Mỗi lần tới nhà ga quận Shibuya, Tokyo, là ta lại bắt gặp bảng hiệu “Lối vào Hachiko” (Hachiko Entrance). 

Bên ngoài nhà ga, hình ảnh chú chó Hachiko được khắc lên bức tường đá đủ màu cùng với bức tượng đồng của chú cũng xuất hiện rất nổi bật.

Lòng trung thành bất diệt

Năm 1924, chú chó Akita thuần Nhật màu vàng-nâu Hachi (tên gốc) được giáo sư nông học Hidesaburo Ueno nhận nuôi. Ông Ueno mang Hachi từ quê nhà Odeta lên quận Toyotama, nay là phường Shoto 1, quận Shibuya, thủ đô Tokyo, sinh sống. 

Sáng nào cũng vậy, Hachi cùng chủ nhân đi bộ đến ga Shibuya. Hachi thường đợi chủ qua cổng soát vé để bắt chuyến tàu đi làm rồi mới về. Đến buổi chiều, Hachi lại ra ga Shibuya chờ đón ông Ueno về dù thời tiết lạnh giá hay tuyết rơi dày.

Hơn một năm sau, vào tháng 5 năm 1925, khi Hachi mới có 18 tháng tuổi, ông Ueno bị đột quỵ khi đang giảng bài và mất tại đại học Tokyo. Người chủ yêu quý đã mãi mãi không thể trở về với Hachi.

Sau đó, Hachi được một người khác nhận nuôi và liên tục bị đổi chủ. Đến năm 1927, Hachi có chỗ ở ổn định là nhà của Kobayashi, người làm vườn cũ của giáo sư Ueno. Nhưng dường như chú không bao giờ quên được hình ảnh người chủ cũ của mình. 

Có những lần, Hachi trốn khỏi nhà chủ và tìm về nhà cũ của ông Ueno. Sau vài lần không thấy ông Ueno ở nhà, Hachi lại chạy đến sân ga Shibuya, nơi chú gặp chủ nhân lần cuối. Từ đó trở đi, trong suốt 10 năm đằng đẵng, ngày nào Hachi cũng đến ga Shibuya ngóng đợi ông Ueno trong vô vọng.

Trong những tháng ngày đến ga Shibuya chờ chủ, Hachi đã gây nên sự chú ý. Hirokichi Saito, một sinh viên cũ của giáo sư Ueno, đã bắt gặp Hachi ở ga rất nhiều lần và nảy sinh tò mò. Ông Saito đã theo chân Hachi đến nhà người làm vườn cũ của ông Ueno và ghi nhận lại câu chuyện cảm động này.

Năm 1932, một trong những bài báo của Saito được đăng trên tờ Asahi Shimbun, nhật báo lớn nhất Nhật Bản thời bấy giờ, đưa Hachi trở thành một hiện tượng quốc gia. Hachi được người dân Nhật Bản bày tỏ tình thương và sự quan tâm, chăm sóc. 

Họ gửi đến chú những cái ôm, những ổ bánh mì và đệm lót để ngủ ở nhà ga. Hachi còn được đổi tên thành Hachiko, với từ “ko” thêm vào biểu thị lòng kính trọng trong tiếng Nhật.

Đến ngày 8/3/1935, Hachiko qua đời. Một người phụ nữ ở quận Suginami đã tặng cho Bảo tàng Dân gian và Văn học Shibuya bức ảnh lúc Hachiko ra đi, những người dân ở nhà ga Shibuya đã quỳ xung quanh chú và chắp tay bày tỏ lòng kính trọng và khâm phục. Sau khi mất, Hachiko được nhồi bông và bảo quản tại Bảo tàng quốc gia về thiên nhiên và khoa học Nhật Bản.

Đoàn tụ sau 90 năm

Hachiko – huyền thoại trung thành của nước Nhật - Ảnh 1.

Mọi người tập trung xung quanh tượng đồng của Hachiko và chủ, ông Hidesaburo Ueno, tại đại học Tokyo, trung tâm quận Bunkyo, ngày 8/3/2015. Ảnh: Báo Asahi Shimbun.

Tháng 4/1934, nhà điêu khắc Ando Teru đã dựng tượng đồng của Hachiko tại nhà ga Shibuya. Hachiko cũng đã có mặt tại buổi lễ khánh thành tượng đồng đầy trang trọng ấy. 

Tuy nhiên, vào Chiến tranh thế giới thứ 2, bức tượng bị nung chảy để làm vũ khí. Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1948, nước Nhật quyết định làm lại bức tượng này. 

Con trai của Ando Teru kế thừa nhiệm vụ của cha mình, tạc nên tượng đồng Hachiko đặt tại nhà ga Shibuya ngày nay. Một buổi lễ vinh danh Hachiko cũng được tổ chức.

Đến năm 2015, nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất cố giáo sư Ueno và 80 năm ngày Hachi qua đời, Hachi và ông Ueno cuối cùng đã được đoàn tụ. Đúng ngày 8/3/2015, một bức tượng đồng với hình ảnh Hachi mừng rỡ chào đón chủ được dựng tại khuôn viên khoa Nông nghiệp Đại học Tokyo, quận Bunkyo. 

Cô Mari Toya, 30 tuổi, chủ một nhà hàng ở Nagoya, đã bày tỏ niềm xúc động: “Họ cuối cùng cũng đã đoàn tụ sau 90 năm. Tôi thật hạnh phúc thay cho họ”.

Hachiko, biểu tượng xuyên không-thời gian

Tính đến nay, Hachiko đã ra đi hơn 80 năm, thế nhưng câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn về chú đã trở thành một biểu tượng văn hóa và du lịch của Nhật Bản.

Trở lại quê nhà của Hachi, thành phố Odeta, tỉnh Akita đảo Honsu, chính câu chuyện của Hachi đã góp phần bảo vệ loài  chó quý hiếm này. Hậu duệ của Hachi, giống chó Akita-inu, đùa nghịch khắp nơi. 

Bảo tàng Akita-inu đã được xây dựng ở đây nhằm nâng cao ý thức bảo tồn giống chó Akita, phía trước bảo tàng là một bức tượng nữa của Hachiko.

Hình ảnh của Hachi không chỉ xuất hiện trên các bức điêu khắc, mà còn trên thẻ tích điểm, nắp cống… ở Odeta. Hay cách đây đã lâu, Hachiko còn góp mặt trên tem thư, búp bê...

Năm 1987, một bộ phim của “xứ phù tang” kể lại cuộc đời Hachiko, với tên gọi Hachiko Monogatari (Câu chuyện về Hachiko) ra đời. Hơn hai thập kỷ sau, vào năm 2009, Hachiko lại tiếp tục lấy đi nước mắt khán giả trên toàn thế giới, với bộ phim của Mỹ: “Hachi: A Dog’s Tale”.

Tờ Asahi Shimbun, trong một bài báo có tiêu đề “Tokyo xưa và nay: Đám đông bận rộn ở Shibuya vẫn ghé thăm tượng Hachiko”, đã ghi nhận được những tình cảm sâu sắc mà người dân Nhật Bản dành cho Akita. 

Sekita, một người từng có mặt ở Shibuya năm 1948, chia sẻ: “Vào những ngày đầu tiểu học, tôi may mắn gặp được người thầy giáo kể chuyện rất hay. Tất cả đám con gái đều cần khăn giấy mỗi khi thầy nhắc đến câu chuyện về Hachiko. 

Tôi đã giữ không cho mình khóc, nhưng chính lúc đó tôi quyết định mình phải đến Shibuya và ngắm bức tượng ấy. Đó là chuyến độc hành đầu tiên của tôi và tôi nghĩ rằng đó là địa điểm đặc biệt nhất mà mình từng đến cho tới bây giờ”.

“Bạn không nên quên đi bất kỳ ai mà bạn yêu” là một câu thoại nội tâm của Hachiko trong phim “Hachi: A dog’s tale”. 

Tình cảm của chú chó Hachi thật đáng quý, không chỉ vì lòng trung thành của chú với chủ, mà còn vì sức lan tỏa của tình cảm ấy đối với người dân Nhật Bản và người dân trên khắp thế giới.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.