Quân đội Ukraine hôm 1-12 tiến hành cuộc diễn tập phóng tên lửa gần bán đảo Crimea - được sáp nhập vào Nga năm 2014 - dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của Moscow.
“Tiền lệ nguy hiểm”
Ông Volodymyr Kryzhanovski, phát ngôn viên Chỉ huy Lực lượng Không quân miền Nam Ukraine, cho biết hoạt động này phù hợp luật pháp quốc tế và diễn ra cách không phận Crimea ít nhất 30 km nên Moscow không có lý do gì chỉ trích Kiev. Cũng theo ông Kryzhanovski, các vụ phóng sẽ thử nghiệm tên lửa đất đối không tầm trung S-300 và là một phần cuộc diễn tập quân sự mô phỏng chiến đấu trên biển Đen. Ngoài ra, lực lượng không quân Ukraine sử dụng máy bay không người lái làm mục tiêu để kiểm tra khả năng tên lửa. Theo Reuters, Ukraine cho biết các vụ thử tên lửa nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, đồng thời khẳng định quân đội nước này sẵn sàng ứng phó bất kỳ diễn biến nào.
Theo kênh RT, Nga lập tức đặt hệ thống phòng không trong tình trạng báo động cao và cảnh báo sẽ trả đũa cuộc diễn tập mà nước này cho là hành động khiêu khích, “tiền lệ nguy hiểm”. Các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen đã vào vị trí ngoài khơi Crimea để tăng cường khả năng phòng không trong thời gian Ukraine thử nghiệm tên lửa. Truyền thông địa phương hôm 1-12 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng Nga có thể bắn hạ tên lửa Ukraine trong trường hợp cảm thấy bị đe dọa. Ông Konstanin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại Thượng viện Nga, cũng cảnh báo: “Chúng tôi sẽ có phản ứng quân sự. Tất nhiên, đó là kịch bản không được mong muốn nhất và tất cả chúng ta phải cùng nhau ngăn chặn điều đó”. Ông Kosachev nhắc Kiev nên nhớ bài học kinh nghiệm về cuộc xung đột giữa Nga và Georgia cách đây 8 năm.
Không quân Ukraine tập trận Ảnh: EPA
Trong khi đó, Cơ quan Vận tải Hàng không Nga (Rosaviatsia) cáo buộc quyết định đơn phương diễn tập phóng tên lửa của Ukraine (dự kiến diễn ra trong ngày 1 và 2-12) vi phạm thỏa thuận quốc tế. Rosaviatsia cho rằng các vụ phóng tên lửa sẽ lấn vào không phận dân sự của Nga và gây nguy hiểm cho an toàn hàng không.
Kiev tìm đến NATO
Dư luận đang lo ngại bất kỳ hành động trả đũa nào của Nga, nếu có, sẽ khiến quan hệ Nga - Ukraine thêm căng thẳng và không loại trừ nguy cơ xung đột. Tờ Daily Express (Anh) hôm 1-12 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ihor Dolhov cho biết Nga đã tăng cường triển khai 55.000 quân đến gần biên giới Ukraine. Ngoài ra, gần 30.000 binh sĩ Nga đang đồn trú tại bán đảo Crimea và các khu vực thân Nga ở Ukraine. “Có khoảng 5.000-7.500 binh sĩ Nga hiện diện thường trực trên lãnh thổ Ukraine. Tại Crimea, con số này là 23.000 binh sĩ, trong đó khoảng 9.000 binh sĩ đóng tại biên giới hành chính” - ông Dolhov cáo buộc.
Ông Vadym Skybitskiy, quan chức tình báo quốc phòng Ukraine, tố thêm các lực lượng Nga vào cuối tháng 10 diễn tập không kích tại lãnh thổ Ukraine. Trước đó 1 tháng, Nga cũng tập trận quy mô lớn ở Crimea. Ở chiều ngược lại, Nga cho biết vừa bắt 2 binh sĩ đào ngũ khỏi lực lượng vũ trang Ukraine và vượt biên vào nước láng giềng. Lực lượng biên phòng Nga ở khu Rostov-on-Don hôm 30-11 cho biết 2 binh sĩ Ukraine đào ngũ do không còn muốn chiến đấu. Hiện phía Ukraine chưa có bình luận gì về vụ việc.
Lo ngại “hành vi của Nga ở khu vực”, ông Aleksandr Turchynov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine (NSDC), hôm 30-11 cho biết Kiev đang thương thảo với NATO về việc tuần tra ở biển Đen. Liệt kê một loạt động thái quân sự gần đây của Nga như tăng cường phòng thủ ở tỉnh Kaliningrad, Địa Trung Hải và triển khai quân đến Syria, ông Turchynov nhận định: “Tất cả những điều này đòi hỏi phải có hành động phản ứng thích hợp, chủ yếu là từ phía NATO”.
Không tìm kiếm kẻ thù
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1-12 đọc thông điệp liên bang lần thứ 13 trước lưỡng viện quốc hội, tập trung vào chính sách đối nội và các mối quan hệ song phương quan trọng.
Theo đài RT, phần nội dung đối nội của thông điệp dài gần 70 phút này đề cập một loạt vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kinh tế, cải cách hành chính… Đáng chú ý, ông chủ Điện Kremlin đánh giá kinh tế Nga đang trì trệ vì những nguyên nhân bên trong hơn là tác động từ bên ngoài, như thiếu nguồn lực đầu tư, công nghệ hiện đại, nhân lực, sự cạnh tranh trong lúc môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề. Ông Putin dự báo GDP đất nước sẽ giảm 0,2% trong năm 2016, so với mức giảm 3,7% năm trước đó. Dù vậy, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh kinh tế đất nước đang trên đường hồi phục, thể hiện qua sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và một số lĩnh vực công nghiệp. Vì thế, ông cam kết chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ những lĩnh vực còn khó khăn, giảm thói quan liêu và cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng.
Về đối ngoại, ông Putin nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với các đối tác quốc tế nhưng không cho phép họ xâm phạm lợi ích đất nước hoặc can thiệp vào chuyện ra quyết định của mình. Ngoài ra, ông nói thêm Moscow không muốn liên quan đến bất kỳ cuộc đối đầu địa - chính trị nào nhưng sẵn sàng tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực khi cần. “Chúng tôi không tìm kiếm kẻ thù và chưa bao giờ tìm kiếm kẻ thù. Chúng tôi cần bạn bè” - ông Putin cho biết. Nhà lãnh đạo Nga cũng hy vọng quan hệ với Mỹ được bình thường hóa và hai nước cùng bắt tay chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trước mắt, Moscow sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới ở Washington sau khi ông Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới.
Thông điệp trên được đọc giữa lúc kinh tế Nga đón nhận một số thông tin lạc quan. Trước hết, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Moscow đồng ý giảm sản lượng khai thác hôm 30-11 hứa hẹn giúp giá dầu phục hồi, tác động tích cực đến kinh tế Nga vốn có nguồn thu ngân sách đáng kể đến từ xuất khẩu dầu. Bằng chứng là giá trị đồng rúp đã tăng theo sau quyết định trên.
Hoàng Phương
XUÂN MAI
Đăng nhận xét