Ngày 2-6, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang cho biết đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự thống nhất với nhau về nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng hải sản chết hàng loạt trên địa bàn huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên khiến những hộ dân và HTX nuôi trồng thủy sản ở đây chịu thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Các loại nghêu, sò chết trắng ở các bãi nuôi của hộ dân và HTX.
Theo đó, địa phương chịu thiệt hại nặng nhất là huyện Kiên Lương vì có hơn 3.000 tấn nghêu, sò huyết, sò lông với tổng giá trị gần 56 tỉ đồng bị chết. Sự cố môi trường này còn gây thiệt hại đáng kể cho 22 hộ nuôi cá bóp, cá mú, cá chẽm với hơn 23.086 con, tương đương gần 39.000 tấn với tổng giá trị gần 13 tỉ đồng. Trong khi đó, 17 hộ nuôi nghêu ở thị xã Hà Tiên bị mất trắng 139 tấn nhưng chưa ước lượng giá trị thiệt hại.
Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, hàm lượng kim loại nặng, tảo độc và vi sinh vật gây hại ở khu vực lấy mẫu đều nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng hàm lượng Amoniac (NH3) có cao ở một số thủy vực nhưng do xác thủy sản phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, có hiện tượng nở hoa của tảo nên có thể gây thiếu oxy cục bộ vào ban đêm và ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của các loại hải sản.
Kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản Nam bộ cho thấy các mẫu bùn, nước và thủy sản có hiện tượng hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) vượt mức bão hòa tại khu vực cống Tam Bản thuộc xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương do quần thể tảo phát triển quá mức. Tuy nhiên, kết quả phân tích thực vật nổi ghi nhận có sự hiện diện của một số loài tảo có khả năng tiết độc tố và gây hiện tượng nở hoa làm ảnh hưởng đến động vật thủy sản, nhất là loài tảo Leptocylindrus với mật độ cao. Hiện tượng này sẽ gây rối loạn trong quá trình hô hấp, cá bị bệnh bọt khí trong máu, làm tắt nghẽn các mạch máu dẫn đến não và đưa đến sự xuất huyết ở các vây và hậu môn.
Huyện Kiên Lương là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất vì có đến hàng chục ngàn tấn cá, nghêu, sò chết trắng với tổng giá trị hơn 68 tỉ đồng.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, kết quả phân tích của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng về công nghệ và Quản lý môi trường (CENTEMA) và Cục Viễn thám quốc gia cho thấy khu vực này có sự xuất hiện có 2 loại chất hoạt động bề mặt là n-hexadecanoid acid và Octadecaniod acid. Đây là 2 loại hóa chất dùng trong sản xuất xà bông, chất tẩy rửa, mỹ phẩm. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chưa tìm thấy mối tương quan giữa các cơ sở sản xuất trong khu vực với sự hiện diện của các chất này trong môi trường nước. Nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt không phải do ô nhiễm biển trên diện rộng và mang tính cục bộ. Nguồn ô nhiễm này có thể xuất phát từ trong đất liền qua các kênh rạch lân cận tại khu vực huyện Kiên Lương.
Tin-ảnh: T.Nốt
Đăng nhận xét