Từ đầu tháng 4 đến nay, mỗi ngày có cả trăm ghe hút cát trái phép trên sông Cái, đoạn kéo dài từ huyện Khánh Vĩnh đến tận TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hoạt động khai thác cát diễn ra tấp nập trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Manh động, liều lĩnh

Nhức nhối nhất là đoạn sông Cái dài trên 12 km chảy qua các xã Diên Lâm, Diên Phước, Diên Sơn, Diên Thọ, Diên Đồng, Diên Lạc, thị trấn Diên Khánh, Diên Phú, Diên An… của huyện Diên Khánh. Ở đoạn sông này, lúc cao điểm có hàng trăm lượt ghe ra vào hút cát, hoạt động bất kể ngày đêm.

Tại khu vực thôn Hạ, xã Diên Lâm, theo ghi nhận của chúng tôi, lúc giữa trưa, chỉ một đoạn sông ngắn vài trăm mét có hơn 10 chiếc ghe thay nhau hút cát, mỗi ghe có từ 1-2 người. Chúng tôi tiến sát chiếc ghe đang neo giữa lòng sông trong lúc 2 người trên ghe cột ống hút vào sào tre rồi đâm xuống nước. Sau 20 phút nổ máy, cát theo đường ống phụt đầy khoang. Hút xong, chiếc ghe đưa cát đến bãi tập kết gần đó rồi tiếp tục quay ra “rút ruột” lòng sông. Việc hút cát diễn ra rất công khai, tấp nập như thế gây náo động cả khúc sông.

Các ghe hút cát lậu diễn ra công khai trên sông Cái, khu vực xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh

Các ghe hút cát lậu diễn ra công khai trên sông Cái, khu vực xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh

Theo tìm hiểu, ở xã Diên Lâm có khoảng 6 bãi tập kết cát quy mô lớn. Xe múc, xe tải hoạt động liên tục để phục vụ cho việc mua bán cát. Những bãi này của các ông D.Q.P, V.Đ.T, H.N.T, … thuê trồng cây nhưng tự ý mở đường ra ven sông, tập trung mua bán cát trái phép. Giá thu mua tại bãi từ 350.000- 420.000 đồng/xe loại 2,5 m3, tùy loại cát và đoạn đường vận chuyển. Với giá này, mỗi ghe có thể thu 2-4 triệu đồng/ngày. Lợi nhuận cao khiến người dân đổ xô đi hút cát trộm. “Máy hút cát nổ ầm ĩ từ sáng đến khuya. Ghe đi hút cát đông như trẩy hội. Mùa hè hút càng nhiều thì mùa đông sụt lún càng nặng. Vườn nhà tôi bị cuốn xuống sông kéo dài cả chục mét. Chúng tôi không thể an tâm sinh sống khi tình trạng hút cát này còn tồn tại” - bà Trần Thị Ngôn (ngụ thôn Hạ, xã Diên Lâm) bức xúc.

Tình trạng hút cát trộm trên sông Cái cũng diễn ra tấp nập ở các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh và phường Ngọc Hiệp thuộc TP Nha Trang. Mặc dù mới đây, UBND TP Nha Trang có văn bản chỉ đạo các địa phương trên tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái nhưng cát tặc vẫn lộng hành. Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho biết việc hút cát trộm được tổ chức khá bài bản. Những người khai thác phân công nhau theo dõi lịch trình đi kiểm tra của lực lượng chức năng nên ít khi bị phát hiện.

Cũng theo ông Mỹ, những người khai thác cát lậu rất manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng. Mới đây, 6 cán bộ của xã Vĩnh Ngọc trong lúc đi kiểm tra đã bị 10 đối tượng rượt đuổi, hành hung.

Công an cũng “bó tay”

Trước nạn cát tặc lộng hành, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép không có chiều hướng hạ nhiệt.

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, trong năm 2016, huyện bắt giữ 8 ghe hút cát lậu; tịch thu 700 m3 cát, đấu giá được 42 triệu đồng; xử phạt 7 trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép với số tiền 6,2 triệu đồng. Kết quả trên là thấp khi hiện nay huyện này còn 22 bãi tập kết cát trái phép nằm dọc sông Cái. Ông Hùng thừa nhận khó xử lý triệt để vì dẹp bãi này thì bãi khác mọc lên.

Sông Cái đoạn qua thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang bị sạt lở nghiêm trọng

Sông Cái đoạn qua thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang bị sạt lở nghiêm trọng

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh cũng cho rằng việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là luôn vấp phải sự chống đối, thách thức từ chính những người khai thác cát lậu. Cụ thể là thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện nhiều lần bắt quả tang việc mua bán cát trái phép nhưng khi lập biên bản vụ việc, chủ bãi, tài xế xe múc bỏ đi, không hợp tác. “Vì đoàn kiểm tra không ai biết lái xe nên tang vật không thể đưa về trụ sở để xử lý được. Còn xử phạt hành chính thì chỉ ở mức 300.000 đồng nên không đủ sức răn đe” - vị đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh nói.

Ngay cả lực lượng công an dường như cũng “bó tay” trước cát tặc. Thượng tá Nguyễn Thành Linh, Phó Trưởng Công an huyện Diên Khánh, khẳng định lực lượng công an thường xuyên truy quét nhưng chỉ mới ngăn chặn được phần ngọn là xử lý các đối tượng vận chuyển trên bờ. Còn đối tượng khai thác ở dưới sông thì chào thua. Theo thượng tá Linh, UBND huyện mới chuyển ca nô cho Công an huyện nhưng do chưa được kiểm định nên… không dám xuống nước. Vả lại, tài công lái ca nô cũng chưa có. “Vấn đề này khó lắm. Dư luận cứ nói công an huyện bảo kê nhưng sự thật là vậy. Cảnh sát môi trường tỉnh tham gia hỗ trợ nhưng cũng làm theo kiểu thủ công. Bản thân tôi cũng trực tiếp truy đuổi mấy lần nhưng các đối tượng này đánh đắm luôn ghe. Đánh đắm gần bờ thì còn trục vớt được chứ đánh giữa dòng thì cũng chịu. Mượn phương tiện bên ngoài thì tài công ngại. Khó thì khó vậy nhưng chúng tôi vẫn phải làm” - thượng tá Linh nói.

Tốn tiền tỉ làm kè

Tình trạng khai thác cát quá mức đang làm sông Cái bị sạt lở nghiêm trọng. Để chống sạt lở, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình, đề nghị trung ương hỗ trợ 150 tỉ đồng làm kè bờ hữu sông Cái tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang khi điểm sạt lở này ảnh hưởng đến 150 nhà dân; hỗ trợ 100 tỉ đồng để làm kè chống xói lở bờ sông Cái, đoạn qua các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc khi các điểm sạt lở ảnh hưởng đến hơn 250 căn nhà với 1.000 người dân.

Kỳ tới: “Sông mẹ”, “sông cha”… cũng khóc!

Bài và ảnh: KỲ NAM

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.