“Hai tháng ở quê ngoại thật đáng nhớ, lớp học hát dân ca tại Hội An (Quảng Nam) lấy đi của tôi một nửa thời gian và cũng trả lại cho tôi niềm vui thích khó tả!” - Valérian Macrabit bày tỏ.
Say sưa hát hò
Bà ngoại quê gốc Thanh Hóa, chàng trai 28 tuổi sống tại La Roche-Sur-Foron, Rhone-Alpes của nước Pháp vừa lật cuốn sổ tay vừa bắt nhịp ru con với 15 cô cậu thiếu niên Hội An. Bập bẹ vài tiếng Việt nhưng khi hát, cái giọng lơ lớ chỉ với vài nốt ở chữ có dấu đã khiến cho lời ru gợi một cảm xúc lạ, đủ thấy niềm vui và nỗi buồn đầy đặn trong tình tự yêu thương.
Lớp học hát trong phố cổ. Ảnh dưới: Valérian Macrabit say sưa hát dân ca
Dạy âm nhạc dân gian ở Pháp nên Valérian yêu thích dân ca là điều không lạ. Tuy nhiên, anh kể là tháng trước, đi bộ đoạn đường vòng cung trước Chùa Cầu, thấy đám con nít hát hò liền sà vào chiếu ngồi. Ban đầu sợ học tốn phí nên Valérian dè dặt, sau biết lớp học cộng đồng miễn phí và thế là mỗi tuần đến 3-4 lần, mỗi lần học được nửa bài từ hò giã gạo, hò ba lý dân ca Liên khu 5 đến hát ru, “Bèo dạt mây trôi” của quan họ Bắc Ninh.
Valérian chia sẻ: “Nhiều bài hát đã bị lãng quên nên tìm lại. Ở Pháp cũng vậy, tương đồng với ở đây là mỗi vùng miền đều có những bài dân ca khác nhau. Nhịp hát quen quen, nội dung, tiết tấu gần với người lao động. Mỗi lần hát là nhớ cha mẹ, ông bà, bè bạn, nhớ nơi đã sinh ra mình”.
Cùng nhóm với Valérian, bé Bảo Ngân ở Cẩm Phô cũng say sưa hát hò. Bé khen chú người Pháp học hát rất nhanh, vui tính và “bật mí” là đã được mẹ may cho một chiếc áo tứ thân, màu hồng phấn và xanh nõn. “Cháu mới được kết bạn Facebook với chú người Pháp. Cũng như chú, cháu có biết xàng xê, cổ bản chi đâu, khi nghe cô Ngọc Huệ, Thu Hương, Thu Ly với chú Dương Quý dạy cho cách hát thấy vui quá. Kết quả học gần 2 năm của cháu là… em trai cũng thuộc đến 5 bài dân ca” - Bảo Ngân kể.
Sáng tạo, độc đáo
Đâu chỉ có Valérian và bé Bảo Ngân, hàng trăm bạn nhỏ phố Hội và du khách phương xa cũng đã ngỡ ngàng với những câu hát đồng dao và các làn điệu dân ca Quảng Nam, Trung Bộ khi mới vào lớp học được tổ chức hằng đêm trong khu phố cổ.
Với ca sĩ Thu Ly (Đội Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An), 6 năm gắn bó với việc dạy hát dân ca cho thiếu nhi và du khách là những trải nghiệm thú vị. “Thiếu nhi và du khách lần đầu tiếp xúc với dân ca không thể yêu cầu cao ngoài việc tập những bài dân ca quen thuộc cùng cách phân biệt các làn điệu, cao độ, trường độ và phát âm. Lúc nào cũng rộn ràng và vui hơn nữa là kết nối bè bạn, góp một tí cho tâm tình phố Hội trong mỗi đêm phố cổ” - Thu Ly tâm sự.
Ngay khi đưa sản phẩm du lịch văn hóa “Đêm phố cổ” vào hoạt động tại Hội An từ năm 1998, lần lượt các lớp dạy hát dân ca, truyền vai hát tuồng, trải nghiệm trò chơi dân gian bài chòi, học làm đèn lồng, chuốt gốm, làm đồ chơi bằng lá dừa, học viết thư pháp, học tiếng Nhật... miễn phí đều được đưa vào thực hiện. Người truyền dạy không chỉ là các ca sĩ, nhạc công mà có cả những nghệ nhân dân gian và người nước ngoài, đặc biệt là lớp dạy tiếng Nhật miễn phí 10 năm do các giảng viên người Nhật từ Đoàn Nghệ thuật Tokyo Shirubakai (Nhật Bản) thực hiện.
Đứng lớp truyền vai hát tuồng cho thiếu nhi tại nhà cổ số 39 Nguyễn Thái Học, nghệ nhân dân gian Lê Phú Hải ở làng Thanh Hà, bày tỏ: “Nhờ Quỹ Hoàng Châu Ký mà tôi được đứng đây để nhớ về một thời mà ngày lao động đêm đi hát tuồng, coi tuồng. Gầy cho được lớp đồng ấu thì Hội An không bao giờ mất đi hình ảnh cũ”.
Giờ đây, tại phố cổ Hội An, nhiều loại hình sinh hoạt âm nhạc, nghệ thuật dân gian đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo và đặc hữu. Trong đó, những lớp học cộng đồng như thế trên đường phố, trong nhà cổ hay một góc công viên là sinh hoạt không thể thiếu trong rất nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ làm nên diện mạo đậm chất truyền thống cho mảnh đất và con người phố Hội.
“Đây là hoạt động sáng tạo và đầy nỗ lực trong việc góp phần định hướng thị hiếu, đặc biệt là khơi mở lòng yêu nghệ thuật dân gian trong lớp trẻ và cộng đồng. Trước hết là có cái để học, để chơi bởi chỉ cần một du khách học hát dân ca hay thử hô hát bài chòi, mạch sống của cha ông có thể đã khơi nguồn” - ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, khẳng định.
Bài và ảnh: Huỳnh Quốc Hải
Đăng nhận xét