LTS: Каren Mikaelovich Tariverdiev sinh tại Moskva năm 1960. Học khoa Triết Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU) mang tên Lomonosov. Năm 1984 tốt nghiệp tại Đại đội học viên số 9 Trường Sĩ quan Đổ bộ đường không Ryazan. Chiến đấu tại Afghanistan. Từng là chủ nhiệm trinh sát Chi đội đặc nhiệm Spetsnaz 177 (Ghazni, Аfghanistan).
Karen Tariverdiev năm 2010
Hai lần bị thương. Kỵ sỹ huân chương Cờ Đỏ và 2 huân chương Sao Đỏ. Giải ngũ chuyển ngạch dự bị năm 1993 với quân hàm thiếu tá. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những lát cắt thú vị mà ông từng trải qua ở chiến trường khốc liệt Afghanistan.
---
Tạp chí Medved: Anh đã đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Afghanistan khi 24 tuổi. Khi nào thì anh có sự thay đổi trong thái độ với những gì đang xảy ra?
Каren Tariverdiev: Sự hiểu biết và nhận thức của tôi đã thay đổi ngay trong buổi tối đầu tiên. Buổi sáng tôi bay đến Kabul, ban ngày từ Kabul - đến Ghazni, tới Chi đội đặc nhiệm Spetsnaz 177, trình diện tiểu đoàn trưởng, và buổi tối tôi được Thiếu tá Korunov gọi đến, ông là đại diện phòng trinh sát tập đoàn quân:
"Ngay bây giờ, trung úy, cậu hãy gí thanh sắt nung đỏ khắc lên trán mình điều này: ở đây chúng ta không cần làm lợi cho ai. Và cũng chẳng ma nào chờ đợi chúng ta ở đây cả". Và tức khắc tôi thấm nhuần tư tưởng rằng nhiệm vụ của chúng tôi ở đây không có gì sáng sủa lắm.
Tạp chí Medved: Thế sao anh không bỏ đi?
Каren Tariverdiev: Sao lại như vậy - bỏ đi như thế nào? Thế còn lời tuyên thệ? Còn nghĩa vụ? Ai cho phép tôi? Và tôi tốt hơn những người khác chăng? Họ cần phải hít thở, còn tôi ngồi ngoài cho rõ xa? Ai cho tôi quyền đó?
Về Afghanistan, nói chung người ta không nói gì cả cho đến trước năm 1986. Chúng tôi là những cá nhân không được chào đón (non grata). Như thể không có chúng tôi trên cõi đời này. Chúng tôi luôn luôn trở lại và luôn luôn choáng váng.
Khởi đầu của cuộc chiến tranh Afghanistan, năm 1979.
Chúng tôi nói: "Chúng tôi từ Afghanistan về", còn người ta hỏi chúng tôi: "Thế nó ở đâu?". Khi tôi đi phép nhân bị thương, tình cờ tôi gặp cô bạn cùng lớp của mình.
Tôi kể cho cô ấy biết nơi tôi phục vụ. Tại sao đi khập khiễng thì không nói. Cô trả lời: "À, tớ có nghe-có nghe. Ở bên đó, người ta nói, có thể kiếm được nhiều quần áo thượng hạng". Tôi ngồi xuống mà sửng sốt. Nhân dân không biết rằng có một cuộc chiến tranh đang diễn ra.
Tạp chí Medved: Giá mạng sống trong chiến tranh bị giảm xuống thê thảm lắm phải không?
Каren Tariverdiev: Cái giá của cuộc sống luôn luôn cao. Vấn đề chỉ ở chỗ, mạng sống của ai - mạng sống riêng của họ hay của những người khác. Cuộc đời của một con người mặc quân phục khác chẳng nghĩa lý gì, mạng sống của mình thì - vô giá.
Tôi đã rút ra cho bản thân một kết luận: tất cả đều công bằng nếu những kẻ mặc quân phục khác gục ngã, cũng không có gì bất công nếu những người ngã xuống lại mặc cùng loại quân phục như bạn. Đó là sự thật cuối cùng.
Tôi cần bản thân mình tồn tại và tôi cần các binh sĩ của tôi sống sót. Nếu bạn nghĩ người ta phê phán chúng tôi về mặt này thì nói cách khác - bạn đã lầm. Công thức rất đơn giản, như các góc của ngôi nhà. Và chiến tranh, theo cảm nhận của tôi - đó chính là cuộc sống giống như bất kỳ cuộc sống nào khác.
Có phụ nữ, vodka, có sự phản bội, có cân nhắc về sự nghiệp, nhưng đôi khi nó xen kẽ các trận đánh. Tóm lại, đó là cuộc sống thông thường của con người, chỉ có điều tốc độ rất nhanh: buổi sáng tắm rửa cạo râu rồi đi như mọi ngày - đến chiều tối đã qua đời.
Bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra. Bởi vậy, tất cả mọi thứ đều rất nhanh - và đột nhiên người ta giết bạn mà bạn thì không kịp làm điều ngược lại?
Tạp chí Medved: Giết người khó lắm phải không?
Каren Tariverdiev: Có lẽ là vậy.
Tạp chí Medved: Chiến tranh có luật lệ riêng của nó, nhưng còn có một đạo luật khác, trong đó nói rằng: "Ngươi không được giết người". Anh có thể nói gì?
Каren Tariverdiev: Cần lau vũ khí cho sạch.
Tạp chí Medved: Thế là thế nào?
Каren Tariverdiev: Tôi có trận đầu tiên rất điển hình. Nhiệm vụ - càn quét kishlak. Tôi nghe thấy trung sĩ của tôi hét lên: "Trung úy, bên phải!" Cái gì bên phải? Anh ta lại hét lên, "Bên phải! Nằm xuống!". Tôi nhìn sang - cách tôi mười mét là một tảng đá và một tên "dukh", nòng súng trường hướng đúng trán tôi. Chẳng có chỗ nào để biến.
Karen Tariverdiev, chủ nhiệm trinh sát chi đội Gazni (ngoài cùng bên trái hàng trước), cùng đồng đội thuộc chi đội đặc nhiệm 177 ( chi đội Gazni ) tại Afghanistan.
Và sau đó, như thể trò đùa, hắn ta không bắn, tôi vụt thoát khỏi cú chết lặng lần đầu, lao người xuống đất, lăn qua một bên, bắn, sau đó bắn tiếp - tôi lia vào hắn khoảng mười lăm viên. Sau đó lại gần, thế là xong - alles! - Chỉ có ba viên trúng hắn! Nhặt khẩu súng trường, tôi ngồi vào xe bọc thép và chúng tôi trở về.
Vâng, lẽ tự nhiên là tôi choáng ngợp cảm xúc, và tôi kể lại trường hợp này cho Thượng úy Khubaev, bạn của tôi. Đến lúc đó anh có kinh nghiệm nhiều rồi, không tồ như tôi.
Khubaev nghe và nói, "Cậu nói dóc! Cậu chết rồi". - "Chết cái gì, tớ rõ ràng đang còn sống đây thôi! Mà khéo ruồi muỗi sắp xơi hết tên "dukh" đó rồi". - "Thế súng trường của hắn đâu?". Anh ấy cầm khẩu súng trường và xăm xoi... "Giờ thì nhìn đi, lý do tại sao cậu thoát chết đây này".
Trong hộp khóa nòng khẩu súng trường có cát, và do đó viên đạn bị kẹt. Theo nhà thông thái thì gọi là "hộp tiếp đạn không đẩy được viên đạn lên".
Khi Khubaev đến Moskva và ghé lại nhà tôi, mẹ tôi nấu cho anh ấy ăn, mọi người ngồi trong phòng bếp, bà hỏi:
- "Các con làm gì bên đó trong thời gian không phải thi hành nhiệm vụ?"
- "Ai làm việc ấy: người đọc sách, người chơi guitar, những người khác thì làm việc gì đó."
- "Thế con trai cô nó làm gì?"
- "Nó ấy à, thưa cô Elena Vasilevna, nó thường xuyên lau súng".
Vậy đấy, tôi kỳ cọ vũ khí của mình suốt hai năm, do đó mà còn sống. Và tôi sẽ nói gì với tên "dukh" này ở bên đó đây? "Phải thông nòng súng cho thật sạch!".
Đăng nhận xét