Suốt những ngày qua, đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng hồ Gươm” đặt tại khu vực hồ Gươm của ông Tạ Hồng Quân gây tranh luận trái chiều của các chuyên gia, cơ quan quản lý cũng như dư luận. Thế nhưng, không chỉ có rùa vàng muốn đặt ở di tích quốc gia này.

Bị “ném đá” khi mới là đề án

Ông Tạ Hồng Quân cho rằng ý tưởng của mình nhằm góp phần để rùa vàng hồ Gươm - “Thần Kim Quy” trở thành biểu tượng độc đáo của Việt Nam và duy nhất của thế giới. Ông Quân lập luận: “Việt Nam đang thiếu một biểu tượng nhận diện mang đậm bản sắc dân tộc. Nếu nhìn sang Singapore thì sẽ bắt gặp biểu tượng sư tử hóa rồng, đến Pháp sẽ thấy tháp Eiffel, Mỹ có tượng Nữ thần tự do…”.

Theo ông Quân, rùa vàng sẽ được làm bằng đồng và vàng, nặng khoảng 10 tấn, cao 3,5 m, dài 2,5 m. Khu vực đặt rùa vàng là ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc khu vực vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn, kinh phí dựng tượng được huy động từ nguồn xã hội hóa và xây dựng trong 2 năm.

Đề án đúc tượng rùa vàng từng được ông Tạ Hồng Quân gửi đến UBND TP Hà Nội năm 2011 song chưa được lãnh đạo TP trả lời. Cuối năm 2016, ông Quân lần nữa gửi kiến nghị này đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Tuy nhiên, dù mới chỉ là đề án nhưng rất nhiều người đã lên tiếng phản đối việc đặt rùa vàng ở hồ Gươm. Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng đây là một đề án không thể tưởng tượng nổi và không nên có thêm những thứ nghệ thuật thừa thãi. Ông cũng cho rằng việc rùa trả gươm báu cho Lê Lợi nhuốm màu truyền thuyết và khi đã là truyền thuyết thì không nên hiện thực hóa.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thẳng thắn bác bỏ việc dựng tượng rùa vàng bởi không thấy vẻ đẹp của hình tượng rùa vàng qua phác thảo của đề án. Cá nhân ông không thích hình tượng con rùa vàng vì ở góc độ điêu khắc rất khó để đẹp. Nghệ sĩ này cũng cho rằng không nên đặt bất kỳ bức tượng nào ở hồ Gươm bởi không gian nơi đây đã có tượng vua Lê, tháp Rùa. Để tìm một vị trí mới phù hợp với việc đặt thêm tượng rùa vàng nữa là rất khó. Họa sĩ nổi tiếng đề xuất thay vì dựng thêm tượng, hãy trồng thêm nhiều hoa xung quanh hồ Gươm là phù hợp nhất.

Thận trọng với di tích quốc gia

Đây không phải lần đầu ý tưởng, đề án làm mới hồ Gươm bị phản đối.

Vào tháng 1-2017, UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội triển lãm các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm để lấy ý kiến người dân nhằm mang lại diện mạo mới cho thủ đô, như cải tạo vườn hoa Lý Thái Tổ, lát đá lòng đường, kè cỏ quanh bờ hồ Gươm... Trong những ý tưởng có “Đại lộ danh vọng” thuộc khu vực hồ Gươm. Theo đề xuất thì đây là tuyến đường khắc tên những nghệ sĩ, danh nhân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội, tương tự Đại lộ danh vọng của Mỹ. Sau khi công bố ý tưởng, giới chuyên gia, nhà khoa học, người dân phản đối quyết liệt, buộc UBND quận Hoàn Kiếm phải chỉ đạo đơn vị tư vấn loại bỏ nội dung làm “đại lộ danh vọng” này.

Cũng mới đây xôn xao với việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị UBND TP Hà Nội tạo điều kiện dựng phối cảnh 3D cho bộ phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo Đầu lâu) tại một điểm nổi bật trên phố đi bộ khu vực hồ Gươm để người dân thủ đô và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm, đồng thời trải nghiệm công nghệ chụp ảnh mới với mô hình và các trò chơi thú vị. Đề xuất này được cho là nhằm tận dụng sức ảnh hưởng dự án phim “Kong: Skull Island”, dự án phim Hollywood lần đầu tiên có cảnh quay tại Việt Nam. Tuy nhiên, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề nghị dừng ngay đề xuất này vì cho rằng khu vực hồ Gươm đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, cần hết sức thận trọng xem xét khi tổ chức các hoạt động. Theo sở này, vị trí đặt phối cảnh ở khu vực tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thậm chí ở khu vực xung quanh hồ Gươm là không phù hợp.

Phối cảnh tượng rùa vàng hồ Gươm, ý tưởng bị cho là không phù hợp

Phối cảnh tượng rùa vàng hồ Gươm, ý tưởng bị cho là không phù hợp

Vẫn không chịu dừng lại

Dù vậy, có vẻ như việc đưa các ý tưởng quanh vùng đất thiêng hồ Gươm không dừng lại.

Sau “tuyến đường vinh danh”, dựng phối cảnh 3D phim “Kong: Đảo Đầu lâu”, dựng tượng rùa vàng bị bác bỏ, mới nhất là ý tưởng xây dựng thủy cung ở hồ Gươm. Tác giả của ý tưởng là PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Vì không cho đặt tượng rùa ở trên bờ, ông Đức đưa ra ý tưởng cho… tượng rùa xuống hồ. Cụ thể, trong thủy cung xây tại hồ Gươm sẽ cho đặt biểu tượng rùa vàng. Ông Đức cho rằng xung quanh thủy cung có thể dựng những bức phù điêu để mô tả lại truyền thuyết vua Lê trả kiếm hoặc mô tả lại cuộc chiến chống quân Minh xâm lược, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo ông Đức, công viên thủy cung có thể “một công đôi việc”, vừa có nơi thờ thần Kim Quy vừa là nơi người dân có thể tìm hiểu lịch sử và thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh đề xuất này không phải là hôm nay mà cho mai sau. “Có thể ai đó đánh giá ý tưởng này là điên rồ nhưng với tôi, nó là ý kiến hay” - ông Đức chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho rằng đối với các di sản văn hóa, chúng ta có thể bảo vệ nguyên trạng, có thể là bảo vệ kế thừa, cũng có thể là bảo vệ phát triển. Riêng về bảo vệ và phát triển, thế hệ sau có thể phát triển thêm di sản cho thế hệ sau nữa một cách phong phú hơn.

Chưa biết quan điểm của lãnh đạo TP Hà Nội, các bộ - ngành liên quan sẽ ra sao về ý tưởng mới này nhưng có vẻ như các đề xuất “phát huy giá trị hồ Gươm” chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Hồ Gươm hiện đã có con rùa thật được ướp trong tủ kính tại đền Ngọc Sơn nên không cần thiết phải đúc tượng một con rùa đá hay rùa vàng để trưng bày thêm” - GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nêu quan điểm.

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển:

Đủ rồi, đừng làm gì thêm

Hồ Gươm đẹp, bí ẩn và luôn là một không gian thiêng bởi phủ lên nó là truyền thuyết hồ Gươm. Giờ ta lại đi cụ thể hóa sự tồn tại của loài rùa sống dưới đáy hồ bằng một bức tượng rất to. Điều này không những không biến rùa vàng thành biểu tượng mà có khi còn làm mất đi không gian thiêng của hồ.

Quanh hồ Gươm đã có đền Ngọc Sơn, tháp Bút, gò Rùa, đình Nam Hương, tượng vua Lý Công Uẩn, tượng vua Lê Thái Tổ chỉ tay xuống hồ gợi lại truyền thuyết về truyền thống chống giặc ngoại xâm… Theo tôi thế là đủ, không cần thêm tượng rùa vàng nữa. Nếu cứ cố đưa vào là sẽ thành lợi bất cập hại.

Một công trình tâm linh đặt vào khu vực hồ Gươm cần hết sức thận trọng vì đã làm thì không sửa được. Các nhà quản lý cần lắng nghe ý kiến chuyên gia và dư luận để có quyết định đúng.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội:

Đã có Khuê Văn Các làm biểu tượng

Liên quan đến ý kiến đề xuất rùa vàng là biểu tượng Hà Nội, tôi xin khẳng định Hà Nội đã có biểu tượng nhận diện là Khuê Văn Các và biểu tượng này được Quốc hội quy định trong Luật Thủ đô. Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, di sản quý báu của người dân Hà Nội và cả nước nên mọi công trình đưa vào đều phải rất cẩn thận.

Với những ý tưởng làm mới cho hồ Gươm, nếu được thành phố giao xem xét, chúng tôi sẽ lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và dư luận, sau đó trình Cục Di sản và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thẩm định. Không thể muốn làm gì cũng được.

TS Đào Ngọc Nghiêm, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc:

Phải cẩn trọng

Singapore có sư tử phun nước và hình ảnh này đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Ý tưởng xây dựng một hình tượng mới gắn liền với bờ hồ Gươm hay nhưng phải xem là đã thực sự phù hợp?

Có 2 vấn đề cần đặt ra, một là vị trí đặt ở đâu, hai là hình tượng đó như thế nào? Tôi cho rằng vị trí quyết định hình tượng. Sư tử ở Singapore được đặt ở biển để phun nước. Còn rùa ở hồ Gươm thì phải tính toán cẩn trọng. Hiện nay, trong quy hoạch không gian hồ Gươm không có hạng mục này.

H.L.Anh ghi

Bài và ảnh: Yến Anh

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.