Ngày 2-4, ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận ngư dân Quảng Ngãi đã trả lại 2 tàu cá vỏ thép cho đơn vị chủ quản vì hoạt động không hiệu quả.

Liên tục hư hỏng

Hai tàu cá bị trả lại là Sang Fish 01, được giao cho ngư dân Phan Bé (ngụ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) và Hoàng Anh 01 giao cho ngư dân Mai Thành Văn (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn). Cả 2 tàu đều do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đóng, giao cho ngư dân theo dạng cho thuê. Mỗi tàu trị giá khoảng 7 tỉ đồng, ngư dân trả trong 7 năm.

Do khai thác không hiệu quả, ngư dân đã trả lại tàu Hoàng Anh 01 cho đơn vị chủ quản Ảnh: TỬ TRỰC

Do khai thác không hiệu quả, ngư dân đã trả lại tàu Hoàng Anh 01 cho đơn vị chủ quản Ảnh: TỬ TRỰC

“Sau khi trả tàu vỏ thép, tôi đang dùng tàu vỏ gỗ truyền thống ra khơi. So với tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ ổn định và khai thác hiệu quả hơn” - ngư dân Phan Bé so sánh.

Ông Bé đã tiếp nhận Sang Fish 01 được 2 năm và có khoảng 10 lần ra khơi nhưng hầu như chuyến biển nào máy tàu cũng gặp sự cố. “Khi hỏng máy thì lỗ nặng. Cũng có khi vớt vác được chút ít, bù cho những chuyến lỗ nhưng nhìn chung cả 10 chuyến biển đều làm không công. Từ khi nhận Sang Fish 01 đến nay, tôi chưa trả được đồng nào theo hợp đồng với đơn vị chủ quản con tàu. Vì vậy, tôi quyết định trả lại tàu” - ông Bé giải thích.

Trong khi đó, ông Mai Thành Văn cho biết tiếp nhận tàu Hoàng Anh 01 được gần 2 năm và đi 5 chuyến biển nhưng 3 chuyến bị hỏng máy, không có lãi nên phải trả lại.

Theo 2 ngư dân này, ngoài hư máy, tàu hoạt động không hiệu quả còn do thiết kế không phù hợp, gây khó khăn trong quá trình khai thác…

Nhiều nguyên nhân

Đại diện Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang nhìn nhận Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01 thuộc những mẫu tàu vỏ thép đầu tiên được đóng mới trước khi có Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, chỉ có 2 tàu này gặp sự cố, các tàu đóng sau vẫn hoạt động bình thường.

“Tàu vỏ thép thường bị trục trặc là do ngư dân chưa quen với việc vận hành. Hơn nữa, thiết kế nguyên gốc của tàu là phải sử dụng máy mới nhưng ngư dân lại yêu cầu lắp máy cũ cùng ngư cụ không đúng chuẩn nên quá trình vận hành xảy ra sự cố” - ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, phân tích.

Về việc không sử dụng máy mới, ngư dân Phan Bé lý giải: “Giá máy cũ thấp hơn rất nhiều. Hiện giá máy mới nhập về khoảng 2 tỉ đồng, trong khi cũng máy đó nhưng đã qua sử dụng chỉ 300-400 triệu đồng. Tất nhiên, sử dụng máy cũ phải gặp rủi ro nhưng không thể hư hỏng thường xuyên như máy của tàu tôi thuê”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - thừa nhận: “Tâm lý sử dụng máy cũ của ngư dân khi đóng tàu có từ xưa. Nếu xét về mặt kinh tế, rõ ràng máy cũ có lợi hơn rất nhiều. Cùng công suất nhưng nếu lắp máy mới, chi phí con tàu có thể lên đến 5 tỉ đồng, trong khi dùng máy chất lượng còn khoảng 70%-80% thì chỉ khoảng 3 tỉ đồng, phù hợp với khả năng chi trả của ngư dân”.

Đại diện Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang cho rằng Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 là 2 tàu đóng thử nghiệm nên có nhiều khiếm khuyết, hiệu quả khai thác không cao. Công ty ghi nhận đóng góp của ngư dân để có thiết kế phù hợp hơn.

Vật liệu composite và gỗ chiếm ưu thế

Trong khi đó, tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết tỉnh đã phê duyệt đóng mới, cải hoán 54 tàu cá, tàu dịch vụ theo Nghị định 67. Hiện số đã đưa vào khai thác là 15 chiếc, trong đó 11 tàu đóng mới bằng composite, 4 tàu gỗ, không có tàu vỏ thép. Số tàu đang chuẩn bị hồ sơ để đóng mới là 8 chiếc, trong đó 7 chiếc bằng vật liệu composite, chỉ có 1 chiếc vỏ thép.

Như vậy, sau nhiều năm ban hành Nghị định 67, tàu vỏ thép mặc dù được vay ưu đãi đến 95% giá trị nhưng ngư dân Khánh Hòa vẫn không mấy mặn mà. Lý giải thực trạng này, ông Chánh cho rằng tàu vỏ thép, vỏ composite đều có ưu và nhược điểm riêng. Vật liệu composite phù hợp với tàu nhỏ, dễ di chuyển, kinh phí duy tu, bảo dưỡng thấp. Còn tàu vỏ thép chịu va đập, chống chọi với sóng gió tốt, thích hợp cho những tàu lớn, dài trên 35 m.

Tuy nhiên, tàu vỏ thép giá cao, chi phí vận hành và duy tu hằng năm cũng rất cao, gần như gấp đôi tàu composite, tàu gỗ. Bên cạnh đó, ngư dân chưa quen sử dụng tàu vỏ thép nên khai thác không hiệu quả. “Mới đây, tàu Lady Thuy’s của tỉnh Bình Định bị hỏng máy phải cập cảng Nha Trang sửa chữa khiến ngư dân Khánh Hòa nghi ngờ về hiệu quả của tàu vỏ thép” - ông Phúc cho biết.

Tử Trực - Kỳ Nam

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.