Sáng 31-12, Hà Nội đã tổ chức lễ khai trương tuyến xe buýt nhanh (BRT, Bến Kim Mã - Yên Nghĩa) sau gần 4 năm xây dựng. Buổi lễ có sự góp mặt của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng nhiều lãnh đạo khác.
Sau gần 4 năm tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa chính thức đi vào hoạt động
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết đây là dự án xe buýt nhanh triển khai thí điểm đầu tiên tại Hà Nội, vậy nên trong quá trình triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và nhiều ban ngành cùng người dân Thủ đô hôm nay đã khai trương đưa dự án đi vào hoạt động.
Theo ông Hùng, việc triển khai tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa là chủ trương của TP Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Cùng với đó, là giảm tải ùn tắc và áp lực giao thông trên địa TP.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (bìa trái) là một trong những hành khách đầu tiên khi xe buýt nhanh chính thức vận hành ngày 31-12
Để tuyến xe buýt nhanh hoạt động hiệu quả cao ông Nguyễn Quốc Hùng thay mặt UBND TP Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng như: CSGT, thanh tra giao thông phối hợp điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn tắc, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, tính toán điều chỉnh pha đèn, phương án vận hành. Kịp thời điều chỉnh cơ sở hạ tầng trung tuyến để phù hợp với tình hình giao thông thực tế.
Đối với các quận Hà Đông, Đống Đa... vận động, tuyên truyền người dân chấp hành các quy định pháp luật, và Luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đưa BRT vào hoạt động theo đúng kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Bố trí nhân viên hướng dẫn tại các nhà chờ đảm bảo an toàn đi lại cho người dân.
Là một trong những hành khách đầu tiên sau khi khai trương tuyến xe buýt nhanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho biết hiện nay TP Hà Nội đang rất quyết tâm trong việc sử dụng xe buýt nhanh để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Xe buýt nhanh sẽ thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân. Ông Chung cũng mong muốn người dân thông cảm khi buýt nhanh có đường ưu tiên, ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện khác
Trước đó, trong thời gian chạy thử xe buýt nhanh bị nhiều phương tiện khác lấn làn
Trước đó, những ngày gần đây, Xí nghiệp Buýt nhanh Hà Nội đã chạy thử hơn 20 xe buýt nhanh vào giờ cao điểm để khớp nối kỹ thuật và thử nghiệm việc tác động tới giao thông toàn tuyến.
Đặc biệt trong ngày 29-12, do chạy thử xe buýt nhanh vào khung giờ cao điểm nên giao thông trên nhiều tuyến ùn ứ kéo dài. Dù có kẻ vạch dành riêng cho xe buýt nhanh nhưng các phương tiện khác vẫn đi vào khiến hiệu quả không như mong đợi. Nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng trước tính hiệu quả của xe buýt nhanh khi chính thức đưa vào hoạt động.
Tuyến buýt nhanh (Kim Mã - Yên Nghĩa) khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu sẽ khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm.
Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Cả chặng đường Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km.
Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Nguyễn Hưởng
Đăng nhận xét