Dàn diễn viên không có ngôi sao, thậm chí phần lớn là nghiệp dư, nhưng “Cha cõng con” vẫn cuốn hút, lấy được nước mắt của không ít khán giả bởi câu chuyện buồn về thân phận con người được kể một cách nhân văn, đầy xúc động.
Phát điên nếu không làm được
Đó là câu chuyện về Cá, một cậu bé vùng cao mất mẹ, sống với bố trên bến sông. Hằng ngày, hai bố con giăng lưới bắt cá, sống cuộc đời bình yên cho đến khi bạo bệnh ập đến với Cá. Những hình ảnh đầy ắp tình yêu thương của bố con bé Cá trên ngôi nhà tuềnh toàng nơi bến sông khiến nhiều người xem phim giật mình tự hỏi mình đã yêu con, đã quan tâm đến con như thế chưa? Không ít khán giả đã khóc vì mơ ước giản dị được chạm đến bầu trời của cậu bé vùng cao; vì sự bất hạnh có thể đến với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào vì không ai biết được phía trước của đời mình là gì. Họ cũng khóc vì tình cảm giữa người với người, vì sự cô đơn của con người trước thiên nhiên, trước số phận cay nghiệt mà “ông trời” bắt các nhân vật phải chịu. Thiên nhiên hùng vĩ đẹp đến nao lòng trong bộ phim trái ngược hẳn với đời sống đầy rẫy những bất trắc, đau khổ của con người nơi đó thực sự là nỗi ám ảnh đối với người xem.
Cảnh trong phim “Cha cõng con” Ảnh: Ngọc Trâm
Đạo diễn Lương Đình Dũng từng tâm sự anh sẽ phát điên nếu không làm được bộ phim này. Ý tưởng thực hiện bộ phim đã đau đáu trong suy nghĩ của anh suốt cả chục năm. “Nhiều lần tôi đã khởi động dự án nhưng đều chưa thành. Lần thì thiên tai, bối cảnh bị ngập lụt; lần thì diễn viên thay đổi; lần vì tiền bạc không đủ để làm. Đã có lúc tôi muốn ngừng nhưng rồi việc ấy làm tôi phát điên” - đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.
Kết quả của 10 năm lận đận là một bộ phim giản dị, đầy nỗi buồn về thân phận con người nhưng không bi lụy, tuyệt vọng đã ra đời.
Lựa chọn mạo hiểm
“Cha cõng con” lấy ý tưởng từ một truyện ngắn của đạo diễn Lương Đình Dũng viết cách đây nhiều năm. Xúc động với câu chuyện trong truyện, biên kịch nổi tiếng của Hollywood là Pilar Alessandra đã quyết định biên tập miễn phí cho đạo diễn này. Sau nhiều năm ấp ủ, chuẩn bị, năm 2013, Lương Đình Dũng bắt tay thực hiện nhưng dự án phim phải dừng lại vì bối cảnh Hà Giang bị ngập lụt. Mãi đến năm 2015, việc quay phim mới khởi động trở lại. Không như nhiều đạo diễn khác thường chọn cách sử dụng kỹ xảo cho những cảnh thiên tai lũ lụt, Lương Đình Dũng chọn cách làm mạo hiểm, đánh cược với thiên nhiên, đó là quay vào tháng 7, khi mùa lũ về để có những hình ảnh thật nhất. Anh cũng rất mạo hiểm khi chọn một dàn diễn viên tay ngang. Vai Cá được đạo diễn giao cho Đỗ Trọng Tấn, cậu bé đến từ Làng trẻ em SOS Việt Trì. Ngô Thế Quân, diễn viên tay ngang từng tham gia phim “Thời xa vắng”, đảm nhận vai ông bố.
Trong khi hầu hết phim điện ảnh thường quay trong 1 tháng, phim mới của Lương Đình Dũng mất gần 80 ngày. Thời gian quay phim bị đội lên gấp đôi bởi anh quá kỹ tính trong công việc khi luôn yêu cầu các diễn viên cũng như quay phim phải làm đi làm lại đến lúc ưng ý mới thôi. Trong khi đó, dàn diễn viên hầu hết là dân nghiệp dư, đa phần trẻ con nên việc ghi hình gặp không ít khó khăn. “Tôi thà làm như vậy còn hơn là dùng một cảnh quay non tay” - Lương Đình Dũng khẳng định. Thậm chí, sau mỗi cảnh quay, anh còn hỏi ý kiến các thành viên trong đoàn như một cách kiểm tra. Nếu nhận câu trả lời “được”, anh sẽ yêu cầu làm lại đến khi nào nghe thấy phản hồi “tốt” mới thôi.
Như một cách đền đáp cho những nỗ lực của cả ê-kíp, “Cha cõng con” đã nhận được khá nhiều ưu ái từ thời tiết. “Thật may là khi chúng tôi cần nắng có nắng, cần mưa có mưa, cần trời mây âm u có âm u. Khi đặt máy quay, cả một đàn chim bay qua khiến cho cảnh đó đẹp tuyệt. Lũ về cho chúng tôi những cảnh quay không cần kỹ xảo và lũ cũng rút đúng thời điểm, nếu không chúng tôi đã sập bộ phim” - Lương Đình Dũng kể.
Âm nhạc và hình ảnh quá ấn tượng
Hình ảnh bố con Cá nhỏ bé, cô đơn trên chiếc thuyền lọt thỏm giữa sông nước mênh mông ngược về thành phố để điều trị căn bệnh ung thư máu trên nền âm nhạc thực sự là hình ảnh khó quên nhất của bộ phim. Đẹp, ấn tượng, ám ảnh là cảm xúc mà không phải bộ phim nào cũng mang lại cho khán giả. Dù là phim đầu tay nhưng Lương Đình Dũng đã quy tụ được một ê-kíp tài năng bên cạnh mình, như quay phim Lý Thái Dũng, dựng phim Julie Beziau (Pháp), Phạm Thị Hảo, nhạc sĩ Hàn Quốc Lee Dong-jun.
Quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ vì anh tôn trọng sáng tạo của đồng nghiệp nên chấp nhận sự “điên rồ” của Lương Đình Dũng. Để có được cảnh cậu bé chạy trên triền cỏ xanh, giữa ánh sáng vàng ruộm, hoa cỏ may phất phơ trong gió, đạo diễn bộ phim đã thuê người chăm sóc riêng cho cây cối. Mỗi ngày, ê-kíp chỉ có 15 phút để quay bởi đó là thời điểm ánh sáng tốt nhất. Riêng cảnh này, nhóm của Lương Đình Dũng phải mất mấy ngày mới có sản phẩm ưng ý. Ê-kíp cũng phải liên tục di chuyển giữa các địa điểm gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, TP HCM. Khi các cảnh quay đã hoàn thành, về đến phòng dựng, đạo diễn xem lại thấy vẫn chưa thực sự hài lòng về vẻ đẹp của thiên nhiên, anh lại bắt cả ê-kíp đi từ Hà Nội lên Hà Giang quay thêm 3 lần nữa để có những hình ảnh ưng ý nhất.
Không ai có thể phủ nhận góp phần lớn làm nên thành công của “Cha cõng con” chính là âm nhạc của phim. Điều ngạc nhiên, bất ngờ nhất là nhạc cho phim này do một nhạc sĩ Hàn Quốc làm. Âm nhạc trong phim của nhạc sĩ Lee Dong-jun cho thấy ông rất gần gũi, quá hiểu tâm trạng, cảm xúc của người Việt Nam. Lee Dong-jun chính là người từng làm nhạc cho những bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc: “Cờ bay phấp phới”, “Điều kỳ diệu của phòng giam số 7”, “Shiri”... Phải mất 2 tháng, Lee Dong-jun mới hoàn thành nhạc phim cho “Cha cõng con” và tiết lộ: “Tôi đã khóc khi xem phim này và đó chính là cảm hứng cho việc viết nhạc của tôi”. Dù sức khỏe không tốt và đang trong lịch trình dày đặc nhưng Lee Dong-jun vẫn bay sang Việt Nam để dự buổi ra mắt bộ phim vào tối 30-3. Nhạc sĩ rất sung sướng đón nhận những lời khen về phần âm nhạc tuyệt vời của mình dành cho “Cha cõng con”.
Ghi dấu ấn qua nhiều liên hoan phim quốc tế
Dù đến ngày 5-4 mới chính thức ra mắt khán giả trong nước nhưng “Cha cõng con” đã kịp có mặt và tham dự nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế. Bộ phim được Ban Tổ chức LHP quốc tế Boston lần thứ 15 lựa chọn trình chiếu và tham gia tranh giải. Cuối năm 2016, phim cũng đã được vinh danh “Phim dài xuất sắc” tại Canadian Diversity Film Festival và giải “Quay phim xuất sắc nhất” tại LHP Barcelona Planet. Hiện bộ phim cũng được đề cử hàng loạt hạng mục tại LHP quốc tế Milano lần thứ 17 diễn ra ngày 5-5 tại Ý vì được đánh giá cao trong sáng tạo và cách kể chuyện phim như giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Diễn viên xuất sắc nhất, Nhạc phim xuất sắc nhất, Bộ phim xuất sắc nhất…
Hoàng Lan Anh
Đăng nhận xét