Phát biểu tại Hàn Quốc hôm 18-4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói “mọi lựa chọn vẫn còn ở trên bàn”. Phát biểu này lặp lại những gì Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H. R. McMaster nói khi trả lời phỏng vấn đài ABC hôm 16-4, theo đó, “tất cả lựa chọn của chúng ta đều nằm trên bàn, đang được sàng lọc và phát triển hơn nữa”. Dù vậy, cũng chính ông McMaster lại khiến mọi chuyện càng mơ hồ khi nói thêm trong cuộc phỏng vấn rằng “đã đến lúc chúng ta phải tiến hành tất cả hành động có thể, không tính đến lựa chọn quân sự, để cố gắng giải quyết vấn đề một cách hòa bình”.
Tàu sân bay USS Carl Vinson đi qua eo biển Sunda, Indonesia hôm 15-4. Ảnh: REUTERS
Chưa hết, theo tờ The Korea Times, Washington còn khiến Seoul bối rối về thời gian biểu triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Chẳng hạn, tại cuộc họp báo chung với quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn hôm 17-4, ông Pence cam kết thiết lập THAAD trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc (dự kiến vào ngày 9-5 tới). Dù vậy, cố vấn chính sách đối ngoại Nhà Trắng đi cùng ông Pence đến Seoul lại đưa ra phát biểu khác hẳn một ngày trước đó. Cụ thể, quan chức giấu tên này cho biết vấn đề hoàn tất triển khai THAAD sẽ do tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc quyết định.
GS Yang Moo-jin của Trường ĐH Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng một loạt phát biểu “trước sau không như một” là bằng chứng chính quyền ông Trump chưa có chính sách đầy đủ về vấn đề Triều Tiên. “Mỹ vẫn đang hoàn thiện các chiến lược đối ngoại và đó có lẽ là lý do các phụ tá của ông Trump không có tiếng nói chung về một số vấn đề” - ông Yang giải thích cũng như nói thêm một lý do khả dĩ khác là đội ngũ nhân sự của chính quyền mới vẫn chưa đầy đủ.
Trái lại, ông Park Won-gon, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Toàn cầu Handong, đánh giá chính quyền ông Trump biết rõ mình làm gì để chính sách “can dự và gây áp lực tối đa” đạt hiệu quả. Theo ông Park, Mỹ muốn khiến giới lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy “mất ăn mất ngủ” bằng cách biến bước đi kế tiếp trở nên khó đoán. Nếu những gì ông Park nói là đúng, có lẽ Mỹ đã ít nhiều thành công với động thái “triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên” vào tuần rồi bởi thông tin mới nhất hôm 19-4 cho thấy nhóm tàu này lại đi theo hướng trái ngược, tức qua eo biển Sunda để vào Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Reuters đã chỉ ra nguy cơ chính quyền ông Trump mất uy tín và chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên bị ảnh hưởng tiêu cực nếu những lời đe dọa đưa ra không còn đáng tin.
Hoàng Phương
Đăng nhận xét