Chiều 1-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành các dự án thành phần để triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Chưa rõ nguồn vốn đầu tư

Theo tờ trình của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (hơn 16 tỉ USD). Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã lập khái toán phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) cho toàn dự án với diện tích hơn 5.600 ha, dự toán khoảng 23.000 tỉ đồng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết với tính chất quan trọng của nội dung này, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội (QH) ban hành nghị quyết riêng và tiếp tục giao Chính phủ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017).

Tiền đâu xây sân bay Long Thành? - Ảnh 1.

ĐB Dương Quang Thành (Hà Nội) góp ý về việc triển khai dự án sân bay Long Thành tại cuộc họp QH ngày 1-6 Ảnh: ĐÔNG BẮC

Về kinh phí thực hiện, Ủy ban Kinh tế thấy rằng trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện. Trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất TĐC, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.

Đại biểu (ĐB) Dương Quang Thành (Hà Nội), trong phiên thảo luận tại tổ, cho rằng về kinh phí thực hiện công tác GPMB, cần tách ra dự án phân kỳ đầu tư, kể cả đối với việc thu hồi đất bảo đảm quản lý sử dụng đất hợp lý và cân đối vốn. Còn ĐB Trần Ngọc Khánh (Khánh Hòa) nêu cụ thể: "Riêng về GPMB đã là 23.000 tỉ đồng.

Nếu giải phóng theo giải trình của Chính phủ là chúng ta chỉ làm giai đoạn 1 thôi, chưa có GPMB thu hồi đất của bên quốc phòng thì cũng đã trên 10.000 tỉ đồng trong khi vốn cũng mới có 5.000 tỉ đồng. Chính phủ đưa ra nhiều loại vốn như ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn cổ phần doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không... nhưng cũng chỉ nói thế thôi. Còn từng phần vốn như thế nào thì chưa thấy đề cập" - ông Khánh băn khoăn.

2 tô phở = 1 m2 đất

Chất vấn về dự án, ĐB Trần Ngọc Khánh cho rằng với chính sách bồi thường TĐC như tờ trình, liệu người dân đã đồng ý? "Đối với đất phi nông nghiệp, đất ở nông thôn, cao nhất được bồi thường 1,9 triệu đồng/m2, thấp nhất 240.000 đồng/m2. Còn những đất khác như đất sản xuất, kinh doanh lại chỉ có 120.000 đồng/m2. Một mét đất chỉ bằng tiền ăn 2 tô phở" - ông Khánh nêu và lưu ý nếu các ĐB "bấm nút" thông qua, người dân bị thiệt thì trách nhiệm là của chính các ĐBQH.

ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, chỉ rõ trong thực tế có nhiều tồn tại, bất cập, thậm chí cả tiêu cực liên quan đến công tác đền bù. "Đây là một dự án lớn nên cần phải đặc biệt quan tâm để phòng chống những việc này ngay từ đầu. Tôi biết có những dự án khi thực hiện đền bù giải phóng xong là "mất người" bởi vướng vào vòng lao lý" - ĐB Quang khuyến cáo.

ĐB Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết quy hoạch của dự án đã được công bố hơn 10 năm nên ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người dân sống tại đây. Đất dự án khoảng 5.000 ha, hiện có dự tính cho 2 khu TĐC và nghĩa trang là 614 ha, phải giải phóng 4.730 hộ, tương đương 15.000 nhân khẩu. Trong đó có 26 tổ chức tôn giáo, trụ sở của các cơ quan hành chính nhà nước, trường học, bệnh viện, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Nếu còn chậm trễ thì giá còn tăng cao, ảnh hưởng đến vốn đầu tư.

Phê bình việc chậm triển khai dự án

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận đã bỏ lỡ rất nhiều thời cơ trong thực hiện dự án. Bà dẫn câu chuyện mấy ngày nay, khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường, hành khách phải kéo hành lý chạy bộ vì sợ trễ máy bay "thấy thê thảm". Trong khi đó, chúng ta đã tính tới năm 2025, sân bay Long Thành xong giai đoạn 1. QH yêu cầu phải thực hiện sớm hơn để giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.

"Từ trước Tết 2017, Tân Sơn Nhất như nỗi ám ảnh cho những người đi máy bay. Thậm chí, rất gần nhưng người ta phải đi trước hàng mấy giờ vì sợ tắc đường" - bà Ngân nhấn mạnh và cho rằng phải phê bình việc chậm triển khai quyết định đầu tư của QH khi đã 2 năm rồi mà chưa có báo cáo khả thi.

7 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý

Theo dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được QH cho ý kiến vào sáng 1-6, có 7 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý, gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và nhóm người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ...

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhìn nhận có phân biệt về sự thụ hưởng giữa các đối tượng. Cụ thể là người thuộc hộ nghèo thì được trợ giúp pháp lý trên mọi lĩnh vực trong khi người thuộc hộ cận nghèo chỉ được trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự khi họ là bị can, bị cáo chứ không được hưởng trợ giúp pháp lý khi họ là nạn nhân của tội phạm.

Phương Nhung - Văn Duẩn - Nguyễn Quyết

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.