chính quyền đều đổ lỗi cho nông dân sản xuất vượt nhu cầu.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng thông thường cả nước mỗi năm chỉ sản xuất khoảng 27,5 triệu con heo. Số lượng này vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu một phần sang Trung Quốc. Trong khi đó, tổng đàn heo của cả nước những tháng đầu năm 2017 đã lên gần 30 triệu con.
Bộ Công Thương cũng cho rằng nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi heo từ đầu năm đến nay là do hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sản lượng thịt lợn tăng nhanh chóng sau 15 năm. Đồ họa: Hiếu Công.
Tuy nhiên, câu chuyện dự báo thị trường, cảnh báo đến người sản xuất ít được đề cập.
Ông Lý Văn Hương, chủ một trại nuôi với 300 con nái và hàng nghìn heo thịt ở Đức Linh, Bình Thuận, khóc ròng rằng đợt rớt giá xuống tận đáy này chỉ là giọt nước cuối cùng vỡ ra những khó khăn. Đã rất nhiều lần người nuôi heo, nuôi gà gồng gánh vì chuyện rớt giá, thua lỗ rớt giá. Giờ đây, họ mất hết khả năng chịu đựng.
Nhiều lần thua lỗ trước người nuôi vẫn vực dậy, gồng gánh nợ thả lại gà, heo. Bởi nợ con giống, thức ăn, nợ ngân hàng đầu tư chuồng trại vẫn phải trả. Hơn nữa, chuồng trại đã xây rồi, hiếm người nuôi nào cam lòng bỏ phế.
Ông Hương cũng cho biết địa phương luôn có cán bộ nông nghiệp, thú y cơ sở, nhưng hầu như người chăn nuôi không nhận được chia sẻ, khuyến cáo chuyện điều tiết thị trường phân bổ số lượng nuôi phù hợp để tránh vướng cảnh cung vượt cầu.
Ngành Công Thương không thể vô can trong chuyện cây trồng, vật nuôi tại các địa phương cứ vài vụ lại kêu giải cứu. Trách nhiệm bao quát thị trường thì phải nắm được thông tin nhu cầu với sản phẩm nào đó trong một thời gian xác định, để có những quyết sách cung - cầu phù hợp.
Chuyên gia kinh tế Đinh thế Hiển cho rằng chúng ta nói nhiều về liên kết 4 nhà, nhưng rồi sau thời gian tham gia thị trường, doanh nghiệp (DN) tích góp đất “ra riêng” trồng rau, nuôi cá, nuôi heo; chuyện đầu tư cho nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm lại xa vời.
Từ bao giờ chúng ta chấp nhận chuyện giải cứu và cứ trông chờ vào giải pháp tình thế, là cứu?
Một hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai bỏ trống trang trại vì thua lỗ. Ảnh: Ngọc An.
Trong thông báo về chuyện “giải cứu” thịt heo vừa phát đi, một hệ thống bán lẻ lớn kể DN thường xuyên triển khai các chương trình thu mua nông sản số lượng lớn và bán không lãi, nhằm hỗ trợ cho người nông dân, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Cụ thể, trước chương trình “giải cứu” thịt heo lần này, DN “Giải cứu chuối Đồng Nai” đầu tháng 3, tiêu thụ hơn 100 tấn chuối tươi trong tuần đầu thực hiện; tiếp đó là “chung tay vì dưa hấu Quảng Ngãi”, cũng tiêu thụ hơn 400 tấn dưa hấu trong một tuần đầu thực hiện.
Trước đó nữa, hàng loạt chương trình tương tự cũng đã triển khai như giải cứu hành tím hỗ trợ nông dân trồng hành tím Sóc Trăng năm 2016, bán cá nục tươi hỗ trợ ngư dân 4 tình miền Trung, bán vải thiều hỗ trợ nông dân trồng vải tỉnh Bắc Giang. Hay các đợt bán cam Canh Hòa Bình, hành tây, cà chua Đà Lạt, dưa hấu Quảng Nam, thơm Ninh Bình…
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nói chúng ta có rất nhiều cuộc giải cứu mà đáng lẽ không cần phải thế. Chế độ báo cáo của các tỉnh với Bộ Nông nghiệp rất chặt chẽ, số liệu đều có nhưng sao không báo động sớm? Cơ quan quản lý không làm chủ được quy hoạch thì sao trách nông dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp "giải cứu" thịt heo có thể đúng trước mắt, bởi heo nuôi chỉ có lứa. Tuy nhiên, đây chỉ có thể coi là biện pháp tạm thời.
Cần tổ chức lại ngành chăn nuôi, sản xuất gắn với thông tin thị trường, chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào đến chế biến, tiêu thụ. Sản xuất phải lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường.
Theo Hà Yên (Zing)
Đăng nhận xét