Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra nhóm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn tới. Trong đó có đề xuất: không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước. Đây được xem là ưu đãi lớn cho các DN ô tô.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ ban hành quy định, xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước với ô tô. Phần gia tăng trong nước này bao gồm linh kiện nội địa hóa, công lao động, khấu hao máy móc, nhà xưởng,... DN nào sử dụng càng nhiều linh kiện trong nước, đầu tư máy móc hiện đại càng có lợi.
Với cách làm này thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ có thêm lợi thế để cạnh tranh với xe nhập khẩu, qua đó thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển.
Cụ thể, với ô tô có dung tích 2.0L vào năm 2018 sẽ có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 40%. Nếu một DN nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối, với giá 10.000 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt phải chịu là 4.000 USD.
Nhưng một DN ô tô nhập bộ linh kiện về Việt Nam lắp ráp, chỉ có giá trị 8.000 USD, thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 3.200 USD.
Hơn thế nữa, nếu các DN tăng mua linh kiện trong nước, giảm nhập khẩu, tức là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thì càng hưởng lợi. Chẳng hạn, một DN chỉ nhập 50% giá trị bộ linh kiện là 4.000 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 1.600 USD.
Cách tính thuế này đã được nhiều nước áp dụng từ lâu để khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất, tìm mua linh kiện trong nước, qua đó thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển.
Tại Việt Nam, trước đây đã có DN đề nghị áp dụng chính sách này, nhưng không nhận được sự đồng tình của các cơ quan chức năng.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho biết: "Từ 2013, tôi đã đề xuất, nếu Vinaxuki nội địa hóa được 50% chiếc xe thì Nhà nước giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng không được chấp nhận".
"Sai lầm nhất với chính sách ô tô thời gian qua là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán. Chính việc này đã không khuyến khích các DN đầu tư đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước.
Đặc biệt, với các địa phương, điều này sẽ khiến họ chỉ ưu đãi cho các DN lắp ráp ô tô, mà không quan tâm tới sản xuất linh kiện, bởi lắp ráp ra xe bán, thuế tiêu thụ đặc biệt cao thì họ thu được nhiều. Nếu chúng ta áp dụng cách làm này từ sớm thì ngành công nghiệp ô tô không lẹt đẹt như bây giờ", ông Huyên nói.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại, nếu áp dụng cách tính thuế trên sẽ vi phạm các cam kết quốc tế và có nguy cơ bị kiện.
Bản thân Bộ Công Thương cũng cho biết, mặc dù đây là biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nhưng giải pháp này có thể vi phạm các cam kết quốc tế.
Trước đây, có thông tin cho biết, một vài DN ô tô FDI sẽ đề nghị Chính phủ nước họ xem xét khởi kiện nếu Việt Nam áp dụng cách tính thuế này. Lý do: vi phạm cam kết trong WTO về phân biệt đối xử, giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Bộ Công Thương, áp dụng cách tính thuế này sẽ tạo ra "sân chơi chung". Khi các DN cùng tham gia thì chẳng ai đi kiện làm gì.
Hơn nữa, tại Việt Nam hiện có nhiều DN FDI ô tô của một quốc gia đầu tư vào. Có quốc gia có tới 5 DN ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nếu chỉ 2 trong số đó đề nghị xem xét khởi kiện thì Chính phủ nước họ cũng phải cân nhắc.
Nếu đề xuất này được chấp nhận và áp dụng từ 2018, cộng với thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện giảm về mức 0% thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có nhiều lợi thế.
Theo tính toán, một chiếc xe lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa 20%, có giá bán 600 triệu đồng, mức giảm giá tương ứng từ 10-12%. Nhưng nếu tỷ lệ nội địa hóa là 40% thì mức giảm lên tới 15%. Như vậy, sẽ giúp xe sản xuất lắp ráp trong nước cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Đăng nhận xét