Đặc ân ấy chính là tình yêu vô điều kiện và vô bờ bến của giới mộ điệu dành cho âm nhạc của tác giả hoa vàng - mưa hồng - hạ trắng - nắng thủy tinh! Cũng bởi hai điều ấy mà làm nên sự bất hủ của nhạc Trịnh trong lòng công chúng bao thế hệ.

 Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn trình diễn một ca khúc của Trịnh trong đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn” ở Đường sách Nguyễn Văn Bình vào tối 1-4 Ảnh: ĐẶNG TOÀN

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn trình diễn một ca khúc của Trịnh trong đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn” ở Đường sách Nguyễn Văn Bình vào tối 1-4 Ảnh: ĐẶNG TOÀN

16 năm kể từ ngày mất của ông, nhạc Trịnh vẫn tuôn chảy. Chừng đó thời gian có đủ để gọi là bất hủ chưa? Không thể lấy cột mốc 2001 - năm ông lìa xa trần thế - hay bất cứ thời điểm nào trước đó để cân đo đong đếm sức sống của âm nhạc Trịnh Công Sơn, để xác quyết bất hủ hay không bất hủ. Nhạc Trịnh phi thời gian, vượt qua mọi không gian để trường tồn. Nó thấm vào máu của người yêu âm nhạc rồi, vì thế mà hóa thành bất tử.

Tài năng của Trịnh, khỏi phải bàn. Giai điệu, ca từ, yêu đương, thời cuộc, minh triết…, những thành tố kết cấu đậm đặc trong bao bài hát về tình yêu và thân phận đặc trưng Trịnh Công Sơn, chẳng lẫn vào đâu được. Mỗi khi hát lên, tại đâu, với ai và vào thời điểm nào, người ta đều dễ dàng nhận ra tác phẩm của Trịnh. Có khi chỉ cần vài nốt nhạc dạo đầu, có lúc chỉ với dăm ca từ hoặc một đôi câu, là biết.

Tình yêu dành cho Trịnh, cũng khỏi phải bàn. Ít, thậm chí hiếm, có nghệ sĩ nào mà đến ngày giỗ thì công chúng mọi miền đều nhớ. Xứ Huế quê nhà tất nhiên làm sao quên. Sài Gòn - TP HCM, nơi ông sống một quãng thời gian lớn trong đời, tưởng niệm cố nhạc sĩ bằng nhiều cách khác nhau. Ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch (quận 3), nơi ông ở lúc sinh thời, mở cửa từ 6 giờ ngày 1-4 để đón khách vào thắp nhang tưởng nhớ và tham quan. Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) cũng tổ chức đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn” từ 19 giờ với sự trình diễn của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ. Cùng đêm, tại nghĩa trang Gò Dưa (quận Thủ Đức) còn có buổi hát “Đêm thao thức cùng Trịnh”. Như mọi năm, người trên cõi đời với mọi giới, mọi thành phần, mọi nơi tụ về bên phần mộ của ông, cất lên những bản tình ca đi cùng năm tháng, để cùng nhủ khuyên: “Hãy ru nhau trên những lời gió mới/Hãy yêu nhau đi cho gạch đá có tin vui/Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi/Dù mai này người có xa người…” (Hãy yêu nhau đi).

Thế đó, nhạc Trịnh theo dấu thời gian nên trở thành sống mãi. Theo dấu chân người nên trở thành quen thuộc, thân thương, lắm khi xem lời ca tiếng nhạc của Trịnh là lời ăn tiếng nói thường ngày của mình. Ví như người viết mấy lời này, mỗi lần về khuya, đặt chân lên bậc thềm nhà thì lại nhớ, lại trầm tưởng: “Một đêm bước chân về gác nhỏ/Chợt nhớ đóa hoa tường vi/ Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ…” (Đêm thấy ta là thác đổ).

Có đóa tường vi nào đâu, chỉ là mang theo bên mình một chút trong khối di sản lớn lao của người nhạc sĩ thiên tài ấy thôi…

Hoài Phương

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.