Mới đây, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố kết quả thanh tra tại tỉnh Kiên Giang cho thấy nhiều “khuất tất” trong việc sử dụng máy móc ở các cơ sở y tế.
“Khoán” chụp chiếu bằng máy xã hội hóa
Tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Tiên, đơn vị này phối hợp với doanh nghiệp (DN) cung cấp máy chụp cắt lớp vi tính 2 lát cắt có giá 7 tỉ đồng theo hình thức xã hội hóa (XHH). Khi ký hợp đồng với đối tác cung cấp máy, BV này cam kết phải chụp tối thiểu 5 ca/ngày. Sau khi triển khai, BV chỉ thực hiện được 3 ca/ngày. Theo hợp đồng, BV sẽ phải bồi thường cho đối tác do không đạt lượng “khoán” chụp CT.
Khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế nhưng không để người bệnh bị tận thu từ các dịch vụ này
Theo kết luận thanh tra, về cơ bản, BV Đa khoa Hà Tiên đã triển khai quy trình thực hiện đề án XHH, liên doanh, liên kết lắp, khai thác thiết bị y tế chụp cắt lớp CT Scanner theo đúng hướng dẫn. Tuy nhiên, nội dung điều khoản ràng buộc BV phải chụp tối thiểu 5 ca/ngày là không phù hợp. Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cần có chỉ đạo bằng văn bản, yêu cầu DN liên kết phải bỏ những điều khoản ràng buộc trên. Đáng nói là phía DN liên kết cũng chưa cung cấp được giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc của máy khi đoàn kiểm tra yêu cầu.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tổng số máy XHH sử dụng tại các tỉnh đã hơn 2.600 máy, trong đó chủ yếu là trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh (CT Scanner, cộng hưởng từ, X-quang kỹ thuật số, siêu âm), chạy thận nhân tạo; xét nghiệm tự động các loại...
Ông Lê Văn Phúc, Phó Ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết XHH để cung cấp dịch vụ y tế trong BV công thời gian qua đã góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của nhân dân, nhất là những người có khả năng chi trả, góp phần hạn chế phải đi nước ngoài chữa bệnh. Nhưng trong quá trình kiểm tra, rà soát việc sử dụng trang thiết bị y tế tại các địa phương, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều cơ sở y tế (không dưới 50%) chỉ ký hợp đồng mượn trang thiết bị của các công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế... Để có thể được “mượn” máy như vậy, các cơ sở y tế phải cam kết thực hiện một số điều khoản ràng buộc như trong 1 tháng hoặc 1 quý phải sử dụng một lượng hóa chất hoặc thực hiện số lượt xét nghiệm nhất định. Với các điều khoản này, vô hình trung BV sẽ phải thực hiện theo cam kết với DN, dẫn đến nguy cơ người bệnh không cần nhưng vẫn phải làm xét nghiệm để BV đạt “chỉ tiêu” của DN cung cấp.
“Chúng tôi đã phát hiện nhiều cơ sở lạm dụng chỉ định các máy móc XHH. Đơn cử, Tại BV Đa khoa tỉnh Cà Mau, bên cạnh 1 máy tổng phân tích tế bào máu (cho ra 18 thông số) mua từ nguồn ngân sách, BV này cũng đầu tư 1 máy tương tự từ nguồn XHH (cho ra kết quả 28 thông số). Khoảng 90% số xét nghiệm được làm trên máy XHH và chỉ 10% làm trên máy của nguồn ngân sách nhà nước (chênh nhau 10.000 đồng/phiếu xét nghiệm). Trong khi các kết quả được in ra từ cả 2 loại máy phục vụ công tác điều trị chỉ có 15 thông số chứ không đủ 28 thông số” - ông Phúc nói.
Hành vi trục lợi
Trước đó, BHXH Việt Nam từng phát hiện một BV ở tỉnh Quảng Ninh chi phí cho xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30%-40% so với bình quân cả nước là chỉ khoảng 20%, dẫn đến bội chi BHYT khá cao. Theo ông Phúc, những máy XHH thường được chỉ định nhiều nhất là máy xét nghiệm sinh hóa máu, máu ngoại vi, xét nghiệm miễn dịch, chẩn đoán sớm ung thư. Ngoài ra, các máy xét nghiệm có dịch vụ đắt tiền được ký kết theo Thông tư 15 (góp vốn, liên doanh, liên kết) như CT Scanner, chụp cộng hưởng từ MRI… cũng được tận dụng tối đa.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, dẫn chứng tại nhiều cơ sở y tế, cứ bệnh nhân đến là “đè” ra xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang. Thậm chí, có bệnh nhân tháng nào cũng làm xét nghiệm đường huyết hay siêu âm tim 4 màu dù không có các dấu hiệu lâm sàng về đái tháo đường hay tim mạch. Trong khi đó, giá siêu âm tim rất cao, từ 300.000-500.000 đồng/lượt. Có cơ sở y tế bỏ máy chụp cắt lớp 32 dãy để nâng cấp lên 64 dãy và chỉ định cho bệnh nhân sử dụng dịch vụ này với giá cao dù nhiều bệnh chưa cần phải dùng đến.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng cho biết theo quy định của Bộ Y tế, các dịch vụ XHH phải có đề án cụ thể mới được thực hiện. Nhưng do công tác quản lý chưa chặt chẽ nên trong hơn 2.000 thiết bị XHH trên toàn quốc thì tới 40% không có đề án và hơn nửa số máy cho thuê cũng ở tình trạng trên. Điều này dẫn đến chất lượng các thiết bị y tế không thống nhất, nhiều BV không chấp nhận kết quả xét nghiệm hay chẩn đoán của nhau, gây tốn thời gian lẫn tiền bạc của bệnh nhân. Những hành vi gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tuy không mới nhưng biểu hiện rộng hơn, nghiêm trọng hơn.
Từ chối thanh toán BHYT
Theo ông Lê Văn Phúc, năm 2015, Quỹ BHYT chi hơn 1.700 tỉ đồng cho các dịch vụ kỹ thuật bằng máy XHH. Năm 2016, số tiền này lên đến 2.447 tỉ đồng. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở y tế chi không đúng quy định gần 200 tỉ đồng. BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh, thành tăng cường công tác giám định, từ chối thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy XHH chưa đúng quy định.
Bài và ảnh: Ngọc Dung
Đăng nhận xét