Ngày 30-12 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình tiên tiến (CTTT) giai đoạn 2006-2016. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tất cả các trường có CTTT đều đã tích cực tổ chức quảng bá tuyển sinh cho chương trình này.

Chỉ cần đạt điểm sàn là học… tiên tiến

Đầu vào của một số chương trình rất cao như CTTT hóa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội tuyển thẳng thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế các môn toán học, tin học, vật lý, hóa học; xét tuyển có kèm điều kiện trình độ tiếng Anh tương đương TOEFL 450 đối với các ứng viên đạt điểm thi khối A, A1 từ 22,5 điểm trở lên. Với phương thức tuyển sinh này, sinh viên CTTT hóa học thật sự có năng lực, sức bật và đạt kết quả cao trong học tập. Tương tự, CTTT kế toán của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân do nguồn tuyển dồi dào nên tuyển các sinh viên trúng tuyển vào trường với điểm thi cao hơn điểm chuẩn từ 1-4 điểm, có nguyện vọng được học CTTT và phải qua 2 vòng tuyển chọn: kiểm tra tiếng Anh, viết luận và phỏng vấn nhằm xác định động cơ, quyết tâm và mục tiêu học tập.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường do có CTTT thuộc những ngành khó tuyển sinh nên đã “vét” cả thí sinh có điểm sàn. Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM từ năm 2009 đã mở rộng đối tượng tuyển sinh đối với thí sinh đạt điểm sàn trở lên. Nhờ vậy, số lượng sinh viên CTTT của ngành hệ thống năng lượng đã tăng lên nhưng kết quả học tập lại hạn chế với nhiều sinh viên có kết quả trung bình yếu trong năm thứ nhất. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam tuyển chọn sinh viên có trình độ tiếng Anh chưa cao, số lượng tuyển sinh tăng nhưng trình độ tiếng Anh của sinh viên không đồng đều.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, sau đợt tuyển sinh năm 2015, cả Đề án đã tuyển sinh và đào tạo cho 13.270 sinh viên nhưng trong quá trình đào tạo, đã có 1.518 sinh viên chuyển ra khỏi CTTT, trong đó 396 sinh viên có đủ trình độ ngoại ngữ, tự xin học bổng du học nước ngoài, số còn lại do không đủ trình độ ngoại ngữ hoặc học lực yếu..., không theo được CTTT và phải chuyển sang các chương trình khác.

Đóng cửa vì không có thí sinh

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết thêm một số ngành có số lượng sinh viên theo học CTTT thấp, các khóa chỉ tuyển được từ 20 đến 30 sinh viên, như hệ thống nhúng (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng), vật lý (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế), khoa học vật liệu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), kỹ thuật điện (Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên). Một số CTTT không tuyển được sinh viên do việc làm trong thị trường lao động bị hạn chế hoặc do quản lý của nhà trường chưa thực sự quan tâm, như khoa học và kỹ thuật vật liệu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) không tuyển sinh 2 khóa 2012, 2014; kỹ thuật y sinh (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)không tuyển sinh 2 khóa 2011, 2015 và toán học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) không tuyển sinh 4 khóa từ năm 2012.

Không chỉ gặp khó về tuyển sinh, CTTT của nhiều trường cũng đứng trước những khó khăn trong quản lý và điều hành; đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn khoa học cơ bản, cơ sở còn yếu về tiếng Anh, đội ngũ trợ giảng, cố vấn học tập ở một vài trường còn thiếu và hiệu quả chưa cao. Việc mời giảng viên của trường đối tác tham gia giảng dạy CTTT gặp nhiều khó khăn về số lượng và thời gian giảng dạy, các giáo sư nước ngoài khó bố trí thời gian trong khi chi phí mời giảng viên của trường đối tác cao, trong đó vài trường đối tác đòi hỏi thù lao quá cao. Thêm vào đó, thời gian giảng dạy của giảng viên nước ngoài thường ngắn (đa số từ 2 đến 3 tuần) nên sinh viên phải chịu áp lực lớn về khối lượng học tập...

Đánh giá về các CTTT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng mục tiêu của các CTTT cơ bản đạt được song so với lượng tiền bỏ ra và kết quả thì phải tính toán sâu hơn. “Có những chương trình tên nước ngoài nhưng ruột của ta nên không giống ai; cán bộ phân công cũng chưa chuyên nghiệp, quy trình chưa đồng bộ” - ông Nhạ nhìn nhận.

Ông Nhạ cũng cho rằng các trường chưa dành nhiều thời gian phân tích dự báo để xây dựng đào tạo các ngành quan trọng đối với nền kinh tế mà chỉ dựa vào khả năng của trường, do đó nhiều ngành đi vào ngõ cụt, lỗ. Chất lượng đầu vào không đúng yêu cầu, sinh viên ra trường thì không ai quan tâm sinh viên ấy phát huy chương trình như thế nào, cứ đào tạo xong là xong.

“Thời kỳ đầu CTTT là ngôi sao nhưng dần dần nhiều chương trình không duy trì đúng mức. Các CTTT như ngôi sao cô đơn “lịm” dần, trong khi có một số chương trình không phải tiên tiến nhưng lại nổi lên. Đâu đó vẫn có chương trình chất lượng nhưng mờ đi tương đối so với các chương trình khác” - ông Nhạ so sánh.

Rà soát lại toàn bộ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo các trường rà soát lại toàn bộ chương trình hiện có; phải nghiên cứu 5-10 năm sau thị trường lao động sẽ như thế nào để hình thành bản đồ ngành nghề mạch lạc. Nếu phân khúc rơi vào các CTTT thì các trường sẽ chọn các chương trình cơ bản và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, 1 trường có khoảng 5 ngành là quá tốt, từ đó chọn vài ngành đề xuất bộ hỗ trợ.

Theo ông Nhạ, bộ sẽ không trực tiếp làm chương trình mà chỉ định hướng, hỗ trợ tư vấn thiết kế theo hướng mở. Bộ cũng có chính sách rõ ràng, có hỗ trợ bằng tiền, cơ chế, con người. Bộ sẽ thành lập nhóm chuyên để tháo gỡ khó khăn, có thêm sự hỗ trợ đối với chương trình này. Bộ trưởng cũng cho biết ngày 31-3 -2017 sẽ trình với Chính phủ về đề án CTTT.

Bài và ảnh: YẾN ANH

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.