Hệ thống hồ Tân Mỹ có tổng vốn đầu tư khoảng 2.920 tỉ đồng. Đây là dự án thủy lợi lớn nhất Ninh Thuận, phục vụ đa mục tiêu. Hồ này sẽ cấp nước tưới cho gần 4.400 ha đất sản xuất của 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái, đồng thời tiếp nước cho hệ thống thủy nông Nha Trinh - Lâm Cấm để tưới cho khoảng 12.800 ha đất vùng hạ lưu TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, cấp nước ngọt cho 1.630 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho hơn 100.000 dân.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đang được thi công
Công trình này gồm 2 cụm: Hồ đầu mối chứa nước xây dựng trên sông Cái và cụm đập dâng Tân Mỹ cách hồ khoảng 13 km về phía hạ lưu. Theo thiết kế, dung tích hồ hơn 203 triệu m3, đập chính và đập phụ số 1 dài 1,3 km, 3 đập phụ còn lại có tổng chiều dài 1,5 km. Trong dự án này, một hệ thống kênh tưới chính dài 36,5 km và 40 kênh nhánh cấp 1 có tổng chiều dài khoảng 67 km cũng được xây dựng.
Đến nay, đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành hệ thống đập dâng vượt lũ, cửa lấy nước, bể áp lực; đang khẩn trương thi công hơn 7 km đường ống chính để có thể thử nghiệm tưới vào cuối năm 2017.
Đầu tháng 4-2017, đập hạ lưu sông Dinh thuộc TP Phan Rang - Tháp Chàm cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận khởi công. Công trình thủy lợi này vừa chống xâm nhập mặn từ cửa biển Đông Hải vừa tạo hồ chứa nước ngọt 3,5 triệu m3 phục vụ hơn 50 ha đất sản xuất, nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 dân của TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Phước và KCN phía Nam của tỉnh vào mùa hạn. Trong dự án, một cầu nối 2 bờ sông Dinh phía hạ nguồn cũng được xây dựng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương.
Tổng kinh phí công trình này là 700 tỉ đồng, dự kiến cuối quý I/2019 sẽ hoàn thành.
Ninh Thuận được ví như “tiểu vùng sa mạc” của Việt Nam với gần 10 tháng nắng/năm nên thường xuyên xảy ra hạn hán. Liên tục trong 3 năm 2014 - 2016, hạn hán đã gây thiệt hại gần 20.000 ha cây trồng; hàng ngàn gia súc suy kiệt vì thiếu thức ăn, nước uống; hàng trăm ngàn người dân nông thôn, vùng cao lâm cảnh khốn khó.
Tin-ảnh: L.Trường
Đăng nhận xét